“Chụp cắt lớp” miến bẩn

Cách làm bã sắn cùng miến trên đường làng Dương Liễu.
Cách làm bã sắn cùng miến trên đường làng Dương Liễu.
TP - Miến được tẩy trắng bằng hóa chất rồi được phơi trên đường bụi bặm, cạnh con mương đen kịt đầy ruồi muỗi bốc mùi hôi thối. Người làm miến chỉ giữ lại một số sản phẩm không tẩy trắng để ăn Tết.

Kênh mương kết mảng vì nước thải từ miến

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 25km, Dương Liễu là làng làm miến có tiếng tại huyện Hoài Đức. Anh Nguyễn Danh Dương ở làng Dương Liễu nói rằng, người giàu trong làng hầu hết từ làm miến đi lên, từ miến đầu tư sản xuất bánh kẹo, lãi mẹ đẻ lãi con, xây nhà lầu, mua xe hơi. 

Đi trên triền đê liên xã, có thể nhìn thấy nhiều ống khói cao phả khói đen kịt. Con đường làng ngày mưa phùn ẩm thấp trở nên nhớp nháp, bẩn thỉu không làm giảm bớt không khí nhộn nhịp của những ngày cận Tết. Ở đây, nhà cửa san sát nhau, nhà làm miến, nuôi lợn, nhà sản xuất kẹo.

Mùi bột dong ngai ngái, mùi cám lợn chua nồng quyện với hương ngọt ngầy ngậy xả ra từ ống khói nhà máy kẹo khiến ai đi qua con đường này cũng phải bịt mũi, nín thở. Không chỉ có miến, nhiều hộ còn sản xuất thêm bã sắn làm thức ăn cho lợn, đường làng đã hẹp lại càng bé bởi bã sắn rải đầy đường. 

Men theo các lò sản xuất mini là những đường cống nghẽn đặc váng trắng bởi nước thải từ bột miến chưa qua xử lý. Thấy chúng tôi chụp ảnh cống bẩn, một bà lão đang dắt cháu đi dạo nói: “Sống thế này không chịu nổi, chú ra bên kênh của thôn mà xem, sống giàu rồi chết vì ô nhiễm mất thôi”.

Men theo con đường đất vào kênh, đoạn đầu nước đen sền sệt, đi thêm 200m, nước đã đóng đặc thành mảng, hôi thối nồng nặc. Theo bà cụ, rác kết tủa thành từng mảng trên mương là do xơ củ dong (chất thải của nguyên liệu miến) đổ xuống.

“Chụp cắt lớp” miến bẩn ảnh 1

Giá phơi miến ngay trên kênh thối.

Lạm dụng chất tẩy trắng

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của nhà anh Hưng, một người làm miến lâu năm tại Dương Liễu. Cơ sở nằm kế bên trụ sở UBND xã, cũng là nơi tập kết củ dong (nguyên liệu làm miến), than đá (đốt lò), phân đạm và bã sắn. Bột đen, bột trắng cùng chút bùn nâu dính mưa quyện vào nhau khiến chúng tôi thoáng chút rùng mình khi nghĩ đến một trong những củ dong kia sẽ thành sợi miến để ăn.

Sau khi được rửa qua, những củ dong được đưa vào máy nghiền và lọc lấy tinh bột. 4 thùng phuy gỉ sét, cáu bẩn nơi góc nhà chính là nơi lọc trắng bột. Những mảng nước váng sủi bọt đen ngòm như nước cống nhờ công nghệ thuốc tím và một loại hoá chất mà người dân gọi là thuốc trắng giúp bột dong ra lò trắng phau.

Tiếp đó, từng tảng bột dong được bốc lên xe ba gác chuyển đến các nhà làm miến để đưa vào máy nghiền rồi tráng thành từng phên miến. Cuối cùng, miến được mang đi phơi, sấy. Người dân tận dụng mọi nơi để phơi miến, trên cánh đồng, 2 bên đường bụi bặm, thậm chí phơi kín con mương đen kịt, đầy ruồi muỗi.

Lãnh đạo xã Dương Liễu cho rằng, những hộ phơi miến mất vệ sinh chỉ là thiểu số. Thực tế, theo quan sát, hầu hết các hộ sản xuất đều có diện tích nhỏ hẹp, nhà san sát nhau. Nếu muốn phơi, bắt buộc phải mang miến ra ngoài. Tuy nhiên, bên ngoài chỉ toàn kênh, cống bốc mùi và đường đầy bụi bặm. 

