Chưa đánh giá được chính xác

Xuất sản phẩm tại cảng NMLD Dung Quất
Xuất sản phẩm tại cảng NMLD Dung Quất
TP - Ngày 4-11 Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKH&MT) của Quốc hội khi báo cáo thẩm tra việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1 Dung Quất chiều 4-11.

 >> Hiệu quả kinh tế cao hơn dự kiến

Xuất sản phẩm tại cảng NMLD Dung Quất
Xuất sản phẩm tại cảng NMLD Dung Quất . Ảnh: Ngọc Lâm

Có tác động tích cực tới khu kinh tế Dung Quất

Theo ông Đặng Vũ Minh Chủ nhiệm UBKH&CN, sau 13 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH, thành công lớn nhất của dự án NMLD Dung Quất là “đã hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã được chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định ở 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế”.

Đến thời điểm hiện nay, sản phẩm của nhà máy đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên dầu thô của đất nước.

NMLD Dung Quất nhập 6,4 triệu tấn dầu thô

Tính đến cuối tháng 9-2010, NMLD Dung Quất nhập 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng với tổng sản lượng trên 5,5 triệu tấn, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn, báo cáo thẩm tra việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành NMLD số 1 Dung Quất do Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội trình Quốc hội hôm qua cho biết.

Ủy ban KHCN&MT cho rằng, nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng nên chưa đủ số liệu, thời gian để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả kinh tế của dự án.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì việc xây dựng NMLD Dung Quất đã có tác động tích cực đối với Khu kinh tế Dung Quất, trở thành hạt nhân của một trong những khu kinh tế năng động và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Trong báo cáo thẩm tra, ủy ban này cũng chỉ ra một số tồn tại “cần rút kinh nghiệm”, trong đó đáng chú ý là dự án chậm tiến độ 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997 của QH khóa X, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2005 “do chưa được Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện một cách quyết liệt, dự toán và phương án huy động nguồn tài chính, lựa chọn nhà thầu liên danh chưa thực sự chuẩn xác”.

Báo cáo về dự án này tại QH chiều 4-11, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngày 30-5-2010, NMLD Dung Quất đã được bàn giao cho chủ đầu tư. Hiện nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng.

Sản phẩm tồn, khó nói

Nói về hiệu quả kinh tế của dự án NMLD Dung Quất - cao hơn cả dự kiến ban đầu, theo báo cáo của Chính phủ - ĐB Nguyễn Minh Thuyết, cho rằng, rất khó nhận xét về số liệu này vì dầu vẫn còn tồn đọng trong nhà máy.

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, ông Thuyết nói: Tôi là người biết rõ dự án nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Phải thấy rằng, việc xây dựng NMLD Dung Quất thể hiện thiện chí rất lớn của nhà nước nhằm phát triển kinh tế miền Trung, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sắp xếp công ăn việc làm cho đồng bào khu vực này.

Theo ông Thuyết, hơi khó để nhận xét về hiệu quả kinh tế dự án NMLD Dung Quất, vì sản phẩm đã bán được hết đâu, vẫn còn tồn đọng ở nhà máy. Phải xem hiệu suất tính trên cái gì? Có thể người ta tính trên lý thuyết, so dầu tồn kho với dầu trên thị trường là có lãi.

Vậy thực chất của vấn đề sản xuất và ứ đọng xăng dầu ở Dung Quất là gì?

Ở đây, có thể có sự tranh chấp quyền lợi giữa các tập đoàn. Cũng có thể đối tác không tin tưởng lắm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, lý do thứ hai chỉ là phụ thôi. Muốn tin tưởng hay không phải sang kiểm tra. Nhưng nó giống như câu chuyện điện của nhà máy Điện Cà Mau, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không muốn mua điện do tranh chấp về giá cả, về mặt lợi ích nào đó. Nguyên nhân cũng có thể liên quan đến đến lợi ích trong ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Theo ông Thuyết, NMLD Dung Quất đã vận hành, đang tồn đọng một lượng sản phẩm rất lớn. Chính phủ phải đứng ra chỉ đạo để tiêu thụ hết số sản phẩm này để còn trả nợ. Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chúng ta vay 1 tỷ USD với lãi suất 7,5%/năm.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh:

Tôi sẽ chất vấn Bộ Công Thương

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Văn Minh cho rằng, việc để xăng, dầu Dung Quất tồn kho là điều vô lý, không chấp nhận được.

