Chụp giật chờ thời, nào dám trách ai

Chụp giật chờ thời, nào dám trách ai
TP - Khi dự án khu công nghiệp công nghệ thông tin hoành tráng dời sang nơi khác, nhiều hộ dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chới với vì lỡ vay tiền xây dựng, cơi nới nhà để chờ giải tỏa, đền bù.

Xã Hòa Nhơn cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 20km về phía Tây, dân sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp.

Tháng 12/2008, thành phố quyết định phê duyệt dự án khu công nghiệp công nghệ thông tin (CN-CNTT) diện tích hơn 1,3 triệu m2 đặt tại Hòa Nhơn giáp ranh ba thôn Phước Thuận, Phước Hậu và Hòa Khương Đông. Tháng 2/2009, dự án chính thức được công bố và cắm mốc quy hoạch.

Cùng lúc, hàng chục hộ dân thuộc vùng quy hoạch đồng loạt ngày đêm xây dựng, cơi nới nhà cửa, tường rào, công trình vệ sinh để chờ đền bù giải tỏa. Tốc độ xây dựng của các công trình diễn ra ồ ạt. Những căn nhà xập xệ được thay mới. Tường rào của nhiều hộ cũng được xây dựng, các công trình phụ được đầu tư làm mới. Đến giữa tháng 3/2009, nhiều công trình đã hoàn thành, chỉ chờ giải tỏa.

Thôn Phước Thuận có 26 hộ xây dựng mới các công trình, trong số đó, hơn 10 hộ cơi nới nhà cửa, cùng các công trình khác, kể cả vay tiền xây tường rào cho ao cá, xây non bộ với hy vọng sẽ được thêm tiền khi giải tỏa, đền bù.

Ông Phạm Kê - Phó Trưởng thôn Phước Thuận, cho biết: “Ngay sau khi có thông tin dự án, hầu hết các hộ dân ở trong vùng xây dựng để được kê khai tài sản. Nhà nào cũng gắng làm thêm một vài công trình dù lớn hay nhỏ”. Thậm chí, có trường hợp người xã Hòa Sơn ngay khi nghe thông tin cũng sang đây xây dựng ba ngôi nhà bỏ đó chờ thời.

Anh Lưu Văn Chính - chủ đất của ba ngôi nhà này, thở dài: “Họ bảo cho mượn đất để xây nhà, sau này giải tỏa sẽ chia tiền cho”.

Nào dám trách ai

Ngày 20/7, UBND TP Đà Nẵng lại có quyết định di dời dự án CN-CNTT đến địa điểm khác, tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Lúc này dân ở Hòa Nhơn mới ngã ngửa. Hộ nợ ít nhất 5- 7 triệu đồng, hộ nhiều lên tới 20 - 30 triệu đồng.

Ông Phạm Cơ (50 tuổi, thôn Phước Hậu), ngậm ngùi: “Thấy nhiều nhà làm, tôi cũng vay mượn làm theo. Không ngờ dự án di dời, giờ nợ nần nào dám trách ai”. Ông Cơ vay ngân hàng hơn 20 triệu đồng để nâng cấp nhà cửa, xây dựng tường rào. Phần lớn tiền vay của các hộ đều từ ngân hàng chính sách.

Ông Trần Điệp - Trưởng ban địa chính nhà đất xã Hòa Nhơn buồn bã: “Xã nhiều lần khuyên ngăn, thậm chí lập biên bản, cưỡng chế nhưng họ không nghe. Chặn trước thì họ làm sau. Hầu hết các hộ đều nghèo. Suy nghĩ nóng vội nên đầu tư xây dựng theo kiểu chụp giật”. 

Thống kê của Ban địa chính nhà đất xã Hòa Nhơn, có 87 hộ dân xây dựng, cơi nới nhà cửa chờ giải tỏa.

Thôn Phước Thuận có 26 hộ xây mới (10 hộ cới nới nhà cửa, tường rào).

Thôn hòa Khương Đông có 20 hộ xây mới (15 hộ cới nới nhà cửa). Thôn Phước Hậu có ba nhà xây mới và 13 hộ cới nới. Nhiều ngôi nhà xây dựng tạm bợ, để hoang.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.