Năm nay, miến loại nguyên bản màu xám đen có giá từ 30- 32.000 đồng/kg, miến vàng sợi cứng hơn giá khoảng 28.000 đồng/kg, loại rẻ nhất là miến tẩy trắng giá 24.000 đồng/kg.

Chủ cơ sở cho biết, miến nào cũng phải sử dụng phèn chua và thuốc tẩy. “Những loại hóa chất này không thể xảy ra ngộ độc được bởi muốn ăn còn qua sơ chế, chứ có ăn thẳng vào bụng đâu”, anh Hưng phân trần. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, dân làng chỉ giữ lại một số loại miến xám đen (không tẩy màu) để ăn Tết.

Ông Tho, một chủ cơ sở làm miến khác, thông tin, năm nay, giá miến tăng gần 10.000 đồng so với năm ngoái, do ít người trồng dong riềng hơn. Nhiều người làm miến lấy bột cũ để làm miến; loại bột cũ này để dưới đất bụi bặm cả năm trời nên miến thành phẩm ăn không ngon, hỏng nhanh hơn bình thường.

Cạnh cơ sở làm miến là một xưởng sản xuất bánh kẹo. Bức tường của xưởng được đục 3 lỗ nhỏ, liên tục chảy nước thải ra thẳng cống. Bên trong tối tăm, công nhân không mặc đồ bảo hộ, tay trần bốc bánh. Theo nhãn mác một số hộp bánh sắp được đóng gói, cơ sở này có bánh Suri, Choco.Pei, Choco.Pai, Chocolate…

Ngoài bánh, kẹo, các loại bim bim, bỏng, hoa quả sấy khô cũng được bày bán tràn lan theo từng bịch, mỗi bịch 5kg. Tất cả sản phẩm đều được bày bán công khai tại các cửa hàng mặt đường tại 2 xã Dương Liễu và Cát Quế.

Bẩn hay sạch là do người làm

Theo thông tin từ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, mới đây, Đội 14 kiểm tra, phát hiện cơ sở tại xã Dương Liễu bán 1,2 tấn bột sắn không có thông tin nguồn gốc. Đồng thời, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất bánh kẹo Việt Hàn (xóm Mới, xã Dương Liễu) sản xuất hơn 1.000 gói kẹo nhãn hiệu Choco.Pai có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Theo đại diện Đội QLTT số 14, từ nay đến Tết Ất Mùi, liên ngành sẽ phối hợp để kiểm tra vi phạm giả mạo nhãn hiệu hoặc sử dụng nguyên liệu hết hạn.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, cho biết, chất tạo màu trắng trong bể được lọc qua nhiều nước nên có thể đảm bảo. Màu miến có được do dùng bột hạt điều (chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm) để làm màu nâu, đen.

Với miến trắng, lãnh đạo xã công nhận có chất tẩy trắng, tuy nhiên, dư lượng tẩy dưới mức quy định, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thừa nhận vẫn còn hiện tượng phơi miến ra mặt đường bụi bặm, kênh thối, nhưng ông Hưng cho rằng, những hộ này chỉ là thiểu số, hầu hết người dân đều được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và phơi miến đảm bảo.

PGS.TS Phan Thị Sửu, Hội An toàn Thực phẩm, cho biết, trong sản xuất miến có dùng một số chất tẩy trắng. Sau nhiều lần lắng, rửa nước, chất tẩy cũng tan bớt đi. Cùng với đó, miến là sản phẩm sơ chế nên có thể nói là đảm bảo vệ sinh.

Tuy vậy, bà Sửu khuyến cáo, vẫn nên chọn loại miến mộc (màu ghi) để đảm bảo an toàn nhất, bởi một số người sử dụng chất tẩy trắng đậm đặc, thậm chí phẩm màu hoá học để làm miến. Nếu lọc ít nước hơn bình thường thì chất tẩy trắng vẫn còn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Cơ quan chức năng chỉ có thể khuyến cáo cách sản xuất chứ không thể kiểm tra từng hộ được. Miến bẩn hay sạch chủ yếu vẫn do ý thức của người dân”, bà Sửu nói.

MỚI - NÓNG