ĐB Ngô Văn Minh
ĐB Ngô Văn Minh . Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Minh nói: Bộ Công Thương quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Cả Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều là các doanh nghiệp nhà nước, được coi là những “quả đấm thép” cho nền kinh tế. Vậy sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp này như thế nào để tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế.

Petrolimex cho biết họ đã ký hợp đồng nhập khẩu xăng, dầu của Singapore từ đầu năm nên không thể mua thêm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất?

Đưa ra lý do như vậy là không thỏa đáng. Bởi các doanh nghiệp đều biết trước được là lúc nào có sản phẩm, sản phẩm bao nhiêu, chất lượng thì đã được quốc tế công nhận. Lỗi này không thể đổ cho trước đó đã ký hợp đồng mua. Như vậy là không thuyết phục, không thực chất. Phía sau câu chuyện này là gì cần phải làm rõ. Vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo PVN đứng ra giải quyết vấn đề này. Nhưng tôi cho rằng, để lỗi đó xảy ra là không chấp nhận được.

Cũng có dư luận cho rằng, đằng sau đó là vấn đề hoa hồng nhập khẩu xăng, dầu?

Dư luận có người nói như vậy, nhưng thực chất thế nào cần có điều tra mới biết được. Việc này phải được làm rõ. Chúng ta xây dựng nhà máy lọc dầu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, để rồi khi có xăng dầu trong nước thì lại dùng sản phẩm nhập khẩu. Điều này hết sức vô lý, thành ra tồn kho, ứ đọng sản phẩm của mình. Rõ ràng ở đây là câu chuyện phối hợp, trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Vậy tới đây ông có chất vấn Bộ Công Thương?

Tôi sẽ xem xét chất vấn Bộ Công Thương, đề nghị làm rõ chuyện này.

Hà Nhân thực hiện

Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang:

Còn khoảng 30-50% không phải là ế

Ông Nguyễn Hoài Giang
Ông Nguyễn Hoài Giang.
Số liệu tồn kho xăng dầu tại NMLD Dung Quất mà dư luận nói là cách đây 2 tháng rồi. Từ ngày 15-10, toàn bộ hàng tồn kho đã được giải quyết triệt để. Tồn các loại sản phẩm hiện chỉ là 160.000 m3. Đây là tồn kho tối ưu, cho phép đảm bảo cho khâu vận hành bình thường, không bao giờ các bồn chứa để cạn đáy cả, mà luôn còn khoảng 30-50%. Chứ không phải xăng dầu Dung Quất không bán được

Hiện mỗi ngày nhà máy sản xuất 180.000 m3 sản phẩm các loại (100% công suất) và cũng bán ra như vậy (180.000 m3). Sức chứa của cả nhà máy là 420.000 m3, làm sao có thể tồn kho tới trên 700.000 m3 như một số thông tin đưa ra? Con số này có thể là con số dự kiến ước tính theo thời gian từ nay đến cuối năm, nếu sản phẩm không bán được.

Vấn đề đặt ra hiện nay trong tiêu thụ sản phẩm, theo tôi là chúng ta phải làm tốt hơn trong khâu phối hợp quản lý, điều phối giữa các cơ quan đơn vị chức năng. Chủ yếu do năng lực điều phối của chúng ta chưa quen với dự án lớn như thế này. Như trong trường hợp biến động thời tiết, biến động thị trường sẽ dẫn đến việc thừa hay thiếu, nên rất cần sự chủ động phối hợp. Mặt khác hệ thống kho chứa xăng dầu trên toàn quốc hiện chưa đủ lớn. Được biết Petrolimex (Tổng Cty Xăng dầu VN) đang xây dựng thêm các kho, nhưng có lẽ phải cả năm nữa mới xong…

Trí Quân ghi 

MỚI - NÓNG