Đại lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị:

Chung một nén hương...

Chung một nén hương...
TP - Sáng  26/7, tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi vòng hoa kính viếng anh linh các anh hùng liệt sỹ. Đến dự Đại lễ có  đồng chí Hồ Đức Việt – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; đại diện  Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ban ngành T.Ư, các địa phương, đại diện 35 ngoại giao đoàn, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài cùng rất nhiều cựu chiến binh, đồng bào  mọi nơi trong cả nước và nước ngoài.

Trong lòng dân tộc

Phát biểu khai mạc Đại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xúc động:

“Cả nước luôn hướng về các anh linh liệt sĩ. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây trong đạo lý của người Việt Nam, ngày 27/7 từ lâu đã trở thành một ngày đầy ý nghĩa đối với tất cả chúng ta. Truyền thống đó càng trở nên trọn vẹn nghĩa tình hơn với lòng tri ân và báo ân của Đạo Phật”.

Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc

Ngọn lửa anh linh rực đất trời

Muôn dặm từng vang Đường

Số Chín

Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi

Những câu thơ đọc lên trong buổi lễ, nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu tại mảnh đất này đã rơi nước mắt. Bác cựu binh Trần Ngự kể lại những hồi ức cùng đồng đội mình tại buổi lễ:

“Hôm nay chúng tôi về đây thắp một nén hương cho những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi này. Chúng tôi đã có những giây phút chiến đấu kiên cường. Chúng tôi đã đuổi đánh quân đối phương từ Đông Hà vào Thị xã Quảng Trị và được lệnh đánh chiếm Thị xã ngay trong đêm 30/4/1972 để đến ngày 1/5/1972 có thể cắm lá cờ Việt Nam lên nóc Thành cổ Quảng Trị. Nhiều đồng đội đã hy sinh với tinh thần Vì Tổ quốc trường tồn”.

Đến với Quảng Trị tham dự chuỗi hoạt động, không chỉ có những người con đất Việt. Rất nhiều người nước ngoài đã tìm đến nơi này. Họ kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sỹ, thắp những nén hương trước những ngôi mộ phần lớn là vô danh tại nghĩa trang. Nhiều người đã khóc.

Tại buổi lễ, bạn Trương Thị Như Hoa, lưu học sinh tại Bỉ bày tỏ lời tri ân sâu sắc: “Chúng cháu đang ở độ tuổi hai mươi đẹp nhất của đời người. Đã từng có rất nhiều liệt sỹ đã ngã xuống cũng vào độ tuổi này để chúng cháu có được ngày hôm nay. Chúng cháu luôn tâm niệm mình sẽ cố gắng góp một tay để xây dựng đất nước  phát triển hơn nhằm đền đáp công ơn ấy”.

Đồng đội, anh ở đâu?

Chung một nén hương... ảnh 1
Các cựu chiến binh thắp hương trên mộ đồng đội tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.  Ảnh: Đăng Khoa

Về Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 lần này, Ngân hàng Vietin Bank đã tổ chức rất nhiều đoàn xe đưa cựu  chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Trong số các cựu chiến binh này, có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà chưa một lần đặt chân đến đây. Họ khát khao hy vọng tìm lại được mộ phần của những người đồng đội thân quen để thắp một nén hương nhớ về người đã khuất.

Bác Hoàng Xuân Sâm (xã Thiệu Vân, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) là một cựu binh như vậy. Suốt buổi sáng, bác Sâm lần dò tìm kỹ từng ngôi mộ. Đi dọc những mộ phần liệt sỹ của tỉnh Thanh Hóa, bất chợt bác dừng lại, cúi thấp, rưng rưng xúc động. Bác đã tìm ra phần mộ của đồng đội mình. Đó là mộ phần số 30 của liệt sỹ Lê Văn Thi.

Nghĩa trang Đường 9 có  10.300 mộ phần nhưng chiếm phần lớn trong đó là những ngôi mộ của các liệt sỹ vô danh. Họ đã lặng lẽ nằm lại nơi này, và mỗi năm, vào dịp sum họp cùng đồng đội cả nước như hôm nay, khi những nén nhang được thắp lên, là ngày giao hòa niềm tin về một tương lai phát triển  của đất nước mà vì đó họ đã sẵn sàng hy sinh.

Tối 26/7, đã diễn ra lễ khánh thành Nhà hành lễ và Bến thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên dòng sông tâm linh - dòng sông Thạch Hãn.

Công trình có vốn đầu tư hơn bảy tỷ đồng do cán bộ, công nhân viên Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ trích từ nguồn quỹ phúc lợi, với các hạng mục Nhà hành lễ, Lầu Chuông, Lầu Trống. Công trình có tổng diện tích sàn  240m2, diện tích sử dụng 1.700m2. Bến Thả hoa được xây dựng tại bến Vượt, sông Thạch Hãn.   

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.