Chuyện chỉ có ở Việt Nam: Dùng cuốc, xẻng để “trùng tu” di tích
Dùng cuốc, xẻng xô ngói rơi vỡ làm vỡ gãy các mảng chạm khắc. Cách trùng tu mà như phá bởi sự thiếu hiểu biết và cẩu thả như thế này cần phải nhanh chóng được chấn chỉnh để di sản cha ông không bị xâm hại.
Những người yêu mỹ thuật, kiến trúc cổ truyền hẳn không ai không biết đến cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh – huyện Bình Xuyên – tỉnh Vĩnh Phúc đã được xếp hạng di tích cấp Quốc Gia. Những ngôi đình to lớn, chạm khắc cầu kỳ tinh xảo, chứa đựng hồn cốt dân tộc đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt hơn 300 năm nay.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi chứng kiến đơn vị thi công thực hiện công việc hạ giải 1 cách thô bạo chưa từng thấy trong lịch sử trùng tu, những người viết bài này không biết phải diễn tả như thế nào về cảm xúc của mình ngoài hai chữ: Bàng hoàng!

Người ta hạ giải đình Tiên Canh bằng cách chưa từng có trên đời: từng người thợ leo trên nóc đình, cầm theo cuốc xẻng thực hiện việc hạ giải mái ngói của đình. Từng nhát cuốc, nhát xẻng bổ xuống mái đình tạo ra tiếng ầm ầm như công trường lao động. Những tiếng rầm rầm. Những viên ngói nhẽ ra phải được nâng niu tái sử dụng thì lại bị đập tả tơi, rơi ầm ầm xuống đình. Mái đình tan hoang.

“Đây là một sự mất mát lớn, không thể lấy lại được. Làm vậy những viên ngói cổ do người Hương Canh làm ra để lợp cho đình làng của mình sẽ bị vỡ vụn. Chúng tôi đã đến đình Tiên Canh nhiều lần và chụp rất kỹ các mảng chạm khắc trên kiến trúc để làm tư liệu nghiên cứu. Khi chụp ảnh, chỗ nào bị vướng màng nhện, bụi muốn vệ sinh nó chúng tôi cũng phải rất nhẹ tay để khỏi rơi rụng các mảng chạm khắc.
Vậy mà họ xả ngói xuống đình không thương tiếc như vậy quả nhiên là hành động tàn phá chứ không phải là hành động trùng tu di tích nữa. Có thể thấy người làm công tác trùng tu đình Tiên Canh không có chuyên môn, không tuân thủ quy trình trùng tu di tích”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL bức xúc nói.
“Cảnh người đứng trên ngói như thế khiến tôi cảm thấy đau lòng. Khi trùng tu thì người ta dùng phương pháp lợp mái để che di tích. Đó là phương pháp che chắn mưa nắng cho di tích. Ngói rơi rào rào như thế thì đây là bão ngói do con người tạo ra chứ không phải bão thiên nhiên. Nó kinh khủng hơn nhiều so với mưa và nắng”, ông Nguyễn Đức Bình bày tỏ.

Việc hạ giải như vậy không đúng với quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Ở đây là công nhân đã dùng xẻng, cuốc xô ngói từ trên mái đình rơi xuống đất làm vỡ ngói và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số mảng chạm khắc cổ và chi tiết kiến trúc, một số chi tiết kiến trúc không được đánh số rơi gãy ngổn ngang trên sàn đình lẫn ngói vỡ.


Theo VOV
Cùng chuyên mục

Phát hiện thi thể nữ giới buộc vào can nhựa trôi trên sông

Người dân TPHCM xúng xính xuống phố du xuân sớm

Cán bộ vi phạm xử lý 'không có vùng cấm, nhưng cũng rất nhân văn'

Nhộn nhịp chợ hoa tết lâu đời nhất Hà Nội

Ban Chấp hành Trung ương khoá XII báo cáo về công tác nhân sự khoá XIII

Cô gái đoàn tụ cùng gia đình sau 10 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

Mô hình Việt Nam được thế giới nhìn nhận là rất đặc biệt

Chuyện làm sạch tiền trong khu cách ly