'Chưa phát hiện trường hợp kết án oan trong năm qua'

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình
TPO - Thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo Quốc hội sáng 30/10.

Theo đó, sáng 30/10, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, với việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án, khắc phục về cơ bản việc để các vụ án quá hạn luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1,09%, thấp hơn năm trước 0,21%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.

Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, theo ông Bình, cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật tố tụng.

Chánh án cho hay, các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại. Thực hiện Nghị quyết 55 của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành tổng kết công tác xét xử lưu động và xây dựng báo cáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc không quy định chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động là chỉ tiêu bắt buộc đối với các Tòa án.

Trong công tác xét xử các vụ việc dân sự, ông Bình cho biết, đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án.

Công tác hòa giải tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, dứt điểm, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tỷ lệ hoà giải thành có xu hướng tăng qua các năm (trung bình các vụ việc dân sự được hòa giải thành chiếm trên 50% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết).

Nhận thức rõ tầm quan trọng và hiệu quả thực tế của công tác hòa giải, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án cần tập trung thực hiện tốt công tác này. Được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.