Chung sức làm vợi nỗi đau sau bão

Chung sức làm vợi nỗi đau sau bão
TP - Sáng qua, 2/10, tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt T.Ư do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, đã mở cuộc họp khẩn cấp lần đầu tiên kể từ sau cơn bão số 6, với sự tham gia của các bộ, ngành và lãnh đạo 4 tỉnh, thành bị thiệt hại nặng do bão số 6.
Chung sức làm vợi nỗi đau sau bão ảnh 1
Tổn thất do bão số 6 gây ra rất nặng nề

Bao gồm: Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Điện lực, Viễn thông...; lãnh đạo 4 tỉnh, thành bị thiệt hại nặng do bão số 6 là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.

Cuộc họp nhằm đánh giá bước đầu kết quả phòng chống bão lụt, những thiệt hại và giải pháp khắc phục; đồng thời chỉ đạo công tác chống lũ lụt trong thời gian tới.

Theo báo cáo, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã điều động trên 19.523 cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân phòng chống bão lụt.

Máy móc phương tiện được huy động tối đa gồm hơn 457 tàu thuyền, ca nô; 663 phương tiện vận tải; 15 xe cứu thương, 403 cơ số thuốc; hơn 6.124 thuyền phao, áo phao, phao cứu sinh; 113 bộ lều bạt, nhà bạt, 13.300 bộ quần áo mưa; 1 xe bọc thép, 2 xe lội nước và 16 máy bay...

Theo số liệu mới nhất tại BCĐ Phòng chống lụt bão T.Ư, 4 tỉnh nằm trong vùng bão có 8 người chết (thực tế số người chết lớn hơn nhiều), đa số chết do mái tôn quật và cây đổ.

Thiệt hại về tài sản là rất lớn trong đợt này, sơ tính ban đầu có 5.591 nhà sập; 211.117 nhà tốc mái, hư hỏng; 19.110 nhà bị ngập; 2.074 phòng học, cơ quan ngập và hư hỏng.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết dọc quốc lộ 1A hầu hết cây xanh, hệ thống đèn báo giao thông bị gãy đổ, nhiều đoạn đường bị sạt lở không qua lại được, đường Hồ Chí Minh và nhiều đường khác như đường 9 đi Khe Sanh-Lao Bảo, đường 49 Huế, 49A đi A-Lưới bị sạt lở gây ách tắc suốt nhiều ngày qua, cố gắng đến cuối ngày 3/10 sẽ thông một số tuyến.

Đã có 22 đoàn tàu phải dừng trên tuyến nhưng đến 12 giờ trưa qua thì các đoàn tàu đã tiếp tục hành trình.

Về nông nghiệp có 3.784 ha lúa bị ngập, hư hỏng; 6.199 ha hoa màu các loại và trên 707 cây lâm nghiệp bị ngã đổ. Mặc dù đã tổ chức trú bão, nhưng 427 tàu thuyền vẫn bị chìm ngay tại nơi neo đậu, 250 ha ao tôm, cá bị ngập, 450 tấn cá, tôm bị cuốn trôi.

Ngành điện lực thiệt hại nặng và việc khắc phục cũng nhiều khó khăn nhất do trên 600 cột điện và 52 trạm biến áp bị gãy đổ hoàn toàn...

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế do vẫn ngập trong lũ, giao thông và thông tin bị cách trở; tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn chưa liên lạc được, do đó việc tổng hợp thông tin về thiệt hại chưa thực hiện được, riêng Đà Nẵng ước tính ban đầu thiệt hại khoảng 3.223 tỷ đồng; Quảng Nam 1.598 tỷ đồng.

Nhức nhối cảnh màn trời chiếu đất

Tại Đà Nẵng, nơi ở cho  người dân hiện nay đang là vấn đề bức xúc nhất. Hiện có 1.011 nhà ngập nước, 1.244 nhà sập hoàn toàn, 6.230 nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng...

Ngay sau khi bão tan, Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ mỗi người chết 2 triệu đồng, bị thương 1 triệu đồng, nhà sập trôi 5 triệu đồng, nhà tốc mái hoàn toàn tối đa 2 triệu đồng, nhà tốc mái một phần 500.000 đồng.

Chung sức làm vợi nỗi đau sau bão ảnh 2
Cán bộ chiến sĩ Huyện Đội Thăng Bình và Đồn Biên phòng 264 sửa chữa trường học, lợp lại mái tại trường THPT Nguyễn Thái Bình, xã Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam  Ảnh: Na Hùng Nam - TTXVN

Nhưng hầu hết những nhà sập, hư hỏng nặng đều thuộc diện nghèo.

Trong khi đó, vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng thời điểm này vô cùng khan hiếm do nhu cầu sửa chữa nhà rất lớn, điện cúp toàn thành phố nên nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn không hoạt động được, đinh dù, ốc vít bắt tôn không còn trên thị trường, hoặc nếu có thì giá rất đắt, nên số tiền trên rất khó có thể thực hiện việc sửa chữa, làm mới nhà ngay được.

Nhiều địa bàn ở Đà Nẵng như quận Liên Chiểu thậm chí đến 99% nhà bị sập và hư hỏng nặng, nên không thể nào ở nhờ được trong khi nhà bạt thì không có, chỗ ở tạm lại quá khó khăn về ăn uống sinh hoạt, không đảm bảo vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ.

Như vậy, cảnh màn trời chiếu đất trong dân là khó tránh khỏi trong nhiều ngày tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: Trước mắt các tỉnh bị thiệt hại do bão phải thực hiện hai nhiệm vụ là chống lũ và lo chỗ ở cho dân. Các bộ, ngành và nhân dân chung sức làm vợi nỗi đau sau bão...

MỚI - NÓNG