Chương trình giáo dục giới tính: 20 năm mới... hoàn thành

Chương trình giáo dục giới tính: 20 năm mới... hoàn thành
"Một nửa dân số VN ở độ tuổi dưới 25 đang được thụ hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn so với thời cha mẹ chúng. Tuy vậy, hành trang vào đời của họ vẫn còn một lỗ hổng khá lớn: Đó là lỗ hổng tri thức về giới tính" 
Chương trình giáo dục giới tính: 20 năm mới... hoàn thành ảnh 1

Đây là lời nhận xét của ông Ian Howie - Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại VN - nhân Ngày Dân số thế giới 11.7.

Không biết hỏi ai?

Một nghiên cứu của T.Ư Đoàn TNCS HCM về những hiểu biết của thanh niên, vị thành niên về giới tính, sức khoẻ sinh sản (SKSS) đã cho thấy, phần đông lớp trẻ không được học các vấn đề về giới tính, SKSS một cách bài bản khi ngồi trên ghế nhà trường mà chỉ biết một số thông tin qua trao đổi với bạn bè hoặc sách báo. Chính bởi nguyên nhân này mà giới trẻ VN đang đứng trước rất nhiều nguy cơ.

Các kết quả điều tra cho biết, đa số thanh niên VN đều biết ít nhất 1 biện pháp tránh thai, nhưng có tới 80% số thanh niên lại không sử dụng bao caosu trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Cứ 5 thanh niên VN độ tuổi 15-24 thì có một người có quan hệ tình dục. Một thực tế nữa là 65% những ca mới lây nhiễm  HIV ở VN  đang rơi vào thanh niên độ tuổi 15-19.

Những điều này đặt cả họ và bạn tình trước nguy cơ  mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục,  HIV/AIDS...

20 năm hoàn thành một bộ giáo trình

Khi bà Bùi Phương Nga - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thông báo, bắt đầu từ năm 2006-2007, chương trình giáo dục dân số, SKSS chính thức được đưa vào chương trình học từ lớp 1 đến lớp 12 đã giải đáp được câu hỏi vì sao lứa tuổi thanh niên, vị thành niên hiện nay đang đứng trước vấn đề nhức nhối mang thai ngoài ý muốn và nhiễm HIV.

Câu chuyện về bộ giáo trình về giáo dục dân số, SKSS do Bộ GDĐT soạn thảo bắt đầu được nói đến từ những năm 1980, nhưng 20 năm sau mới hoàn thành. Lý do, theo Bộ GDĐT, là phải tiến hành thử nghiệm rồi mới thực hiện đại trà.

Mặc dù đây là bước tiến rất lớn của ngành giáo dục trong việc dạy dỗ học sinh về vấn đề "nhạy cảm", song bà Nga bày tỏ lo ngại việc tổ chức thực hiện tại các trường học sẽ có nhiều khó khăn. Ngay các giáo viên khi được tập huấn về các bài giảng sinh sản ở người, hướng dẫn vệ sinh tuổi dậy thì đều tỏ ra ái ngại.

Họ cho rằng, dạy cho các em những điều đó có phải "vẽ đường cho hươu chạy". Còn các bậc phụ huynh không phải ai cũng nhất trí với việc giảng dạy môn học này, vì cho rằng đến khi lớn trẻ sẽ tự biết (!?). Những điều mà cả nhà trường và gia đình đang tránh né đã vô tình làm hại trẻ.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Cầu - đại diện T.Ư Đoàn TNCS HCM -  cho rằng, điểm yếu nhất của thanh niên bây giờ là thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, khi gặp khó khăn, họ không biết giải quyết ra sao và tìm sự trợ giúp ở đâu... Đây là hệ quả của sự tránh né không nên có.

Đến lúc này, đã chậm 20 năm, trẻ vị thành niên, thanh niên VN đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi về giáo dục giới tính. Mọi chuyện vẫn còn có cơ hội để sửa chữa. Ông Ian Howie - đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại VN cho rằng: "Các cơ quan của VN nên giúp giới trẻ cảm thấy khoẻ mạnh chứ không bất lực, được cung cấp thông tin chứ không bị mất phương hướng...".

Theo Lao động

MỚI - NÓNG