Chút lấn cấn với Điện Biên

Trước Bảo tàng Điện Biên Phủ
Trước Bảo tàng Điện Biên Phủ
TP - May mắn được về Điện Biên nhân tròn một hoa giáp trận liệt oanh. Thung thăng trọn một ngày những địa danh nổi tiếng với cảm giác lâng lâng cùng tự hào. Và cũng một chút lấn cấn.

Lấn cấn xa ấy là khi chạnh nhớ đến thuở hoa niên thương mến. Mùa đông năm 1973, nhóm sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp chúng tôi về nằm mấy tháng ở bản Noong Hẹt gần Thị trấn Điện Biên ( thời ấy Điện Biên còn là thị trấn chứ chưa lên thành phố như bây giờ) để sưu tầm văn học dân gian dân tộc Thái. Thi thoảng thơ thẩn quanh những A1, C1, hầm Đờ Cát còn nhặt được những vỏ đạn mảnh dù. 

Ký ức đến giờ còn hằn khung cảnh một chiến trường ác liệt sau hai mươi năm còn khá rõ nét. Rồi những năm sau bảy lăm một chút, qua đất Quảng Trị, Đông Hà xe vun vút mà vẫn thấy những ngổn ngang, những bạt ngàn súng pháo cỡ lớn có cả thứ Vua chiến trường chiến lợi phẩm. Rồi cơ man nào là vỏ bom, vỏ đạn cùng là dây thép gai… 

Lẩn thẩn nghĩ, cứ để nguyên thế, chả cần phải đầu tư xây dựng chi nhiều chỉ quây xây sơ sài quanh một hàng rào đã là thứ bảo tàng sống là chứng tích chiến tranh sinh động. Thế mà nhoáng đi có mấy năm, phong trào thu gom sắt thép phế liệu rộ lên mấy đợt đã sạch bách những chứng tích chiến tranh ấy.

Chiến trường Điện Biên Phủ (ĐBP) từ những năm xa hình như số phận cũng nhang nhác thế… Nhớ, năm 1994, Tổng thống Pháp Mitterrand sang thăm chiến trường ĐBP, tất nhiên khung cảnh đã biến dạng thay đổi đi nhiều nhưng ông Tổng thống sau khi tham quan nhìn ngó, hỏi han chán chê đã ngỏ với mấy ông chủ nhà đại ý, nếu cần định cư và dãn dân thì cố gắng đừng đưa dân vào ở quanh di tích ( thời điểm đó dân đã quần cư kha khá quanh A1, C1, C2… rồi). 

Bởi kiểu quần cư ấy nếu không nuốt mất di tích thì cũng gây nhiều hệ lụy không hay! (Ý ông Tổng thống có lẽ nói đến nhà cửa cùng công trình dân sinh sẽ xâm lấn, che chắn làm giảm mỹ quan của di tích chăng?). Ông Tổng thống cũng ngỏ thêm ý tiếc rằng nếu ngay từ đầu quy hoạch mà làm ngay được rõ ràng, dứt khoát, khu di tích chiến trường ĐBP riêng, khu dân cư riêng chứ không xen lẫn thì hiệu ứng của di tích ĐBP sẽ được nhân lên nhiều lắm.

Hiệu ứng gì vậy? Và ngay từ đầu việc rõ ràng dứt khoát của quy hoạch là từ bao giờ, khi nào? Phải chăng lui lại 20 năm như cái thời đám sinh viên chúng tôi lên Điện Biên thực tập chứng kiến thực địa chiến trường ĐBP? Hay là thuở 1958, những nông trường quân đội lần lượt được thành lập ở đất Điện Biên, cái thời ông nhà văn Nguyễn Khải lên đây để viết Mùa lạc? Thôi nhắc chi sự nhỡ xa ấy?

Nhưng sự nhỡ gần là cái không gian thông thoáng của khu di tích chiến trường Điện Biên 20 năm trước mà ông Tổng thống Pháp phát tín hiệu cảnh báo bây giờ đã không còn. Những dằng dịt giăng mắc che chắn không gian trước tượng đài Chiến thắng Điện Biên trên đồi C1 là khách sạn Him Lam Plaza là Khu thương mại Phương Nga là khách sạn Nậm Rốm. Và quanh hầm Đờ Cát là những nhuôm nham um tùm sự quần cư của dân phường Mường Thanh, Him Lam. 

Nhiệt liệt hoan nghênh và tán thành những sự lên đời nâng cấp từ bản lên phường, từ thị trấn lên thành phố! Nhưng những quyết định lên đời cùng nâng cấp ấy có lẽ hợp lý hơn khi thi hành, khi quyết ở một khu định cư mới không chồng lấn xen kẽ với di tích? Thử lùi thử tránh những hầm Đờ Cát, A1, C1 xa ra lối rìa sân bay Mường Thanh chả hạn? Quỹ đất định cư của Điện Biên đâu có eo hẹp? Hàng trăm hộ trong hơn 7 vạn dân của thành phố mới Điện Biên không phải không có thổ cư và có lẽ không nghèo hơn, cũng chẳng sung túc hơn khi không phải bám trụ bao quanh những hầm Đờ Cát, A1, C1…?

 Mà có lẽ những lương dân ấy sẵn sàng cũng như sẵn lòng chấp thuận các quyết định quyết sách của chính quyền nếu như ngay từ đầu với những quyết tâm bảo vệ không gian thông thoáng của các Khu di tích Điện Biên. Mà đâu chỉ không gian thông thoáng? Những khu di tích rất cần những khu đệm, những khu phụ trợ mà du khách trước khi tham quan cần dọn mình để suy ngẫm này khác. Động thái ấy từa tựa như đi chùa chiền, trước khi chiêm bái khách phải dừng một chút trước nghi môn vậy. Hiệu ứng mà ông Tổng thống Pháp nghĩ cùng ngẫm 20 năm trước là vậy chăng?

Ngồi ở khách sạn mới xây Nậm Rốm ngó sang tượng đài Chiến thắng ĐBP với những bậc dẫn tít tắp khá bắt mắt. Sáng ngày vui kỷ niệm, vừa thở vừa leo hàng trăm bậc dẫn lên khối tượng với một kỷ niệm buồn. Mười năm trước từng cùng dân Điện Biên đứng hò reo khi đoàn chiến xa siêu trường siêu trọng gồm 12 chiếc chở 12 phần của Tượng đài Chiến thắng từ dưới xuôi đưa lên để lắp ráp. Sau Lễ khánh thành hoành tráng, nhóm tượng đài nhân 50 năm chiến thắng ĐBP không lâu thì người ta phát hiện ra đám bất lương từ khâu thiết kế đến đúc, thi công tượng đã gian dối, bớt xén... 8 nhân vật bị khởi tố trong đó có cả ông Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên.

Vấn đề đặt ra không phải giải thích mà là cải tạo tình hình! Một phương án là hạ nhóm tượng xuống để đúc lại!

Theo chân khách tham quan, tôi cũng kính cẩn dâng hương trước tượng đài. Sau hỏi kỹ được biết, may thay phương án hạ tượng để làm lại đã không diễn ra. Cụ thể chưa rõ người ta đã áp dụng những sáng kiến gì trong việc khắc phục để nhóm tượng cao 12,6 mét nặng 220 tấn uy nghi hoành tráng! Dịp kỷ niệm này, tượng đài Chiến thắng trông rất hoành tráng và là điểm nhấn của du khách.

 Nhưng tôi cũng được bác thợ chụp ảnh dạo chỉ cho những vết xanh xanh do gỉ đồng tạo ra nom khá chuế trên thân nhóm tượng. Có lẽ đứng gần thì mới thấy rõ chứ ngó xa tượng đài vẫn sừng sững uy nghi. Sau về hỏi lại mới biết đó cũng là mối phiền lòng nhất mà hiện nay chưa biết khắc phục bằng phương pháp nào đành phải thường xuyên cạo gỉ lau rửa vậy.

Chút lấn cấn với Điện Biên ảnh 1 Một góc Bảo tàng

Ghé Bảo tàng Điện Biên mới xây, chợt dấy lên cảm giác hơi bị tiếc xót với con số ấn tượng. Đó là đội hình hùng hậu hậu cần phục vụ cho chiến dịch gồm 628 xe vận tải, 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ. Hiện vật thì xe đạp thồ có nhiều dáng kiểu. Ngựa thồ đã đành một nhẽ. Tiếc là hiện Bảo tàng không còn một chiếc xe vận tải nào kể cả tã! Chợt nhớ những năm xa lên Điện Biên, hình như còn mang máng cái xe tải cũ nát bày ở mặt tiền Bảo tàng cũ?

 Chứng tích 628 chiếc xe tải tham gia chiến dịch chiến đấu lẫn hậu cần nay chỉ khiêm tốn trong một góc trưng bày cái vô lăng, cái cánh cửa xe méo mó, chiếc bánh xe đóng đinh sắt (sáng kiến khắc phục bởi lốp bị vỡ). Tất nhiên súng pháo, thứ của nước bạn viện trợ, thứ thu được của Pháp loại sơn pháo 75, loại trọng pháo 100, 105 hiện diện trong Bảo tàng, nghiệt ngã thời gian cùng không gian khí hậu nhiệt đới vẫn may mắn hiện diện trong bảo tàng!

Những kỷ vật của bại tướng Đờ Cát cũng được gom lại khá phong phú. Đó là cái bồn tắm, bộ bàn ghế gấp, cái máy chữ hiệu Optima, chiếc máy xay cà phê và cái can. Không rõ cái can này có phải chuyển từ Bảo tàng dưới xuôi lên? Chắc nhiều người biết chuyện cái can của tướng Đờ Cát. Từng được cán bộ, chiến sĩ tham gia bắt sống Đờ Cát tặng cho tướng Vương Thừa Vũ. Tướng Vũ tặng lại bác sĩ Hồ Đắc Di. Về sau, bác sĩ tặng lại cho Bảo tàng Quân đội.

Ngó kỷ vật của bại tướng Đờ Cát, nhớ thêm chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi năm 1994 thăm căn hầm Đờ Cát. Đại tướng xem rất kỹ di tích này. Bất chợt ông chỉ tay vào sát bức tường của một ngách hầm và hỏi: “Cái étagère lớn của Đờ Cát ở chỗ này đâu rồi?”. Không ai trả lời. Đại tướng hỏi lại lần nữa, vẫn không ai trả lời. Đại tướng lại hỏi một lần nữa, có người vội đỡ lời: Đại tướng hỏi cái giá sách của Đờ Cát ở đây bây giờ đâu rồi? Có tiếng đáp ngập ngừng Thưa… đốt rồi ạ! Tất cả lại lặng im. Đại tướng căn dặn phải giữ gìn tất cả những hiện vật của trận Điện Biên năm xưa. 

Nghiêng ngó khá kỹ ở các gian trưng bày, tôi muốn tìm một bức tượng từng có mặt ở Bảo tàng Điện Biên cũ nhưng không thấy. Hay đặt chỗ khuất nào mà tôi chưa kịp ngó ra?

Cũng nhớ năm đó, khi thăm Bảo tàng Điện Biên, Đại tướng dừng trước nhóm tượng dựng hai người phụ nữ, một người mặc áo cánh, búi tóc, tượng trưng cho phụ nữ Đồng bằng Bắc Bộ, đứng sát là một phụ nữ chít khăn piêu, mặc áo của phụ nữ dân tộc Thái, tượng trưng cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc… Đại tướng vẻ mặt rất buồn giọng đanh lại: Tôi đã chỉ đạo các anh rằng, chiến thắng ĐBP là công lao của cả nước.

 Cả nước chia lửa với ĐBP, cả nước căng địch ra mà đánh nên chúng không thể điều quân đến cứu nguy cho ĐBP. Vì thế khi dựng tượng đài ở ĐBP phải có hình ảnh của ba miền Trung – Nam – Bắc. Mai kia đồng bào Khu 5, đồng bào Nam Bộ… ra đây thăm Điện Biên, người ta hỏi hình ảnh của chúng tôi đâu trong chiến thắng này thì các anh sẽ trả lời làm sao? ĐBP chỉ có công của Bắc Bộ và Tây Bắc thôi à?

Bên cạnh gần ngàn kỷ vật chứng tích của bảo tàng có thêm hơn 200 kỷ vật nữa, kết quả của đợt vận động sưu tầm hiện vật về ĐBP. Kỷ vật về Điện Biên, có lẽ cũng như ký ức của dân ta hẳn còn tiềm tàng? Những hiện vật ấy rồi sẽ mỗi năm lần lượt quy tụ về đây.

Nói những kỷ vật chứng tích có lẽ cũng phải nói đến ngôi nhà mang chúng. Cứ lẩn thẩn nghĩ, trên đã ưu ái chi hàng trăm tỷ để xây Bảo tàng Điện Biên mới thì có lẽ nên quyết sớm? Bởi gần đến ngày kỷ niệm, nhiều hạng mục phải dồn sức làm đêm làm ngày. Nói dại mồm, liệu chất lượng có vấn đề gì không nhỉ?

Nậm Rốm đêm 6/5/2014


MỚI - NÓNG