Chuyện bếp núc ở APEC

Chuyện bếp núc ở APEC
TP - Cửa giả thông ra hành lang ít khi đóng, nên hương cà phê Biên Hòa, Ban Mê thi thoảng lại lan tỏa vào tận phòng tác nghiệp của các nhà báo...

Có một lúc ra hành lang xả hơi, kéo chưa hết điếu thuốc mà tôi thấy một đồng nghiệp người Australia vừa xin lửa mồi thuốc đã chơi liền hai ly cà phê rồi khà khà như dân ta kiêm động thái gật gù: “Cà phê tuyệt lắm!”.

Nhưng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TTHNQG), không chỉ có cà phê...

Ngay từ phiên khai mạc APEC, Chủ nhật ngày 12/11, ở lối ra vào phòng họp báo lớn đã chĩnh chiện một băng giấy trắng nổi bật hàng chữ Anh và Việt Thông báo số 1:

Từ ngày 12 đến ngày 19/11/2006, Trung tâm Báo chí sẽ cung cấp bữa ăn trưa và bữa tối miễn phí cho các phóng viên tại nhà ăn tầng trệt Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đề nghị phóng viên liên hệ tại bàn thông tin để lấy phiếu ăn hàng ngày.

Từng dự APEC lẫn ASEM trong và ngoài nước, nhưng Free (miễn phí) cả hai bữa kéo suốt cả tuần như vậy hơi bị hiếm nếu không muốn nói là chưa có. Thịnh tình của nước chủ nhà quả là đáng ghi nhận!

... Cầm trong tay tấm phiếu ăn màu vàng chanh, tôi nhập vào cánh đồng nghiệp cả tây và ta kéo nhau xuống tầng I.

Ngó qua các gian tác nghiệp của những hãng truyền thông lừng danh trên thế giới thuê đứt tại Trung tâm Báo chí (TTBC) trong dịp APEC này,  thấy nhiều phòng trống trơn vì tầm 12 giờ trưa là đến giờ ăn.

Nhưng chỉ chút nữa thôi thì tất thảy lại chúi mũi vào việc săn lẫn truyền tin. Thang máy  với sức chứa 24 người tốc độ 96m/s thế mà cũng không đáp ứng kịp và nhiều người vẫn rảo chân theo lối tản bộ xuống tầng trệt.

Tôi lẩn mẩn đếm được các món như thế này: 1. Hai loại súp gà hay lươn và rau; 2. Salat bắp cải dưa chuột; 3. Tôm nướng; 4. Gà hấp lá chanh; 5. Bò sốt rượu vang; 6. Mỳ xào hải sản; 7.Philê cá chiên bơ; 8. Su su luộc; 9. Bánh mỳ bơ thịt nguội+ Phomat; 10. Cơm trắng và hoa quả ( chuối+ dưa hấu+ thanh long+ dứa). Cuối cùng là nước uống đóng chai.

Nhân nói đến hoa quả,  bên hành lang tầng 3 giành cho báo chí hai phiên sáng và chiều đều bày không chuối thì mít khô, nho hoặc bánh ngọt cùng cà phê. Tất nhiên là miễn phí!

Tôi thấy có mấy người  không xuống nhà ăn mà chắc do vội nên vừa nhón bánh bóc chuối vừa mở laptop ra mà hí hoáy. Dậy lên cái thứ tình cảm đồng bệnh tương lân vì không ít chuyến đi hành nghề bên xứ người mình cũng  quấy quá thứ chi đó cho xong bữa, có khi chẳng kịp đi ăn phải nhai cả mì tôm sống để mà truyền kịp bài vở về nhà nên ngỏ lời thông cảm.

Cũng chả phải tất tả như mọi bận nên đợi tầm chiều phòng ăn đã vãn người tôi mò xuống nhà ăn ngồi với chị Liên Anh cùng anh Lãm là cán bộ của TTHNQG là hai yếu nhân của phòng ăn này.

Trong câu chuyện, tôi được biết thêm tất tật thực phẩm nấu cho phòng báo chí này đều lấy ở nguồn là siêu thị Metro. Lại qua khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do chuyên gia của Trung tâm đảm nhận. Càng ngồi tôi càng vỡ vạc ra lắm thứ trong khu nhà họp lớn nhất nước này.

