Chưa tích nước Thủy điện Sông Tranh 2

Chưa tích nước Thủy điện Sông Tranh 2
TP - Sau xử lý thấm, đập Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định nhưng, tạm thời vẫn chưa tích nước lại hồ chứa của công trình, cho đến khi có những kết quả nghiên cứu, đánh giá sâu và chắc chắn hơn nữa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ngày 21-9.

> EVN tích nước thủy điện Sông Tranh 2: Ba hộ dân thua kiện

Đập thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ phía hạ lưu. Ảnh: TTXVN
Đập thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ phía hạ lưu.  Ảnh: TTXVN.

Trên cơ sở đảm bảo an toàn cao nhất cho công trình và nhân dân trong khu vực, tại cuộc họp sáng 21-9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các chuyên gia, cơ quan quản lý chuyên ngành đã rà soát, đánh giá cụ thể từng vấn đề của Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).

Dự họp có đại diện của cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chính quyền địa phương, và các nhà khoa học, bao gồm Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban quản lý Dự án Thủy điện 3, Viện Vật lý Địa cầu và Viện Địa chất (đều thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam) và UBND tỉnh Quảng Nam.

Thuê chuyên gia ngoại chẩn bệnh

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trường hợp đầu tiên ngành xây dựng công trình của Việt Nam phải cân nhắc trước nguy cơ thảm họa thiên nhiên, nên phải nghiên cứu, cân nhắc với yêu cầu cao nhất “tất cả vì sự an toàn của công trình, của đời sống nhân dân”.

Trên tinh thần đó, dù các ý kiến chuyên môn đã khuyến nghị về độ an toàn có thể tích nước ngay, nhưng để đề phòng những diễn biến về biến đổi khí hậu, biến đổi địa chất và diễn biến hết sức phức tạp về động đất trong thời gian qua tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng chỉ đạo chưa tích nước lại hồ chứa công trình Thủy điện Sông Tranh 2.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý Địa cầu cùng các bộ ngành liên quan, thuê các tổ chức, chuyên gia nước ngoài tiếp tục kiểm tra, đánh giá toàn diện về tác động của động đất ở khu vực đến an toàn của công trình thủy điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Chỉ đến khi có kết quả đánh giá chính thức, toàn diện hơn nữa, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ xem xét, quyết định chính thức việc tích nước Thủy điện Sông Tranh 2.

“Các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần thể hiện trách nhiệm lớn đối với những quyết định về công trình, về tình hình biến đổi địa chất trong khu vực này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

EVN phải lắp thêm máy gia tốc

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN hoàn thiện hệ thống quan trắc, tổ chức theo dõi sát sao lưu lượng thấm trong quá trình mưa lũ cũng như tình hình vận hành của đập.

Đặc biệt là trang bị thêm các máy gia tốc để làm cơ sở nghiên cứu chi tiết, toàn diện hơn về quy luật biểu hiện động đất, các điều kiện địa chất kiến tạo khu vực Bắc Trà My và lân cận, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này tới sự ổn định của đập, làm cơ sở cho việc vận hành an toàn công trình này.

Bộ Công Thương được yêu cầu điều chỉnh quy trình điều tiết hồ chứa và lưu vực, phòng chống lũ của khu vực khi chưa tích nước trong thời gian tới.

Tỉnh Quảng Nam được yêu cầu tập trung thực hiện tuyên truyền, vận động, công bố rộng rãi thông tin để nhân dân địa phương hiểu rõ, an tâm cũng như phổ biến, hướng dẫn cách phòng chống lụt bão, vấn đề ứng phó với các biến đổi địa chất trong vùng…, xem xét biện pháp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do động đất thời gian qua.

Đồng thời, đảm bảo cung cấp thông tin, phát ngôn thống nhất, nhất quán từ các cơ quan có trách nhiệm để phương tiện thông tin đại chúng thông tin chính xác, khách quan các vấn đề liên quan.

Động đất kích thích do tích nước hồ chứa xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều động đất nhỏ hơn còn theo dõi được đến 4-5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần.

Khi ứng suất trong vỏ trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, hoạt động động đất kết thúc, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động kiến tạo bình thường.

(Nguồn: Viện Vật lý địa cầu)

 

Nguyên Linh

Theo TS Vũ Văn Bằng, các trận động đất liên tiếp thời gian qua ở thủy điện Sông Tranh có thể bộc lộ các diễn biến kiến tạo địa chất mới tại vùng Quảng Nam, khác với các hiểu biết địa chất hiện hành mà cả Viện Địa chất và Viện Vật lý Địa cầu có trong tay.

Điều này cho thấy không những phải xem xét lại quá trình nghiên cứu kiến tạo trước đây về vùng này mà còn phải có cái nhìn mới về nó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG