Chúng tôi không thể sập theo Vinashin

Chúng tôi không thể sập theo Vinashin
TP - Sau khủng hoảng kinh tế, nhu cầu vận chuyển, giá cước vận tải xuống thấp đã khiến Vinalines gặp nhiều khó khăn. Dư luận cũng đặt vấn đề: Việc nhận thêm đội tàu hơn 1 triệu tấn của Vinashin có kéo Vinalines cùng lâm vào cảnh khó khăn như Vinashin không?

 >> Kỳ 1: Tàu cũ, giá cao: Chắc chắn lỗ

Chúng tôi không thể sập theo Vinashin ảnh 1

Câu hỏi này được đặt lại trong cuộc trò chuyện giữa PV Tiền Phong với ông Trần Hữu Chiều - Phó Tổng giám đốc Vinalines.

Ông Chiều nói: Quan tâm của dư luận là rất đúng và cũng lo cho Vinalines. Năm 2009, chúng tôi cũng phải nhờ can thiệp của Chính phủ để giãn, cơ cấu lại khấu hao, để đảm bảo cân bằng thu chi cho đội tàu. Nhưng việc tiếp nhận tàu từ Vinashin không có nghĩa là chúng tôi hòa đồng vào đội tàu hiện có của mình.

Chúng tôi sẽ giữ nguyên để phân loại, xử lý. Do vậy, việc ảnh hưởng đến toàn Tổng công ty chắc cũng có nhưng không đến nỗi đẩy chúng tôi lâm vào cảnh như Vinashin. Không thể kéo theo nhau vào tình trạng khó khăn.

Nhưng nhiều người cũng đặt vấn đề liệu Vinalines có rơi vào tình cảnh “ốc không mang nổi mình ốc, mà đòi mang cọc cho rêu”, thưa ông?

Thực ra, chúng tôi cũng lo chứ. Nhưng quan điểm của chúng tôi là chia sẻ khó khăn với Vinashin. Nếu nhàn thì chúng tôi cứ thế mà kinh doanh, nhưng mình là doanh nghiệp nhà nước nên lúc khó khăn phải chia sẻ. Không chỉ bây giờ mà trước đó chúng tôi cũng đã làm rồi. Có những con tàu đóng mới ở Vinashin thì đắt hơn mua bên ngoài nhưng chúng tôi vẫn mua để tạo công ăn việc làm cho Vinashin, hỗ trợ phát triển công nghiệp đóng tàu trong nước.

Vậy theo ông việc sáp nhập này sẽ không phải là một cú sốc lớn cho Vinalines?

Hiện nay cú sốc lớn thì không có. Nhưng trong quá trình tiếp nhận và điều hành, khi bức tranh thực trạng hiện rõ thì lúc đó có thể có cú sốc. Nhưng chắc chắn không phải đưa sang là bên này sập ngay.

Có thể xin khoanh nợ

Vậy sau khi tiếp nhận dự án và tàu từ Vinashin thì số vốn, công nợ chuyển theo sang Vinalines là bao nhiêu?

Chúng tôi chưa rõ nợ chuyển sang là bao nhiêu cả. Chắc phải làm việc với từng doanh nghiệp mới rõ. Chuyển sang là nguyên trạng nên toàn bộ công nợ chúng tôi phải xem xét cẩn trọng để xử lý.

Nếu khoản nợ quá sức chịu đựng của Vinalines thì Tổng công ty có xin Chính phủ khoanh những khoản nợ này lại để ổn định phát triển?

Hiện nay bức tranh tài chính của những doanh nghiệp chuyển về Vinalines thì chưa rõ. Nhưng nếu nợ quá lớn thì chúng tôi phải báo cáo Chính phủ để xử lý. Có thể là xin khoanh nợ. Làm sao khi tái cơ cấu Vinashin, doanh nghiệp chuyển sang Vinalines là ổn định, phát triển. Chứ không phải đưa sang đây rồi làm chìm luôn cả Vinalines.

Để cứu những doanh nghiệp khó khăn như vậy mất bao lâu, thưa ông?

Nếu bức tranh không xấu lắm thì phải mất khoảng 2 năm. Nhưng nếu tình hình xấu quá cũng phải nỗ lực trong thời gian ngắn nhất chứ không thể kéo dài được. Nếu tái cơ cấu kéo dài thì tài sản nhà nước ngày càng mất giá. Càng để lún sâu thì phục hồi càng khó.

Vậy Vinalines có đầu tư thêm vốn cho những doanh nghiệp từ Vinashin chuyển sang không?

Những doanh nghiệp nằm trong công ty mẹ thì chúng tôi phải lo vốn, bảo lãnh cho các đơn vị thực hiện dự án. Những doanh nghiệp mới chuyển sang thì ít nhất chúng tôi cũng phải dùng một khoản vốn nhất định để trang trải công nợ, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Cũng có ý kiến cho rằng, một số dự án cảng biển, nhà máy đóng tàu chuyển sang phải chăng là hình thức hỗ trợ để Vinalines yên tâm nhận đội tàu?

Theo quyết định của Thủ tướng, chúng tôi nhận cả một số cảng và nhà máy đóng tàu. Chúng tôi không cho rằng đây là những dự án có lợi nhiều khi tiếp nhận. Như khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), khi thực hiện cũng còn nợ đọng rất nhiều. Chứ nói là lấy lại lợi nhuận từ các dự án này là chưa có gì cả. Lý do là Chính phủ thấy những dự án này mang tính chất cảng biển nhiều hơn nên chuyển cho Vinalines.

Hình ảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Vừa qua, dư luận cũng đặt vấn đề bài học Vinashin, vậy theo ông đâu là bài học đối với các doanh nghiệp nhà nước qua đợt tái cơ cấu tập đoàn này?

Bên hàng hải từng bị chê nhiều nhất là thận trọng tính toán các dự án. Khi đó, nhiều người nói tại sao Vinashin làm nhanh thế mà Vinalines chậm. Đó chính là bài học. Không thể nóng vội trong thực hiện các dự án, nhất là các nguyên tắc, quy định về xây dựng cơ bản.

Qua việc thua lỗ của Vinashin thì hình ảnh của doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng bị ảnh hưởng. Là lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước ông, có thấy buồn về điều này?

Cá nhân tôi thấy đúng là hình ảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước. Họ sẽ nhìn vào và đặt vấn đề một tập đoàn lớn, được sự ủng hộ như vậy mà còn khó khăn thì những doanh nghiệp nhỏ ra sao? Khi đó, quan hệ, giao dịch, hợp tác bên ngoài là người ta đặt dấu hỏi, sẽ khó khăn khi làm ăn sau này.

Hà Nhân
Thực hiện

MỚI - NÓNG