TTHNQG có đến mấy bếp. Tạm gọi là bếp báo chí, do hai đầu bếp thuê ở ngoài, còn khâu nấu nướng bày bàn tất tật đều sử dụng lực lượng tại chỗ. Nghĩa là từ người phụ trách đến nhân viên tài vụ đánh máy, quản trị đều phải tham gia nhặt rửa rau hoặc chế biến kèm theo sự hướng dẫn của hai đầu bếp.

Anh chị em ở đây đều khéo tay sáng ý nên bữa ăn mấy ngày hôm nay các nhà báo vốn khó tính vậy nhưng chưa thấy kêu gì. Ở đây còn mới bầy thêm quầy có món ăn nguội và cà phê để chuyên phục vụ anh em báo chí do bận tác nghiệp mà xuống nhà ăn muộn, tầm đêm hoặc chiều chả hạn). Lại được 9 thanh niên tình nguyện phụ giúp.

Bữa đầu mới có 800 người ăn, sau cứ tăng thêm. Như trưa 15/11, có hơn ngàn nhà báo. Mấy bữa sau cùng với nhiều sự kiện khác, báo chí có mặt càng nhiều. Tầm phải tròm trèm 2000 người. Chi dùng cho mỗi suất ăn như thế là 5USD mà tãi ra ngần ấy món kể cũng là khéo.

Ngoài bếp báo chí ra, tại Trung tâm còn có bếp chuyên phục vụ các nhân vật quan trọng dự Hội nghị, bình quân mỗi bữa 800-900 suất ăn. Thường ăn thực đơn Âu (kèm một số món Việt Nam) và ăn bàn nên các món không nhiều. Đảm trách việc nấu nướng là đầu bếp trứ danh của các khách sạn lớn như Horison, Sofitel.

Tôi lược ghi ra đây mấy con số trong một buổi họp mà ngành du lịch khách sạn Hà Thành quyết tâm phục vụ hết mình trong dịp APEC:

Với 6 phong cách ẩm thực khác nhau trên thế giới từ ẩm thực truyền thống Italia đến ẩm thực Trung Hoa, Nhật Bản... , Khách sạn Deawoo sẽ đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực cho các đoàn khách APEC lưu trú tại đây. Khách sạn đã kỳ công đón được Phó Tổng bếp trưởng người Pháp Christian Bouby sang nấu nướng.

Ngoài ra còn mời một số đầu bếp nước ngoài để trao đổi hỗ trợ... Còn Hilton Hanoi Opera bỏ tiền ra đầu tư mới một nhà hàng có tên Món ngon ba miền để giới thiệu với các quan khách APEC.

Bí quyết chế biến nghe thì dễ nhưng làm cực khó là giữ nguyên hương vị của từng món. Thực đơn bao gồm 59 món như tôm nộm hoa chuối, phở ( các loại) thịt gà lá chanh ( cũng có mấy loại) của miền Bắc, nem tươi cuốn, bún bò Huế, bánh bột lọc miền Trung hay giò chả rế, bánh khọt, bò nướng ống tre... của miệt Nam Bộ. Tất cả các món đều dưới sự chỉ đạo của Bếp trưởng Phạm Xuân Cường người đã có 20 năm kinh nghiệm nghề.

Còn khách sạn nơi Tổng thống G. Bush cùng phu nhân và đoàn Mỹ lưu trú đang tất bật và nghiêm cẩn cho một bữa buffet thuần Việt mà không thể thiếu vắng các món như  nem chiên, nem cuốn, phở bún, chả, chả cá... Bữa sáng ở đây chủ lực là món bún chả, phở và các loại nem.

Chị Thu Hồng phụ trách đối ngoại khách sạn  Melia cho biết khách sạn đang tiến hành chương trình Ẩm thực vòng quanh thế giới tại nhà hàng El Patio. Riêng khâu an toàn thực phẩm của khách sạn Sofitel Plaza có tới 138 nhân viên được đào tạo.

Vòng tay nhân ái Việt đã giang ra với bạn bè thế giới và APEC nói riêng cùng món ăn quen thuộc đãi khách lạ phương xa.  “Chúc các bạn có những ngày lý thú tại Việt Nam”- Đó là câu kết trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại phiên khai mạc ABAC (Hội đồng tư vấn kinh doanh).

Quý vật gặp được quý nhân. Hình như  trân trọng mời bạn bè APEC tiếp cận  văn hóa ẩm thực xứ mình cũng là một thứ lý thú cho người lẫn cho ta?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.