Chuyện 15 cô gái Việt đẻ thuê ở Thái Lan

Chuyện 15 cô gái Việt đẻ thuê ở Thái Lan
Các nạn nhân trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan đã về tới cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và được đưa về Ngôi Nhà Bình Yên

Từ giữa năm 2010, nhiều tờ báo gây chấn động dư luận bởi những hàng tittle lớn: “Đẻ thuê, bài học đau lòng và con đường chưa lối ra”, “Hành trình của các cô gái đẻ thuê”, “Vụ 15 cô gái đẻ thuê ở Thái Lan: Nuôi hay trả “con”?”, “Bi kịch 15 thiếu nữ sang Thái Lan đẻ thuê”…

Ngày 13.5.2011, sự kiện đó đã “bước chân” vào Ngôi Nhà Bình Yên của chúng tôi: Các nạn nhân trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan đã về tới cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và được đưa về Ngôi Nhà Bình Yên.

Hơn 7 tháng ở tại Ngôi Nhà Bình Yên, một ngày đầu tháng 12.2011, những bà mẹ mang thai hộ và những đứa trẻ được họ sinh ra đã rời khỏi Ngôi Nhà Bình Yên: Các bà mẹ trở về quê hương, những đứa trẻ trở về Đài Loan sum họp cùng gia đình.

Cuộc trao đổi giữa người môi giới và khách hàng (bìa phải là người mang thai hộ).
Một cuộc trao đổi giữa người môi giới và khách hàng (bìa phải là người mang thai hộ). Ảnh minh họa

Chuyện những đứa trẻ…

Khi bước vào Ngôi nhà bình yên, có những đứa trẻ đã được 2 tháng tuổi, có đứa vẫn còn trong bụng mẹ, 2 tháng sau mới chào đời. 6 đứa trẻ ấy, sau 7 tháng ở tại đây, khi rời đi đã lớn lên rất nhiều.

Diểu đã có 2 cái răng mọc lên ở hàm dưới, 2 cái lấp ló ở hàm trên; 2 anh em sinh đôi Tam Tạng và Siêu Quậy thì cũng đã thấy trăng trắng răng sắp nhú ở hàm; Tề Thiên và Trư Bát Giới đang nhỏ dãi bắt đầu thời kỳ răng cỏ; một đứa con trai khác, tên Đạt, thì nổi tiếng trong đám con trai ấy về sự “cứng cổ”…

Chúng đều là những đứa trẻ khỏe mạnh và rất đáng yêu. Nhìn 2 anh em sinh đôi Tam Tạng và Siêu Quậy, thật khó tin rằng khi sinh ra, anh chỉ nặng 2,1kg; em nặng 2,41kg.

Chắc chắn đến giờ các cán bộ, nhân viên phòng khám của Bệnh viện Phụ sản cũng đã quen mặt của chúng tôi, những nhân viên xã hội ngày ngày đưa các bà mẹ đi khám thai trong 2 tháng cuối trước khi sinh nở - những bà mẹ mà ai cũng thấy lạ vì nói tiếng miền Nam, mấy bà mẹ luôn đi cùng nhau và luôn chỉ có một người chạy đi làm thủ tục vào khám cho tất cả…

Còn ở Bệnh viện Nhi Trung ương, nhân viên xã hội chúng tôi người thì được làm bà ngoại, bà nội, người trẻ hơn thì là chị, là em… nhưng vẫn bị thấy là sao chẳng giống nhau, lại người nói tiếng Bắc, người nói tiếng Nam…

… và những bà mẹ

Có nhiều điều tiếng khác nhau về họ, nhưng khi đã vào Ngôi Nhà Bình Yên, họ là Người tạm trú của chúng tôi. Báo chí cũng đã viết nhiều về họ, dù có thể là chưa thấy mặt, thấy người. Báo này gọi họ là “đẻ thuê”, báo kia gọi là “mang thai hộ”… Tất cả đều đúng ở một điều:

Gia đình họ rất nghèo, quê họ ở rất xa, có người mới học đến lớp 2, có người còn không biết chữ; có người đã từng có gia đình, có người chưa kết hôn lần nào… Nhưng chỉ có chúng tôi mới được biết những éo le thực sự, bởi lẽ đã có cả một thời gian 7 tháng chung chịu cùng các bà mẹ ấy.

Đành rằng biết trước mình sẽ sinh con cho người khác; nhưng sinh ra rồi, chăm nom chúng khi chào đời cho đến lúc mọc răng, ít nhiều đã cho bú những giọt sữa của mình, đêm ngày ôm ấp; thì khi phải chia tay khác nào dứt đi khúc ruột của mình.

Những người phụ nữ phải làm việc này cũng vì muốn có tiền giúp gia đình, cha mẹ, anh em, và không hiểu sao họ đều giống nhau ở một điểm: Không phải là con lớn nhưng lại là trụ cột trong việc kiếm tiền cho gia đình.

