Chuyến biển tất niên

Xong chuyến biển này, mọi người sẽ về quê đón Tết cùng gia đình. Ảnh: T.T
Xong chuyến biển này, mọi người sẽ về quê đón Tết cùng gia đình. Ảnh: T.T
TP - Chuyến biển cuối năm khép lại, anh em bạn tàu quây quần bên mâm cúng tất niên giữa cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) rền một màu xanh của tàu thuyền và sắc đỏ cờ Tổ quốc. 

Đoàn tàu của ngư dân miền Trung liên tục về cảng, thuyền viên hối hả kéo cá ra khỏi khoang bán hết cho thương lái để về quê ăn Tết cùng gia đình.

Ăn ngon lại được sum vầy

Những ngày này, đi quanh cảng cá dễ bắt gặp những con tàu dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị cúng tất niên. Mâm cúng giản đơn, chỉ có hương, hoa, trái cây, con gà luộc, đĩa xôi, thêm ít thịt nhưng được bày biện bài bản. Chủ tàu quanh năm xộc xệch với áo quần nhuốm muối biển nay trịnh trọng khoác lên mình bộ đồ “nhất” để khấn trời đất. Không gì hơn, họ cầu trời yên bể lặng, anh em sức khỏe bình an, đánh bắt thắng lợi.

Trong lúc đợi tuần hương tàn, khách mời là người chạy xe ba gác, bạn hàng, mối bỏ đá, bỏ dầu… cũng kéo tới với miệng cười tươi cùng đồ góp mồi, nhậu. Dân biển, nghèo mà hiếu khách, phóng khoáng. Trên tàu có gì đều lôi ra sạch sành sanh đãi bạn. Cả tàu cứ thế quây quần bên mâm cơm đầm ấm cuối năm. Câu chuyện sau một năm bám biển cũng bắt đầu. Anh Cao Thắng (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) háo hức kể chuyến biển áp Tết 12 ngày đem về 20 tấn cá, trừ chi phí chia ra mỗi người cũng được tầm 15 triệu. Vậy là có cái Tết ấm. Số tiền này anh sẽ đưa về gia đình sắm sanh đồ Tết. Hỏi anh vào bờ thích ăn gì nhất, anh đáp ngay thích món bò xào, vì đi biển có chuyến dài ngày ăn cá miết thôi.

Chuyến biển tất niên ảnh 1 Thương ngư dân ở biển nhiều hơn ở nhà, những người vợ, người mẹ, người chị… ra nấu những món ngư phủ thích để bữa cơm cuối năm thêm ngon miệng, ấm lòng. Ảnh: T.T

Nghe tin tàu QNg94074 về, bà Đặng Thị Xinh tất tưởi đón xe từ quê nhà Quảng Ngãi ra cảng cá lo cơm nước cho anh em trên tàu. Bà thương tàu đi biển ròng rã gần 2 tháng trời, thịt, rau mang theo chỉ ăn được mấy hôm, còn lại đánh được gì ăn nấy. Chỉ khi tàu ghé vào đảo mua, hoặc có ghe ra bà mới “tiếp tế” thêm thịt heo, thịt gà, rau xanh. “Bây giờ cả tàu về, tui nấu món thịt kho tàu cho anh em ăn. Tội nghiệp vậy đó, một năm hết cả chục tháng giữa biển, muốn ăn miếng gì ngon ngon cũng chịu”, bà xúc động.

Thuyền viên 24 tuổi Nguyễn Ngọc Phong chen ngang: “Ai cũng mong bữa cơm cuối năm cả, vì không chỉ được ăn ngon, ăn món mình thích mà còn được ngồi yên một chỗ. Chẳng lo bị sóng nhồi lên nhồi xuống, phải víu chỗ này ôm chỗ kia trên tàu. Và hơn hết, sau bữa cơm này, mọi người được về quê đón Tết cùng gia đình”. Phong nhẩm tính chuyến cuối năm này Phong đem về gần chục triệu đồng. Chàng ngư dân chưa vợ tâm tình sẽ đưa hết cho mẹ để trang trải trong nhà dịp Tết. Còn bạn tàu của Phong, Võ Duy Tốt (27 tuổi) gần như đếm ngược từng giờ để về quê. Tốt đã có vợ và hai con nhỏ. Chuyến biển cuối năm này dài gần hai tháng nên Tốt nhớ con vô cùng. Tốt bảo giờ không ra phố Đà Nẵng mua sắm gì cả, xong bữa cơm này sẽ về nhà ngay để được thơm má hai đứa con.

Khó mấy, cũng sẽ ra khơi

Câu chuyện sau một năm vật lộn với sóng nước tua lại những lần khó khăn vì dịch bệnh, giá cá rớt thảm, bão lũ dồn dập. Anh Nguyễn Kỷ, chủ tàu QNg 94402 kể, năm nay ở nhà khá nhiều vì bão và dịch COVID-19, song bù lại sản lượng đánh bắt lại khá. “Tính ra thì đánh bắt cũng không thua mấy năm trước đâu, nhưng dịch mãi nên thương lái người ta không lấy cá, có lấy thì giá cũng thấp. Nói chung “không được chợ” nên mình khó”, anh chia sẻ. Cũng như anh, anh Nguyễn Văn Trung (46 tuổi, quê Quảng Bình) trầm ngâm, lần này tàu đi 12 ngày về được 1,5 tấn cá thu. Đáng ra gần Tết, giá cá sẽ cao, vậy mà giờ lại rớt hơn các năm trước, nên chia đều 7 người trên tàu mỗi người được hơn chục triệu. Nói rồi anh động viên cả tàu: “Nghề nào cũng vậy thôi, có khi được khi không. Giờ tới Tết còn hai tuần, tính đi thêm một chuyến nữa đây. Biết khó, nhưng còn làm ra là mừng rồi, không thể bỏ biển được”.

Không chỉ lo chuyện trên bờ, ngư dân miền Trung còn lo “nhân tai” giữa trùng khơi. Mới đây, hay tin Trung Quốc  thông qua Luật Hải cảnh, họ lại thấp thỏm vì mỗi chuyến đi biển lại thêm phần hiểm nguy. Anh Phạm Vinh, thuyền viên tàu QNg 94312, thật thà: “Đe dọa tới tính mạng, cũng “ớn” chứ. Nhưng đây có phải lần đầu ngư dân Việt Nam mình đối mặt với hiểm nguy đâu. Mình lo vậy để cẩn thận hơn, cứ đánh bắt trong vùng chủ quyền, đi theo đội nhóm có gì hỗ trợ nhau. Mình khai thác đúng không gì phải sợ cả!”.

Tôi cố tình hỏi thêm một năm đầy sóng gió vậy, các anh tính qua năm thế nào? “Ra khơi chứ, không bỏ biển được đâu! Cứ sau mồng Mười tháng Giêng ra cảng là gặp tụi tui chuẩn bị lên thuyền rồi”, anh Kỷ hào sảng. Anh nói thêm tàu anh sẽ ra vùng biển Bạch Long Vĩ, sau đó xuống Quảng Bình, đó là vùng biển “nên cơm cháo” cho cả tàu lâu nay. Những ngư dân khác góp chuyện, chuyến cuối năm mong về để ăn cơm tất niên bao nhiêu, thì đầu năm lại háo hức ra biển bấy nhiêu. Bởi chuyến đi đầu năm rất khí thế, tàu nào cũng đầy nhiệt huyết ra khơi. Ra giữa ngư trường, có khi còn quà Tết các tàu chia nhau. Đặc biệt, biển đầu năm bao giờ cũng êm hơn, nhiều “lộc” hơn, tàu nào cũng no bụng trở về. “Sau mồng Mười tháng Giêng, tàu tôi sẽ thẳng tiến ra Hoàng Sa với 14 người, chừng một tháng sẽ về. Đấy là ngư trường mà bao năm qua tôi khai thác cá ngừ. Chuyến “mở hàng” năm nào cũng đánh là thắng cả”, ông Trần Văn Mười (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay.

Trước khi rời cảng về quê ăn Tết, ngư dân không quên leo lên nóc ca bin thay lá cờ đỏ sao vàng mới toanh. “Trên tàu lúc nào cũng sẵn cờ. Năm mới phải thay lá cờ mới để ra với biển quê hương!”, ngư dân Nguyễn Ngọc Phong nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Lại, Hội nghề cá TP Đà Nẵng cho hay, năm 2020, ngư dân đánh bắt khá thuận lợi, sản lượng tốt. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ ít khiến giá cá xuống thấp. “Chẳng hạn như  cá thu loại trên 3kg mọi năm 240.000đồng/kg, nay chỉ còn 170.000đồng/kg, các loại cá khác nhìn chung đều giảm”, ông cho biết. Ông nói thêm thời điểm này, các tàu đang ra sức khai thác các loại cá có giá trị kinh tế cao để bán Tết như cá chim, cá thu, cá cờ…

MỚI - NÓNG