Chưa quy định việc đấu giá biển số xe

TP - Ngày 21/6, với trên 93% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Báo cáo giải trình dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có một số ý kiến cho rằng, nếu quy định biển số xe được phép đấu giá thì cần thiết phải bỏ khoản 22, điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định về cấm mua bán biển số xe. Ý kiến khác lại cho rằng, nếu cho phép đấu giá biển số xe thì biển số xe sẽ là tài sản của cá nhân. Khi đó cá nhân có quyền đem bán biển số này khi không sử dụng hay không? Việc quản lý nhà nước về số xe sẽ thực hiện như thế nào?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kho số của nhà nước gồm nhiều loại khác nhau và được khai thác bằng các hình thức khác nhau để phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý của từng loại kho số, bảo đảm phù hợp với chính sách trong từng thời kỳ. Mặt khác, kho số phục vụ quản lý nhà nước là một loại tài nguyên, việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc chung. Trên cơ sở đó, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc khai thác từng loại kho số phục vụ quản lý nhà nước để đảm bảo các yêu cầu nêu trên.

Việc đấu giá biển số xe (nếu có) không được làm ảnh hưởng tới việc quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông, vì mỗi biển số được cấp gắn với một phương tiện giao thông; người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp. Như vậy sẽ không xảy ra mâu thuẫn với quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017. Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, nghị quyết nhấn mạnh phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Ngoài quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, nghị quyết cũng nhấn mạnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).