Chưa thể di dời “nghĩa địa” tàu đắm

Thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận con tàu đắm để lặn tìm người bị mất tích trên biển. Ảnh: Vân Song.
Thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận con tàu đắm để lặn tìm người bị mất tích trên biển. Ảnh: Vân Song.
TP - Vùng biển Quy Nhơn sau bão số 12 vẫn đang ngổn ngang 10 xác tàu hàng bị chìm hẳn hoặc nửa chìm nửa nổi. Trước sức ép phải trục vớt khẩn trương các tàu hàng bị chìm để không xảy ra thảm họa môi trường biển, hiện các chủ tàu đang gặp vô vàn khó khăn để “giải vây” cho vùng biển này trong một sớm một chiều.

Thợ lặn khó tiếp cận xác tàu đắm

Công tác tìm kiếm, cứu vớt người mất tích đang được các đơn vị chức năng triển khai, trong đó Bộ Quốc phòng vừa huy động thêm 26 thợ lặn cùng với flycam để nỗ lực tìm kiếm.

Sáng 9/11, 26 thợ lặn do Bộ Quốc phòng huy động đã cùng với Hải quân và thợ lặn do các chủ tàu thuê đến để tiến hành áp sát tàu đắm Jupiter tìm kiếm người mắc kẹt. Tuy vậy, do thời tiết quá xấu, biển động, hơn nữa con tàu chở khách Jupiter bị nằm lật nghiêng, biến dạng ở biển nên thợ lặn không thể tiếp cận được.

Ông Nguyễn Thanh Thắng, đại diện chủ tàu Jupiter, cho hay: “Tàu bị lật ngang, có 7 thuyền viên mất tích đã tìm thấy 2 thi thể. Hiện thời tiết xấu nên chưa thể tìm kiếm được. Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm người mất tích chứ chưa nghĩ được gì hết, tính mạng con người là trên hết nên tìm kiếm người trước đã…”.

Chủ tàu không được chậm trễ!

Sáng 9/11, trả lời PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, cho biết: Việc trục vớt tàu là công việc của các chủ tàu và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, tỉnh chỉ giám sát. Hiện các chủ tàu đã có mặt tại Quy Nhơn. Tuy nhiên, công việc trục vớt vẫn phụ thuộc vào phía bảo hiểm, trong khi bảo hiểm chưa sẵn sàng. Hiện mới có đại diện Bảo Việt vào. 

Tỉnh Bình Định đề nghị các chủ tàu phải khẩn trương làm việc với các bên để nhanh chóng trục vớt các xác tàu bị chìm. Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các chủ tàu phải hiệp đồng với các công ty trục vớt để tiến hành thuê thợ lặn khảo sát để nhanh chóng trục vớt.

Cũng trong ngày 9/11, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh Văn phòng Ủy ban QGTKCN, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các chủ tàu phải nhanh chóng hợp đồng với các công ty trục vớt để tiến hành trục vớt các tàu lên. Đặc biệt, tuyệt đối không để tràn dầu ra biển. Muốn trục vớt phải bốc hết hàng trên tàu, mời Trung tâm ứng phó dầu điều tàu về hút hết dầu ra sau đó tàu nhẹ thì mới trục vớt lên được. Tỉnh Bình Định đang chỉ đạo quyết liệt phải khẩn trương trục vớt các tàu lên. Giải pháp là khi trục vớt là song song với giải quyết, sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu”.

Chủ tàu nói sức ép quá lớn

Ông Nguyễn Công Khoa (46 tuổi, quê Thái Bình) – chủ tàu Nam Khánh 26, trình bày khó khăn: “Tàu tôi bị chìm ở phao số 5, 6 hiện xác tàu vỡ làm ba, tan nát hết chỉ có nước trục vớt lên rồi rã bán sắt vụn. Trên 20 tỷ đồng coi như mất trắng. Tỉnh Bình Định yêu cầu phải trục vớt trong 10-15 ngày thì rất khó cho phía chủ tàu. Bây giờ khó khăn nhất của chúng tôi đó là các thủ tục trục vớt các tàu lên. Việc tìm các nhà thầu, công ty trục vớt tốt và có năng lực thì không thể tìm nhanh được. Còn về giá cả chúng tôi mong các đơn vị cố gắng giúp đỡ chứ cao quá thì công ty rất khó để chi trả…”

Ông Nguyễn Điền, đại diện tàu Biển Bắc 16, chia sẻ thêm: “Phía bảo hiểm luôn sát cánh cùng mình để giải quyết sự cố. Đến sáng nay chúng tôi mới bắt đầu làm việc với bảo hiểm và các bên thuê nhà thầu để tiến hành trục vớt tàu bị đắm. Hiện tại chỉ có áp lực về phía cảng vụ vì họ yêu cầu phải trục vớt nhanh chóng. Chúng tôi đang rất lo, vì hiện tại vẫn chưa tìm được đơn vị có dịch vụ đáp ứng được yêu cầu đó”.

Trước đó, ngày 7/11 tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đề nghị các chủ tàu phải ký hợp đồng với trung tâm xử lý tràn dầu để xem xét các vấn đề cần thiết. Về mặt kinh phí phải ưu tiên giảm tối đa để các chủ tàu giảm bớt thiệt hại. Sau khi kiểm tra thực tế thì phải nhanh chóng hình thành một kế hoạch, phương án cụ thể chủ tịch tỉnh Bình Định sẽ ký. Ngoài trách nhiệm của các bên liên quan, Trung ương sẽ phối hợp với tỉnh giải quyết.

Hiện tại, vùng biển Quy Nhơn có 7 chiếc chìm hẳn, 2 tàu bị mắc kẹt trong vùng núi đá Ghềnh Ráng. Các tàu bị chìm, gồm: tàu FEI YUE 9 trên tàu có 31 tấn dầu F.O và D.O. Tàu Biển Bắc 16 có 10.000 lít tấn D.O và 3.332 tấn cliker. Tàu Nam Khánh 26 có 2.283 tấn cliker và 20.000 lít dầu D.O; tàu Hà Trung 98 có 2.897 tấn gạo và 5.000 tấn dầu D.O; Tàu Hoa Mai 68 chở 3.095 tấn apatit và 20.000 dầu D.O; Tàu Sơn Long 08 chở 2.987 clinke và 8.000 lít dầu D.O; tàu An Phú 168 chở 590 tấn bã sắn cùng 8.000 lít dầu D.O…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.