Giờ đây, khi đã ai về nhà nấy, những đứa trẻ đã được trao lại cho cha mẹ là những người đúng huyết thống của mình; những bà mẹ sinh con hộ vẫn lại là những người gánh chịu nhiều nỗi đau hơn cả.

Từ miệt vườn xa xôi, những người mẹ ấy vẫn gửi tới Ngôi Nhà Bình Yên nỗi đau xa con: “Nếu như chết được con sẽ chết để quên đi tất cả, bác ạ!”, “… như là con đang mất đi một thứ quan trọng lắm, nếu như có thể lấy mạng sống của con đổi lấy 2 đứa nó con cũng chịu”.

“Bác ơi con nhớ con của con quá bác ạ; con nhớ con của con lắm, nhớ nhiều lắm…”.

Chúng tôi hiểu nỗi lòng của những bà mẹ đó, và mong rằng khi nào đã tĩnh tâm, khi nhớ lại Ngôi Nhà Bình Yên, họ sẽ thấy ấm áp hơn, để có niềm tin yêu, vững bước đi xây lại cuộc sống cho riêng mình.

Đó là nơi họ đã nhận được sự yêu thương chân thành, sự chăm sóc tận tình của những người không phải là người thân, từ lúc mang thai, khi sinh nở, sự sẻ chia trong những ngày ôm con chờ đợi ngày trao lại cho gia đình chúng…

Ngôi Nhà Bình Yên

Cả Ngôi Nhà Bình Yên, không chỉ cán bộ nhân viên chúng tôi, mà những người tạm trú cũng đều ngơ ngẩn vì nhớ lũ trẻ. Các bạn ấy không chỉ bế ẵm, mà còn “cổ động viên” cho đứa này khi ăn bột, trông được đứa kia cả đêm, ngủ với một trong hai bé sinh đôi để đỡ đần mẹ bé phần nào… Việc thay tã, pha sữa, tắm cho em bé… nhiều bạn đã biết làm thạo từ việc trông trẻ này.

Hóa ra cả Ngôi Nhà Bình Yên của chúng tôi không ai là không thích trẻ con. Khi đi học, đi làm về, các bạn ấy chưa kịp cất túi đã sà vào ôm trẻ. Những buổi chiều về thường đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ khi được các chị, các dì truyền tay nhau bế ẵm.

Nhưng có những lúc trái gió trở trời, mấy đứa trẻ biếng ăn, biếng ngủ; có đứa phải vào bệnh viện để khám, có đứa phải ở lại bệnh viện để điều trị…

Khi ấy không chỉ bà mẹ có con ốm mà ngay cả nhân viên xã hội mắt cũng thâm quầng vì mất ngủ. Từ khi có các bà mẹ mang thai hộ đến, Ngôi Nhà Bình Yên có sự thay đổi về lịch làm việc của Nhân viên xã hội: Đêm nào cũng có một người trực, trước là để sẵn sàng đưa các bà mẹ đi bệnh viện, sau là để trông trẻ, vì có một bà mẹ sinh đôi.

Quản gia thì phải tính toán thêm một chế độ ăn phù hợp với bà mẹ lúc mang thai, khi sinh nở. Người tạm trú gánh vác thêm việc nhà: Quét dọn, nấu ăn, giặt giũ… giúp các bà mẹ và những đứa trẻ.

Để có đủ sữa cho trẻ ăn (vì hầu hết các bà mẹ phải mổ để sinh con nên không đủ sữa), để có đủ bỉm cho trẻ dùng, quần áo vừa cho các bà mẹ sau khi sinh nở…

Ngôi Nhà Bình Yên đã nhận được sự trợ giúp của nhiều tổ chức, cá nhân. Có một doanh nghiệp hàng tháng hỗ trợ cho mỗi bà mẹ số tiền là 500.000 đồng trong suốt thời gian họ lưu lại Ngôi Nhà Bình Yên.

Rồi cũng đến ngày chia tay, các bà mẹ và các em bé ra về lặng lẽ, không ồn ào như dạo đầu bước vào Ngôi Nhà Bình Yên. Những đứa trẻ trở về với cha mẹ ruột của chúng, những người phụ nữ mang thai hộ cũng trở về với cuộc sống bình thường. Đến giờ, khi ngồi kể lại với nhau, chúng tôi mới tự thấy không biết sức mạnh nào đã giúp Ngôi Nhà Bình Yên đảm đương được một khối lượng công việc như vậy trong suốt 7 tháng.

Ngôi Nhà Bình Yên giờ đây đã có vẻ yên ả hơn xưa vì vắng đi những bà mẹ, những đứa trẻ. Nhưng câu chuyện về những ngày ấy vẫn luôn được chúng tôi cùng nhau nhắc tới, như ôn lại những lúc gian lao nhưng đầy tình thương và trách nhiệm, đã giúp Nhà Bình Yên trưởng thành hơn, gắn bó hơn giữa tất cả chúng tôi.

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG