Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Chúng tôi không đơn độc trong chống tham nhũng

Chúng tôi không đơn độc trong chống tham nhũng
TP - Chống tham nhũng là khó khăn, thậm chí phải chấp nhận những điều khó lường. Chính phủ sẽ gắng làm hết mình. Chúng tôi có lòng tin, sẽ đẩy lùi vấn nạn này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết trên diễn đàn Quốc hội chiều qua (31/3).
Chúng tôi không đơn độc trong chống tham nhũng ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân. Ảnh : Website Chính phủ

Vì có đại biểu đã phát biểu là sợ chúng tôi cô đơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, nên tôi cũng xin nói là chúng tôi hoàn toàn không thấy cô đơn, mà thấy rất ấm cúng vì được sự ủng hộ của toàn dân, toàn quân, vì đây là sự nghiệp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng nói tiếp.

Thủ tướng cũng đã nhận trách nhiệm của Chính phủ trong các vấn đề cụ thể, đồng thời đưa ra những giải pháp tổng thể, Thủ tướng còn bộc bạch với QH tâm sự của người đứng đầu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.

Về 8 vụ án trọng điểm, thực sự là Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng làm Phó ban Thường trực và các thành viên đã hết sức cố gắng.

Riêng Thủ tướng đã có 11 cuộc họp với các ngành chức năng để đôn đốc, phối hợp, kiểm tra sao cho vụ án phải được xử nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội và công khai.

Tuy có cố gắng như thế, nhưng chúng tôi cũng nghiêm túc kiểm điểm với Quốc hội là còn chậm. Việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân về chỉ đạo, về tổ chức phối hợp, chúng tôi kiểm điểm, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn...

Về sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tôi xin nói là không thể chỉ riêng Ban chỉ đạo làm được, sự nghiệp này phải là của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bên hành lang QH, trước khi đăng đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nói với các nhà báo: “Sau khi phát biểu, tôi sẵn sàng trả lời chất vấn của các đại biểu”...

Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, khi vừa kết thúc bài phát biểu quan trọng của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Bây giờ cũng còn thời gian, tôi sẵn sàng đứng tại đây, chỗ này cũng thấy quen thuộc, có vấn đề gì mà các vị đại biểu nêu thì tôi sẵn sàng trình bày”.

Cả hội trường Ba Đình đã đồng loạt vỗ tay bày tỏ thái độ hài lòng với bài phát biểu của Thủ tướng, và không có đại biểu nào thấy cần phải hỏi thêm.

Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi Đảng bộ, phải có trách nhiệm trong sự nghiệp này. Chừng nào mà Đảng bộ cơ sở, cấp ủy tại chỗ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tự mình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thì chừng đó sự nghiệp này chưa thành công...

Bản thân tôi được Đảng, Quốc hội và Nhà nước giao làm Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Phó Thủ tướng làm Phó ban Thường trực chúng tôi cũng nhận thức rõ là sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất khó khăn, rất cam go, rất phức tạp, thậm chí phải đương đầu, phải chấp nhận những điều có thể khó lường!

Nhưng với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, yêu cầu đòi hỏi bức xúc của nhân dân, chúng tôi hứa với Quốc hội sẽ quyết tâm làm hết sức mình, làm kiên quyết, kiên trì và đồng bộ.

Giữ vững kỷ cương, phép nước trong xử lý nhà xây không phép

Về quản lý, xây dựng trật tự đô thị. Đến nay, nước ta mới có 27% được đô thị hóa, bình quân mỗi năm tỷ lệ đô thị hóa tăng 1%. Việc quản lý đô thị với nhiều cố gắng, đã có bước trưởng thành, nhưng nhìn chung Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này còn nhiều yếu kém, bất cập, tình trạng xây dựng trái phép, không phép vẫn còn diễn ra.

Theo khảo sát ban đầu, việc xây nhà không phép đến cuối năm 2006 còn khoảng 30% - 35%, chưa nói là nhà xây trái phép... Những bất cập, yếu kém thể hiện trên nhiều lĩnh vực, đầu tiên cần phải nói đến là thể chế, pháp luật.

Sau nhiều năm không có luật, nhiệm  kỳ này Quốc hội đã ban hành Luật Xây dựng, sau đó Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị định, chính sách để quản lý Nhà nước tốt hơn, tuy nhiên tất cả những văn bản đó, trong đó có cả Nghị định về xử phạt xây dựng trái phép, vẫn chưa bao quát hết, chưa đủ cụ thể và nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn...

Vấn đề quy hoạch, công tác quy hoạch đô thị của chúng ta mặc dù có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều tồn đọng. Một bộ phận cán bộ quản lý trong lĩnh vực này còn có biểu hiện nhũng nhiễu nhân dân.

Ngay sau kỳ họp QH này, Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ vào ngày 5,6 tháng 4 tới, có mời Chủ tịch hai thành phố là Hà Nội và TPHCM đến báo cáo tình hình thực tế về nhà xây dựng không phép, trái phép, cũng như cùng với hai địa phương này và các bộ, ngành tìm giải pháp cụ thể.

Hiện TPHCM còn gần 12 ngàn nhà, Hà Nội có hơn 5 ngàn nhà xây dựng không phép, trái phép, vậy xử lý thế nào?

Trước hết phải căn cứ vào pháp luật, tuy nhiên khi pháp luật còn kẽ hở thì phải căn cứ vào lợi ích chính đáng của đất nước, của nhân dân, không chỉ là lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế, mà còn là kỷ cương, phép nước. Vừa phải giữ vững kỷ cương, nhưng vừa phải xem xét hoàn cảnh cụ thể trong điều kiện cụ thể, lấy lợi ích cao nhất mà xem xét.

Các giếng dầu trong nước không phải nguyên nhân tràn dầu

Về vấn đề tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường. Khi xuất hiện vấn đề này, Chính phủ đã nhận thức thấy tính nghiêm trọng và trách nhiệm của mình.

Chính phủ giao ngay Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương khắc phục hậu quả, đồng thời giao Ủy ban tìm kiếm cứu nạn và Tập đoàn Dầu khí kiểm tra báo cáo xem các giếng dầu hiện đang sản xuất trong vùng biển của ta có là nguyên nhân gây ra tình trạng này không.

Chúng tôi đã kiểm tra kỹ, dùng cả phương tiện tàu thuyền, máy bay, thì trong vùng biển của ta, các giếng dầu của ta đang khai thác là hoàn toàn không gây ra tình trạng này.

Từ phát hiện như vậy, Thủ tướng đã giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, cùng với Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan chức năng làm việc với các nước trong khu vực và thế giới để làm sao đạt được mục tiêu là tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục, để hạn chế thấp nhất thiệt hại đến môi trường của đất nước ta. 

Đất đai là hàng hóa đặc biệt nên Nhà nước phải định giá

Về giá đất, đây là một trong những vấn đề khó khăn trong lãnh đạo điều hành của Chính phủ. Đất đai phải có giá. Đã là có giá thì là hàng hóa, nhưng đây là hàng hóa đặc biệt.

Bởi vì sản phẩm đất đai này, mảnh đất này có được đến ngày hôm nay là biết bao công lao xương máu, biết bao sự hy sinh mất mát, biết bao là sự nỗ lực cố gắng của cả dân tộc Việt Nam ta mới có hơn 330 ngàn cây số vuông đất liền; hơn 1 triệu cây số vuông vùng biển như hiện nay...

Như vậy “một tấc non sông, một dòng máu đỏ” thì không thể nói đất đai là hàng hóa bình thường như hàng hóa thị trường khác.

Đất đai là hàng hóa đặc biệt, là sở hữu toàn dân, vậy thì ai làm đại diện? Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thì Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền định đoạt đối với đất đai, trước hết là quyết định mục đích sử dụng, quy hoạch, kế hoạch, quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và quyết định cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, và quyết định giá...

Nguyên tắc quy định giá là giá quyền sử dụng đất phải sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường, quy định này rất đúng, nhưng khi đi vào thực hiện cũng hết sức khó khăn. Khó khăn ở chỗ như thế nào là giá thị trường trong điều kiện bình thường?...

Nhà nước có quyền định đoạt, nên mới hình thành ra việc quy định khung giá, trong khung đó Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định đầu năm, nếu thấy chưa sát thì quyết định lại. Trên tinh thần đó, Chính phủ đang sơ kết để thấy cái gì phù hợp, cái gì chưa phù hợp, để có điều chỉnh kịp thời về vấn đề giá đất.

MỚI - NÓNG