Chuyện cảm động về một lá thư của Bác Hồ

Chuyện cảm động về một lá thư của Bác Hồ
Người cho tôi xem vật gia bảo và kể câu chuyện cảm động này là anh Nguyễn Quang Thắng, một cựu chiến binh thời chống Mỹ.

… Đầu thế kỷ XX, trong một gia đình viên chức gốc Hà Tây, sinh sống ở Hà Nội, có bảy người con được các cụ đặt tên là Phúc-Thiện(1)-Huyên(2)-Đường-Hưởng (3)-Phú-Quý. Nhờ có truyền thống gia đình nên bảy anh chị em đều học giỏi.

Tốt nghiệp trung học, chú Hưởng được gia đình cho theo anh Huyên sang Pháp học Luật. Không có học bổng, hai anh phải vừa làm vừa học. Hai anh đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ chị Thiện.

Ngày đó, chị Thiện đang dạy học tại Trường nữ sinh Đồng Khánh, Hà Nội. Mỗi tháng nhận được tiền lương là 120 đồng bạc Đông Dương chị chỉ giữ cho riêng mình 20 đồng, còn lại gửi hết sang Pháp giúp hai em ăn học.

Nhờ sự giúp đỡ đó và nỗ lực của bản thân, năm 1932, anh Hưởng tốt nghiệp cử nhân Luật đã về nước hành nghề luật sư; còn anh Huyên đã ở lại tiếp tục học để làm luận án tiến sĩ. Năm 1935, Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên nhận hai bằng tiến sĩ Văn chương và Sử học tại Đại học Sorbonne.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ba chị em tham gia Mặt trận Việt Minh tại Hà Nội. Nhờ có đạo đức và năng lực chuyên môn, đầu năm 1946, tại kì họp Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH, Hồ Chủ tịch tin tưởng tiến cử và được Quốc hội chuẩn y bổ nhiệm tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Giáo dục, luật sư Nguyễn Văn Hưởng làm thứ trưởng Bộ Tư pháp. Giáo sư Nguyễn Thị Mão (tức Nguyễn Thị Thiện) chính là phu nhân của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại (thay cụ Huỳnh Thúc Kháng).

Thế là, ngay từ những ngày đầu, ba nhà trí thức đã được đóng góp sức mình tham gia xây dựng chính quyền của nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã tin tưởng vào tinh thần yêu nước và khả năng của những trí thức cho dù họ được đào tạo trong lòng của chế độ thực dân.

Cuối năm 1946, sau ngày Cụ Hồ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, các vị thứ, bộ trưởng trong Chính phủ cùng gia đình theo Cụ lên Việt Bắc, vừa chiến đấu chống Pháp vừa xây dựng chính quyền mới. Trong đại gia đình đó, người thì tham gia xây dựng những bộ luật cho nước Việt Nam mới, người tham gia công cuộc “trồng người” chuẩn bị cho một tương lai gần và xa.

Chiến khu ngày ấy đã rộng lớn hơn trước, Chính phủ Trung ương đóng ngay ở Đại Từ, Võ Nhai; còn các cơ quan Bộ đóng tận châu Sơn Dương, Tuyên Quang.

Điều kiện sinh hoạt ngày ấy rất thiếu thốn, lương thực, thực phẩm khan hiếm, thuốc men phải mua từ vùng địch tạm chiếm mang vào. Cuộc sống khó khăn làm cụ bà thân sinh ra bảy anh chị em đã già yếu lại ốm đau luôn. Ngày 28/11/1949, cụ qua đời. Được tin, ngay ngày hôm sau, Cụ Hồ đã gửi thư chia buồn.

Cụ giao cho ông Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đặc phái viên của Chủ tịch Chính phủ liên lạc với Quốc hội, đích thân phi ngựa mang lá thư thay mặt Người sang Tuyên Quang gặp gia đình. Thư Cụ Hồ viết thế này:

Ngày 29 tháng 11 năm 1949

Kính gửi: Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội-Vụ 

              Ông Nguyễn, Bộ trưởng Bộ Giáo-Dục   

Tôi rất buồn khi được tin Bá Mẫu, qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính Phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với Cụ và ông cùng quý quyến.

Hồ Chí Minh

Ngày đó chưa có máy chữ tiếng Việt, phải dùng máy chữ tiếng Pháp (không có dấu). Sau khi thảo thư, chính tay Người đã dùng bút điền dấu vào từng chữ. Lệ thường, Chủ tịch dùng con dấu có khắc sẵn tên để đóng vào cuối các văn thư Chính phủ, nhưng lần này Người kí bằng bút.

Lá thư được cất giữ từ ngày ấy đến tận bây giờ, thế hệ cha giao lại cho thế hệ con. Đã hơn nửa thế kỷ nó được coi là một gia bảo, được lồng khung kính, đặt trân trọng trên bàn thờ. Quả là một kỷ vật vô giá ghi lại tình cảm của Hồ Chủ tịch với một trong những gia đình trí thức cách mạng, những người đã có công cùng tham gia xây dựng đất nước trong những buổi ban đầu gian khó.

Suốt cuộc đời, cho đến khi con tim ngừng đập, bà Nguyễn Thị Mão, ông Nguyễn Văn Huyên, ông Nguyễn Văn Hưởng cùng anh chị em trong gia đình đã giữ trọn niềm tin mà Cụ Hồ gửi gắm.

Anh Nguyễn Quang Thắng, con út của ông bà Nguyễn Văn Hưởng-Bùi Thị Hiền, nay kế tục sự nghiệp của cha, công tác trong ngành Tư pháp. Khi chia tay, anh tâm sự: “Truyền thống gia đình và sự quan tâm của Bác Hồ là niềm vinh dự lớn luôn động viên tôi làm việc tốt hơn”.

1. GS Nguyễn Thị Thiện (Nguyễn Thị Mão) là vợ cố Phó Thủ tướng Phan Kế Toại.

2. GS TS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước VNDCCH (từ 1946 – 1975). Mất vì bệnh tại CHDC Đức năm 1975.

3. Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp (từ 1946 – 1958). Sau làm chuyên viên cao cấp của Tòa án Nhân dân tối cao. Mất tại TPHCM năm 2001.

MỚI - NÓNG