Chưa tôn trọng quyền tự do báo chí

TP - Theo quy định của Luật Báo chí, trường hợp báo chí thông tin không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, thì tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng có quyền gửi đơn đến tòa soạn báo, yêu cầu cơ quan báo chí đó phải cải chính, xin lỗi. 

Trường hợp báo chí thông tin phiến diện, một chiều, khiến người đọc dễ bị hiểu sai, hiểu lầm, tổ chức, cá nhân liên quan có quyền gửi văn bản đến toà soạn báo, yêu cầu đăng tải ý kiến của mình, để bạn đọc có được thông tin đầy đủ.

 

Những quy định trên nhằm bảo đảm việc thông tin của báo chí được chính xác, toàn diện. Sâu xa hơn, những quy định đó còn để bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mọi công dân, đã được Hiến định.

Sau khi Tiền Phong đăng các bài “Nước mắt tiểu thương” (Tiền Phong nhật báo ra ngày 30/6/2014) và “Tiểu thương ngủ đêm trông chợ giữa đêm mưa” (TiềnPhong Online ngày 1/7/2014) phản ánh những bức xúc của tiểu thương ở thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) trong việc họ phải chuyển đổi địa điểm kinh doanh, toà soạn báo chưa nhận được văn bản nào của các cơ quan Đảng và chính quyền huyện Hải Hà phản đối, góp ý về nội dung các bài báo này. 

Việc Đài Truyền thanh truyền hình huyện Hải Hà cho phát trên loa phóng thanh di động tại thị trấn Quảng Hà, cho rằng các bài báo của Tiền Phong “phản ánh sai chủ trương của tỉnh”, “phóng viên viết bài đã bị phê bình”, “đề nghị bà con không nghe những thông tin sai trái do báo viết” là thiếu căn cứ, bước đầu đã được chính lãnh đạo Đài này thừa nhận.

Trong một xã hội hiện đại, việc các cơ quan báo chí thông tin không trùng khớp nhau, thậm chí đối nghịch nhau, âu cũng là chuyện bình thường. Chuyện bất bình thường và không thể chấp nhận, đó là khi quyền được thông tin, quyền được tự do ngôn luận của người dân không được bảo đảm. Bà con tiểu thương thị trấn Quảng Hà đều là công dân Việt Nam, họ có đầy đủ các quyền được Hiến định, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, đã được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013.

Đồng nghiệp nào đó ở Đài Truyền thanh truyền hình huyện Hải Hà “phóng tác” rằng bài báo của Tiền Phong “sai chủ trương của tỉnh”, phóng viên Tiền Phong “bị kỷ luật”, có lẽ đó cũng chỉ là sai phạm mang tính chuyên môn nghiệp vụ làm báo, nên rút kinh nghiệm là xong. Vấn đề đáng bàn hơn, đồng nghiệp này yêu cầu bà con tiểu thương “không đọc, không nghe những thông tin sai trái” do báo Tiền Phong viết, e rằng như vậy là đã xâm phạm đến quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của người dân thị trấn Quảng Hà.

Vấn đề này không phải là “cách hành xử với báo chí” như lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, mà chính là cách hành xử với công dân thị trấn Quảng Hà. Thiết nghĩ, cách hành xử như vậy xuất phát từ sự chưa tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, coi thường trình độ nhận thức của người dân, nói chung là không thể chấp nhận, cần nghiêm túc xử lý.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.