Chuẩn bị kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn

Chuẩn bị kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn
TP - Tiền phong đã có cuộc trao đổi riêng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn về những thông tin ban đầu của Đề án kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn.

Nằm trong lộ trình xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng, Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, là một trong những văn bản quan trọng mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói:

Hiện Đề án đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện để trình Chính phủ. Đối tượng của Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn có hai “mức”: thứ nhất là từ cấp phó phòng trở lên, thứ hai là đối với tất cả cán bộ, công chức.

Hiện nay, chúng tôi trình cả hai “mức” đó, bởi vì công bằng ra thì tất cả những cán bộ, công chức nhà nước, đều phải được kiểm soát thu nhập. Nhưng mà áp dụng như vậy thì rộng quá, nên có dự định “mức” từ phó phòng, tức là từ những người có chức vụ trở lên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có những người không có chức vụ, nhưng công việc của người ta chi phối rộng, thì cũng cần kiểm soát thu nhập.

Nên, như đã nói bây giờ chúng tôi đang trình cả hai “mức” như vậy để cấp có thẩm quyền xem xét. Quan điểm của chúng tôi là kể cả kiểm soát trên diện rộng (tức là cả hai “mức”) thì cũng được.

Chuẩn bị kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn ảnh 1
Ông Trần Văn Tuấn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Thưa Bộ trưởng, vì đây là Đề án vậy nếu được Chính phủ thông qua thì đâu là tính pháp lý của những quy định trong Đề án, và liệu có hay không “vùng cấm” trong việc kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn?

Trước hết, cần khẳng định là Đề án này sẽ được áp dụng với tất cả những người có chức vụ, quyền hạn, tức là không có giới hạn. Tính tất cả cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, kể cả bên Chính phủ, bên các cơ quan của Đảng, của Quốc hội...

Vấn đề thứ hai, sau khi Đề án được trình lên Chính phủ, mà được cấp có thẩm quyền thông qua thì sẽ trở thành văn bản pháp lý, chứ không phải chỉ là Đề án nữa. Bây giờ thì nó đang nằm trong dạng đề án.

Tới đây chúng tôi sẽ trình Đề án, cùng với một số văn bản khác nữa, sẽ góp phần làm cho việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn được chặt chẽ và toàn diện hơn.

Thưa Bộ trưởng, theo dự thảo Đề án thì việc kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn sẽ được thực hiện bằng cách nào?

Sẽ vận dụng kinh nghiệm quốc tế. Trong thực tế, tinh thần là để mỗi quý một lần, mỗi cán bộ, công chức phải tự khai, ngoài lương ra thì thu nhập thế nào? Và đến quý sau lại tiếp tục khai, rút lại bản khai quý trước để khai cả 6 tháng...

Cái chính là việc tự giác khai của cán bộ, công chức. Cũng có người băn khoăn cho rằng người ta không khai thì sao? Khi có “vấn đề”, mà người cán bộ, công chức lại không khai, thì đó sẽ là cơ sở để xem xét trách nhiệm và tư cách của họ, thậm chí có biện pháp xử lý nếu cán bộ không khai. Nếu cán bộ vi phạm thì sẽ xử lý nặng hơn.

Bộ trưởng có nói đến việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế, tuy nhiên ở nước ta với “nền kinh tế tiền mặt” thì sẽ khó khăn trong việc kiểm soát?

Cái đó chúng tôi đã đi tham khảo các nước, họ cũng không có biện pháp nào khác ngoài biện pháp là tính tự giác của người cán bộ, công chức.

Nếu như về sau mà cán bộ, công chức trong diện phải khai mà không khai, đến khi qua một kênh nào đó người ta phát hiện ra có thể là qua đơn thư mà xem xét thấy đúng chẳng hạn thì sẽ xử lý nặng hơn và xem xét trách nhiệm nặng hơn.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Võ Văn Thành
Thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG