Chương Mỹ: Xem xét di dời các hộ dân ở khu vực vỡ đê

Ảnh: CAND
Ảnh: CAND
TPO - Sau hơn 1 tuần sự cố vỡ đê Bùi, nước đã rút ở nhiều nơi nhưng chậm, nhiều học sinh vẫn chưa thể tới trường. Sau sự cố này, UBND huyện Chương Mỹ sẽ xem xét kế hoạch dài hơi về việc lập kế hoạch di dời các hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ ngập lụt đến khu vực an toàn như yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố.

Ông Trần Ngọc Thông - Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, cho biết: UBND huyện đang tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thực tế tại các thôn bị ngập. Ông Thông nói thêm, trong chuyến thị sát tình hình khắc phục lũ lụt tại một số xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu về lâu dài, cần xem xét lập kế hoạch di dời các hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ ngập lụt đến khu vực an toàn, còn phần diện tích đất ngoài đê, đất trũng dành để sản xuất nông nghiệp dựa trên hệ thống chống ngập đặc thù. Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay vẫn là khắc phục hậu quả ngập lụt, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo đại diện UBND huyện Chương Mỹ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả đợt ngập lụt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, UBND huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành rà soát, thống kê số lượng các hộ dân nằm trong vùng có khả năng bị ngập để báo cáo UBND thành phố xem xét. Di dời là một kế hoạch lớn cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành của thành phố nên cần có một kế hoạch dài hơi, huyện Chương Mỹ chỉ là một thành viên trong đó.

Sau 1 tuần ngập trong nước lũ, đến ngày 18/10, nước lũ đã rút ở nhiều thôn, xã, tuy nhiên tốc độ nước rút chậm. Tại xã Nam Phương Tiến – xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua, vẫn còn các thôn bị ảnh hưởng nặng là: Nhân Lý, Hạnh Côn, Hạnh Bôn và Nam Hài. Ông Hải (người dân thôn Nam Hài) cho biết, đến hôm nay người dân vẫn phải sống trong cảnh người sống cùng gia cầm. Theo ông Hải, trong thời gian bị cô lập, mỗi gia đình được hỗ trợ 2 bình nước. Nước sạch phải dùng vô cùng tiết kiệm, chỉ dùng để nấu nước, ăn uống.

Lũ lụt cũng khiến 13 trường học bị ngập nước, đến cuối ngày 18/10 vẫn còn 3 trường học còn ngập, bao gồm: Trường mầm non Nam Phương Tiến A, tiểu học Nam Phương Tiến A và THCS Nam Phương Tiến A.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Vững - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố tràn đê Bùi, các trường đã kịp thời sơ tán các trang thiết bị, máy móc đồ dùng sách, vở lên tầng hai nên không có thiệt hại. Đến nay, 10 trường đã cho học sinh trở lại trường học tập bình thường. Với 3 trường còn đang bị ngập, có nơi nước ngập gần nửa mét thì học sinh vẫn chưa thể đến trường. Ước tính với tình trạng nước rút như hiện nay, khoảng 1 tuần tới học sinh mới có thể quay lại trường. “Hiện chúng tôi đã có yêu cầu các trường chuẩn bị phương án dậy bù để học sinh bắt kịp tiến độ chương trình học tập”, ông Vững nói.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ tại huyện Chương Mỹ, Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, các trạm y tế xã tăng cường các biện pháp phòng bệnh tại những khu vực bị ngập. Hướng dẫn người dân sử dụng Cloramin B, phèn chua để xử lý nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Các đơn vị sẵn sàng phương án để nước rút đến đâu, hỗ trợ người dân xử lý môi trường ngay đến đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".