Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi nhân dân - Bài 2

Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi nhân dân - Bài 2
TP - Đơn hàng tới tấp đổ về đã kích thích chúng tôi. Dẫn đến, Tập đoàn tập trung quá nhiều vào các đơn hàng và ký hợp đồng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý. Đây là một bài học đau đớn, dẫn đến tình cảnh Vinashin như hiện nay - Ông Trần Quang Vũ, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Vinashin cay đắng.

>> Bài 1: Đòn chí tử - phát hành 3 tỷ đô la trái phiếu bất thành

Trụ sở Vinashin
Trụ sở Vinashin.

Nếu không có đợt tái cơ cấu này, thì Vinashin có rơi vào tình trạng xấu nhất là vỡ nợ không, thưa ông?

Chúng tôi gặp khó khăn nhưng chúng tôi không thể vỡ nợ được. Bởi thực ra, Vinashin không phải mất tài sản mà tài sản của chúng tôi vẫn ở các dự án, là đất, là những con tàu đóng dở. Trước khi Thủ tướng có quyết định tái cơ cấu, chúng tôi đã có kế hoạch bán những tài sản này đi để thu hồi vốn về, chống được cơn đột quỵ.

Hiện nay giá tầu đang đi xuống, tình hình vận tải vẫn rất khó khăn. Phải đến cuối 2011 và đầu 2012 nền kinh tế thế giới mới phục hồi. Chúng tôi sẽ tranh thủ tối đa thời gian 2 năm này để tổng cải cách. Mục tiêu đưa Vinashin mạnh mẽ trở lại, đón đầu thời cơ mới.

Vậy theo ông đợt khủng hoảng này sẽ làm chậm sự phát triển của Vinashin bao nhiều năm?

Nó gây khó khăn chứ không làm chậm sự phát triển. Chúng tôi có thể có sai lầm nhưng chúng tôi cũng tự hào đã đạt được điều thần kỳ là trong thời gian ngắn đã đóng được những con tàu khó nhất trên thế giới, trừ những tàu quân sự. Thành tựu về mặt kỹ thuật đóng tàu thì chúng tôi đã đạt. Có chậm lại là kế hoạch nội địa hóa.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng hiện nay là trình độ, năng lực hạn chế của đội ngũ lãnh đạo tập đoàn, đặc biệt là trong công tác quản lý tài chính, ông có thừa nhận thực tế này?

Như tôi đã nói đóng tàu là ngành kinh tế tổng hợp, lần đầu tiên chúng ta tham gia thị trường thế giới. Vinashin khác các đơn vị là phải đối mặt với rất nhiều thách thức ngay từ khi hình thành. Ngay từ đầu, chúng tôi đã phải làm quen với các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế vì chủ yếu khách hàng là nước ngoài.

Có những việc các đồng chí đầu tư rồi, mua tàu rồi, về đến đây các cơ quan nhà nước mới biết, Bộ Giao thông Vận tải không biết, Thủ tướng không biết - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn trả lời báo chí về vấn đề giáo sát và tái cơ cấu Tập đoàn CN Tàu thủy VN(Vinashin) trong cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 2 - 7. 

Do vậy, việc quản lý và xây dựng đội ngũ mất rất nhiều thời gian. Khi tập đoàn mới thành lập, thị trường rất tích cực và chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng. Đơn hàng tới tấp đổ về đã kích thích chúng tôi. Dẫn đến, tập đoàn tập trung quá nhiều vào các đơn hàng và ký hợp đồng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý. Đây là một bài học đau đớn, dẫn đến tình cảnh Vinashin như hiện nay.

Ngoài nguyên nhân ông đã nói, liệu có còn những lý do nào khác không bởi dư luận cũng đặt vấn đề có hay không tiêu cực, tư lợi cá nhân của lãnh đạo tập đoàn khi thực hiện hàng loạt vụ mua bán các tàu quá cũ nát?

Đối với việc đầu tư ngoài ngành, khi thị trường sôi động đã kích thích ban lãnh đạo đầu tư. Mục tiêu phát triển của chúng tôi là rõ ràng. Còn vấn đề có tiêu cực hay không thì Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang làm, tới đây cơ quan thanh tra cũng sẽ tiếp tục làm. Khi đó sẽ rõ. Chúng tôi xin không bình luận.

Nhìn lại nhiệm vụ chính trị, kinh doanh mà Đảng, Chính phủ giao và sự mong đợi của nhân dân, lãnh đạo Tập đoàn có nhận thấy mình đã đánh mất lòng tin và sự kỳ vọng khi để tập đoàn rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay không?

Chúng tôi thực sự muốn nói lời xin lỗi đối với Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân. Tất cả đã kỳ vọng vào chúng tôi rất nhiều. Nhưng với trách nhiệm của mình, chúng tôi chưa làm tốt. Thay mặt ban lãnh đạo tập đoàn, chúng tôi thành thật xin lỗi Đảng, Chính phủ, nhân dân và tất cả những người đã quan tâm, tin tưởng vào Vinashin.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tái cơ cấu tập đoàn, theo đó hàng loạt dự án, công ty của vinashin đã được sáp nhập về Tập đoàn Dầu khí và Tổng Công ty Hàng hải, vậy tiêu chí nào được đưa ra khi các dự án này được chuyển chủ?

Có hai tiêu chí. Thứ nhất, cần phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Là một doanh nghiệp nhà nước nên ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tập đoàn còn phải thực hiện được những mục tiêu mà Đảng, Chính phủ vạch ra.

Thứ hai, về mặt thị trường thì chúng tôi cho rằng, cần phải tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh, cạnh tranh được. Chính vì thế, Tập đoàn đã lập danh sách những dự án, đơn vị không thực sự cần thiết cho ngành đóng tàu.

Chúng tôi cho rằng, ngành đóng tàu vẫn có lãi cho nên Tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực này. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ như sản xuất động cơ, thép tấm, thiết bị điện.

Trong thời gian ngắn, Vinashin đã thành lập ra hàng chục công ty cổ phần, ông nhìn nhận thế nào về hiệu quả hoạt động của những công ty này?

Giai đoạn 2006- 2007 là thời kỳ phồn thịnh của Vinashin. Khi đó, chúng tôi thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ. Do vậy, việc kết nạp các công ty cổ phần vào để tạo thêm nguồn lực và tận dụng được kinh nghiệm quản lý của nơi khác để tạo nên sức mạnh, nhanh chóng đạt được mục tiêu nội địa hóa ngành công nghiệp tàu thủy. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. Hiện nay đa số các công ty cổ phần hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi đang xử lý rất quyết liệt những tồn tại này.

Cụ thể nguyên nhân kém hiệu quả của số công ty con này do đâu, thưa ông?

Theo tôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất là do tình hình thị trường. Lúc đó, các công ty cổ phần nhìn vào Vinashin là thị trường nội địa to lớn. Đến khi công ty mẹ gặp vấn đề thì công ty con chưa đủ khả năng để tự bươn chải trong thị trường là bị đổ sụp xuống, kéo theo hệ lụy đến công ty mẹ. Vấn đề này ảnh hưởng đến Vinashin rất lớn.

Sau khi đã chuyển một số dự án, đơn vị cho PVN và Vinalines, vậy đối với một số đơn vị không hiệu quả còn lại thì tập đoàn có tiếp tục cơ cấu lại không, thậm chí có thể cho phá sản hoặc bán?

Trong số những đơn vị đã điều chuyển theo quyết định của Thủ tướng, chỉ một số ít doanh nghiệp có vấn đề. Còn đa số khi chuyển sang sẽ không gây khó khăn cho PVN và Vinalines. Chúng tôi cho rằng, Vinashin, PVN hay Vinalines thì đều là tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tài sản là của nhà nước.

Khi chúng tôi không đủ lực để đầu tư thì tốt hơn hết là chuyển cho các đơn vị khác, họ đang có nhu cầu đầu tư. Quyết định vừa qua là hợp lý và sẽ tạo hiệu quả chung cho nền kinh tế đất nước, còn hơn là chúng tôi cứ ôm lấy.

Ngoài ra, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ quyết liệt rà soát lại tất cả các đơn vị. Các công ty cổ phần nào hoạt động không hiệu quả, không đúng ngành nghề thì chúng tôi sẽ rút vốn. Các dự án không có tính khả thi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, một số công ty nhà nước không hiệu quả có thể nộp đơn phá sản.

Vấn đề là phải cắt được những đơn vị hoạt động không hiệu quả, nếu không nó sẽ như những cây tầm gửi ăn mòn sức khỏe của công ty mẹ.

Còn nữa

MỚI - NÓNG