Chút kỷ niệm với ông Nguyễn Xuân Phúc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực địa vùng biển Cửa Đại (Hội An, bị sạt lở tháng 11/2015). Ảnh: Quốc Hải.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực địa vùng biển Cửa Đại (Hội An, bị sạt lở tháng 11/2015). Ảnh: Quốc Hải.
TP - Nết đất, tính người. Dẫu cách chi, tôi vẫn khăng khăng câu này đúng? Nghĩ về nét thẳng thắn bộc trực nghĩa khí của người xứ Quảng, tôi nhớ chút kỷ niệm về ông Nguyễn Xuân Phúc thời gian ông làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Dạo ấy không hiểu sao voi rừng đột ngột về Nà Lau phá nát vườn tược, nhà cửa, quật dân bị thương. Nà Lau là vùng đất hiểm địa vùng đầu nguồn sông Thu Bồn, cái nơi có một cái làng có tên hơi bị lạ, làng Cấm La. Khỏi phải diễn giải từ nguyên vốn đi từ chỗ thờ tự, canh gác chốn sơn phòng lam chướng nghìn trùng, tôi đã lên đó đôi lần, có bài viết “Cấm La, cấm nhưng phải la” in trên báo Tiền Phong. Dân phải la phải kêu vì thời điểm ấy, dân làng thiếu đủ thứ. Giờ lại thêm nạn voi rừng về quậy phá, dân sở tại rúm ró chèn cửa, không dám ra đường, lên rẫy. Tận ngoài trung ương báo chí cũng phải la.

Động vật được liệt vô dạng quý hiếm, thì con người phải “kính nhi viễn chi”, hiển nhiên, đó là hành xử văn minh, nhưng khi bị kẹp giữa chọn người hay chọn vật, thì các vị có trách nhiệm cứ cuống lên. Như việc ứng xử với voi dữ này chẳng hạn, và để tránh trách nhiệm, liền phán: Phải bảo vệ đến cùng!

Còn ở Quảng Nam khi đó ứng xử ra sao? Tất nhiên, tỉnh họp khẩn. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói ngắn gọn Không cản được thì bắn.

Ngay lập tức, báo chí tung lời ấy lên.

Cục Kiểm lâm ở Hà Nội “đốp” lại ngay Vi phạm pháp lệnh bảo vệ rừng và động vật hoang dã!

Ông Phúc cự liền Các ông giữ voi, dân tôi chết, các ông chịu trách nhiệm không?

Tất nhiên mấy vị ngành kiểm lâm ớ ra. Và may cho mấy chú voi, sau khi càn lướt rong chơi, các chú quay về rừng.

Lại nhớ, hồi đó họp quốc hội cuối năm, ông Phúc ra Hà Nội họp. Ở nhà Quảng Nam bão lũ mù trời, tàu thuyền gặp nạn lia chia trên biển. Ông Phúc xin phép nghỉ họp mấy hôm về chống bão lũ.

Tin dữ báo về. Có một chiếc thuyền lớn với mười mấy ngư dân chết máy trôi dạt ở vùng Cửa Đại. Tình thế cấp bách, tàu biên phòng không  ra kịp, mà chỗ gần tàu bị nạn thì có một tàu cá đang chạy vào bờ. Anh em biên phòng, người thân trên bờ năn nỉ yêu cầu họ cứu, nhưng họ sợ, bởi thời gian không còn nữa. Bỗng, ông Phúc xuất hiện.

Ông nói với vợ chồng chủ tàu: Anh chị điện cho thuyền trưởng đi, nói quay lại cứu, tình người với nhau, làm ăn có bạn có phường, giúp ngặt không ai giúp nghèo. Tôi biết dân mình có quan niệm giúp người đi biển bị đuối, thì sau ni không tốt, nhưng người sống mà không tốt với nhau, thì nói làm chi chuyện chết chóc, hiện tại mà không tử tế, răng nói chuyện tương lai. Đó là cái tình, còn bây giờ tôi nói lý: Thấy người bị nạn mà không cứu, là bị truy tố hình sự. Nói với thuyền trưởng, nếu không quay lại cứu, thì không có đường vào bờ!

Rồi ông Phúc nhảy xuống tàu biên phòng, lệnh cho thuyền trưởng qua bộ đàm, giọng đanh sắc như cật nứa Quay lại ngay, nếu không cứu, tôi sẽ ra lệnh bắt giam anh!

Con tàu bị nạn được đưa vào bờ, dân vui mừng thoát chết.

Nhớ lại cái thời ông Phúc làm chủ tịch Quảng Nam, tỉnh quanh năm rộn ràng khởi công các khu công nghiệp, bởi ngó quanh, chỗ mô cũng đói nghèo, tiềm năng thì có, nhưng không biết cách gì vượt khó, thoát nghèo. Những năm đó, lãnh đạo tỉnh như con thoi, kéo doanh nghiệp vào, phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, mà nổi lên nhất là mảng du lịch ở Hội An và khu liên hợp ô tô Trường Hải.

Mới đây tại hội thảo du lịch miền Trung tổ chức tại Bình Định, một vị đã nói, đại ý, muốn phát triển thương hiệu thì trước hết phải có nhân hiệu! Nhân hiệu, chính là người đứng đầu. Một lãnh đạo máu lửa với công việc, gần dân, sát dân, biết lắng nghe, cầu thị, quyết liệt bằng mọi cách để làm được việc và có tấm lòng thật sự, không giấu chỗ yếu, biết đưa ra thế mạnh để thuyết phục, thì doanh nghiệp sẽ vào cuộc, dẫu chỗ họ đặt chân đến chưa hẳn đã tiềm năng hơn nơi khác, nhưng họ tin cái ông đó, bởi ngoài tiền còn có tình, chứ đừng nghĩ rằng doanh nghiệp cứ chăm chăm nhét hầu bao! Uy tín người đứng đầu và cách hành xử của họ, sẽ khiến mọi sự chuyển động theo. Vì hãy nhìn vô những tỉnh thành ở nước ta, nếu ông chủ tịch, bí thư mạnh mẽ, năng nổ, dám làm dám chịu và thân ái, hẳn chỗ đó sẽ vượt qua những nếp cũ, trì trệ…

Vơi anh em báo chí từng “cắm” ở Quảng Nam thời ông Phúc làm chủ tịch, hẳn sẽ đồng tình một điều, là dễ! Dễ là sao? Dễ theo nghĩa tiếp cận thông tin không khó, và ông sẵn sàng trả lời anh em. Dễ, là việc ông chỉ đạo điều hành, hẳn có thông tin hay. Và dễ nữa, là ông…sẵn sàng nâng ly mà bỏ cái mác chủ tịch của mình qua một bên. Tôi đã một vài lần “chạm” công chuyện với ông, trên báo, bởi cũng cái thói…ưng cãi. Sau này có lần ông nói viết chi thì viết, nhưng nên thiện chí!

Sau này, ông Nguyễn Xuân Phúc ra Hà Nội đảm trách những công to việc lớn như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi Phó thủ tướng… Và những ngày này Quốc hội đang bàn một việc lớn lo nhân sự chủ chốt của quốc gia trong đó có việc bầu Thủ tướng chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tôi chú ý đến phát biểu của ĐBQH Nguyễn Văn Phúc mới đây đại ý, xin được nhắn gửi khóa tới, mong người mới sẽ kế thừa được phong cách và tính cách mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ…

Tôi mạo muội nghĩ với ông Nguyễn Xuân Phúc, nếu được QH đồng thuận phê chuẩn chức Thủ tướng, hy vọng những tính cách đẹp, hay của xứ Quảng sẽ hòa đồng và nhân rộng lên nhiều lần với những tính cách đẹp của người Việt mình.

MỚI - NÓNG