Chuyện cảm động về thầy và trò khóa tiếng Nga '100'

Chuyện cảm động về thầy và trò khóa tiếng Nga '100'
TP - Từ mấy chục năm nay, đã thành truyền thống, hàng năm anh chị em cựu học viên của khóa tiếng Nga “100” đầu tiên tại Matxcơva, lại hẹn nhau gặp mặt. Cuộc gặp mặt năm nay được chuẩn bị kỹ càng ngay từ đầu năm.
Chuyện cảm động về thầy và trò khóa tiếng Nga '100' ảnh 1
Thầy và trò khóa tiếng Nga “100” bên bờ Hồ Tây - 2007

Tất cả đều đã ở cái tuổi trên dưới 70 - “xưa nay hiếm”, một số người còn vượt xa cái ngưỡng ấy rồi còn gì.

Điều đặc biệt là lần gặp này sẽ lại có mặt cả hai bà giáo Nga từng dạy anh chị em từ ngày đầu ở Matxcơva, vào tháng Mười năm 1954 xa xôi ấy, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ - 53 năm đầy đặn.

Ngày nào cách đây 53 năm, trên chuyến tàu liên vận quốc tế đến Matxcơva phần lớn chúng tôi đều mới ở tuổi 16, 17. Một số mới vào Đoàn thanh niên Cứu quốc, thậm chí một số còn được đeo khăn quàng đỏ… Giờ đây phần lớn tóc đã bạc trắng.

Hai bà giáo, bà Xophia Lêôniđôvna Kortsicôva, nguyên là giáo viên phụ trách giáo vụ kiêm chủ nhiệm một lớp khóa chúng tôi, năm nay đã 83 tuổi. Còn bà giáo thứ hai, bà Ema Xamôilôvna Lamm, là giáo viên phụ trách lớp khác. Hiện, hai bà cũng đã về hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc.

Bà Xophia vẫn đảm nhiệm chức Chủ nhiệm khoa Sinh viên nước ngoài của trường Đại học Cầu đường Matxcơva, đồng thời soạn sách giáo khoa, viết báo.

Năm trước, có dịp sang Matxcơva đến thăm bà tôi được bà cho Tuyển thơ Nga do bà biên soạn mới được xuất bản. Còn bà Ema cũng không nghỉ hẳn, bà vẫn dạy thêm và tiếp tục viết các công trình khoa học giảng dạy… Cô giáo học sinh gặp lại nhau, giờ đều là một lớp người già, mừng mừng, tủi tủi, những cặp mắt người già ứa lệ.

Từ một phiên dịch tiếng Nga, trở thành họa sĩ vẽ tranh lụa có tên tuổi, anh Tô Liên ngày nào bé tý ngồi gọn bên cạnh trong cánh tay khoác bên vai của bà giáo Xophia trên tấm ảnh lớp, anh mang theo tấm ảnh cũ đến khoe…

Anh Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng phu nhân là chị Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã ra sân bay đón hai bà giáo từ buổi đầu, lùi lại sau nhường chỗ cho các bạn cùng lớp đến chào hỏi bà giáo chủ nhiệm lớp mình, bà Ema…

Trong số trên dưới hai mươi thầy cô giáo của khóa học ngày ấy, theo hai bà cho biết, phần lớn đã ra đi. Vừa qua ban liên lạc cựu học viên chỉ kịp lấy được hồ sơ của 7 người còn, đề nghị Chính phủ ta tặng thưởng Huy chương Hữu nghị.

Bà giáo Ekaterina Xtepanôvna, không những dạy ở khóa tiếng Nga, mà còn được cử đảm trách theo phụ đạo tiếng Nga cho 19 anh chị em sau khi hết khóa được giữ lại để vào trường Đại học Sư phạm đào tạo thành giáo viên Nga văn về dạy trong nước.

Bà không kịp làm thủ tục xét tặng thưởng đã đột ngột ra đi. Bà Xara Lvôvpna, giáo viên chủ nhiệm lớp có nhiều người sau này thành đạt như anh Đặng Nhật Minh, nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn điện ảnh, giải thưởng Hồ Chí Minh, cũng ra đi trước đó ít ngày.

Đến buổi gặp mặt hai bà giáo Xôphia và Ema tự hào đeo trên ngực mình tấm huy chương Hữu nghị của Nhà nước ta trao tặng, cũng tự hào thay cho những thầy cô không kịp nhận phần vinh dự này.

Cuộc gặp mặt chính thức diễn ra trên chiếc thuyền lớn đi một vòng trên mặt hồ Tây bao la, ghé thăm viếng Phủ Tây Hồ… Bao nhiêu hồi ức thuở  xa xưa ào ạt trở lại được mọi người tranh nhau kể lại.

Những ngày đầu học tiếng Nga của chúng tôi mới lý thú làm sao. Trò chưa biết một chữ tiếng Nga, thầy cô không biết tiếng Việt, chưa có sách giáo khoa dạy tiếng Nga cho người Việt, chưa có từ điển tra cứu Nga – Việt, Việt – Nga. Dạy và học qua giáo cụ trực quan, tranh ảnh.

Cả hai bà giáo phát biểu đều nhắc đi nhắc lại một ý: Thuở ấy các thầy cô không chỉ dạy chúng tôi, mà học cả ở trò, để rồi từ đó bắt đầu hình thành được một phương pháp dạy tiếng Nga không chỉ cho người Việt Nam, mà cho người nước ngoài nói chung.

Xen vào những hồi ức là những giọng hát sôi nổi của nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, chuyên gia cao cấp Minh Trí… đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn đầy sức sống trẻ trung qua những khúc hát Nga thời trai trẻ: “Cuộc sống ơi, ta yêu người”, “Mệnh lệnh cho chúng ta lên đường”, “Nước Nga”, “Chiều Matxcơva”, “Đồi Lênin” v.v…

Cả thuyền sáu chục con người đều hưởng ứng, người quên lời cũng ê a theo, không thuộc cũng mấp máy môi vỗ nhịp…

Hai tiếng đồng hồ trên du thuyền trôi đi như một thoáng. Lên bờ, hơn năm chục những người dù đã lên hàng ông, bà, với những mái đầu tóc bạc trắng như đám trẻ 54  năm trước tíu tít quây quần quanh hai bà giáo chụp bức ảnh kỷ niệm. Liệu rồi đây còn có được một dịp nào như bữa nay?!

MỚI - NÓNG