Chuyện Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện xin sinh con ngoài giá thú

Chuyện Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện xin sinh con ngoài giá thú
TP - Một phụ nữ dân tộc Tày, đang là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện vùng cao Bắc Mê (Hà Giang) viết đơn xin sinh con ngoài giá thú là câu chuyện cảm động về niềm mong mỏi được thực hiện thiên chức làm mẹ…
Chuyện Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện xin sinh con ngoài giá thú ảnh 1

Chị Bình và bé gái Thiên Hà  
Ảnh: Đức Kế

Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ có khuôn mặt hiền lành, chân chất đặc trưng của vùng rẻo cao phía Bắc nhưng giọng nói với âm vực khá mạnh của chị khiến tôi thật sự ấn tượng.

Tuy nhiên, lý do tôi lặn lội cả trăm cây số đồi núi quanh co tìm gặp chị lại bắt nguồn từ những câu chuyện về chị mà tôi nghe được từ nhiều cán bộ tỉnh Hà Giang, trong đó có ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Mí Vàng. Chị là Nguyễn Thị Thanh Bình - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Bắc Mê.

“Không biết phải mất bao nhiêu đêm trắng, tôi mới có thể quyết định việc trọng đại nhất trong đời mình. Mình đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công tác Đoàn, Hội. Tưởng rồi cứ sống một mình với công việc cũng qua ngày đoạn tháng nhưng nào ngờ, càng có tuổi mình càng cảm thấy cô đơn”.

Chị bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi như thế, cuộc trò chuyện về quyết định sinh đứa con ngoài giá thú, với sự giằng co giữa những cái nên hay không nên, có hay không… Sự giằng co lớn nhất chính là cuộc đấu tranh giữa cương vị chị đang gánh vác và cuộc sống riêng tư.

Tháng 8/2006, chị được bầu giữ chức Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Bắc Mê. Trước đó, chị là Phó chủ tịch HĐND huyện. Trước đó nữa, chị là Phó chủ tịch Hội…

Nhậm chức Chủ tịch Hội được ít ngày thì sự trống trải trong chị càng tăng, nhất là những khi kết thúc công việc, về nhà chỉ còn lại mình với chính mình. Và dù đã 45 tuổi, chị quyết định sinh một đứa con.

Với ý thức của một đảng viên, Ủy viên BCH huyện ủy, lại là người đứng đầu của tổ chức Hội trong huyện nên chị hiểu nếu không được sự đồng tình của cấp ủy và cơ sở thì việc sinh con sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức và ngay cả cuộc sống hàng ngày, rồi sự đàm tiếu có thể kéo dài…

Chị Lò Thị Mỷ - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang: “Chị Bình thể hiện là một người phụ nữ viết hoa”

Quyết định của chị Bình khiến những người Phụ nữ như chúng tôi rất cảm động.

Từng có thời gian học cùng chị Bình nên tôi hiểu chị. Đó là người rất có trách nhiệm trong công việc; trung thực, thẳng thắn và đàng hoàng trong cuộc sống.

Việc chị quyết định sinh con (dù không có chồng) càng thể hiện chị là người Phụ nữ viết hoa. 

Chị bắt đầu cầm bút khi đêm đã về khuya, với những dòng chữ nắn nót: Bản thân tôi năm nay đã 45 tuổi, công tác được 25 năm liên tục. Trong quá trình công tác, tôi luôn phấn đấu, vừa công tác vừa học tập, luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Đến nay, do điều kiện công tác và nhiều yếu tố khác nên tôi vẫn chưa xây dựng gia đình được.

Nguyện vọng của tôi trong lúc này là chỉ mong muốn được thực hiện quyền lợi của người phụ nữ, với thiên chức làm mẹ. Tôi muốn sinh một đứa con để động viên, an ủi tinh thần và để có nơi nương tựa sau này, nhất là lúc tuổi già sức yếu...

Đơn được gửi đến Huyện ủy Bắc Mê, Ban thường vụ Hội LHPN Hà Giang, Ban nữ công Liên đoàn lao động huyện Bắc Mê, Ban nữ công Liên đoàn lao động tỉnh Hà Giang…

Trong đơn, ngoài việc đề nghị các cơ quan trên bảo vệ quyền lợi cho mình, chị còn rất cẩn trọng hứa rằng "sẽ không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác…".

Sự cẩn trọng là một đức tính nổi trội ở chị. Tôi biết được điều này vì hầu hết những người đã từng gắn bó với chị trong công tác cũng như trong cuộc sống hằng ngày mà tôi đã gặp đều nói về chị như vậy.

Thế nhưng, lá đơn của chị vẫn tạo ra một cú sốc. Tiếng ì xèo cứ râm ran khắp xóm trong ngõ ngoài. Cái thị trấn Bắc Mê nhỏ bé nhiều lúc như vỡ tung. Người đồng tình ủng hộ, kẻ gièm pha, chế giễu. Có đêm chị nằm ôm gối khóc…

Dòng sông của giờ Ngọ hôm Rằm

Tiếng ì xèo sẽ kéo dài mãi hoặc sẽ kết thúc khi đứa bé chào đời. Với chị, điều đó giờ đây không quan trọng nữa, bởi chị chỉ nghĩ có con người là có tất cả!

Vì trước khi lên gặp chị đã được nghe nhiều người nói về chị với hình ảnh một phụ nữ hiền hậu, hết mình vì công việc nên tôi không khỏi thắc mắc về chuyện tình yêu của chị thời mười tám đôi mươi.

Trong câu chuyện phấp phỏm của chị, thấp thoáng đâu đó tôi đã thấy ánh lên những tia sáng quanh chuyện tình yêu ở tuổi thanh xuân, khi còn học bổ túc, rồi học trường Cán bộ Hội Phụ nữ trung ương ở Hà Nội hay khi mới về nhận công tác ở Vị Xuyên (Hà Giang).

Những tình yêu trong sáng đó đã để lại kỷ niệm đẹp trong ký ức của chị. Cái ý nhiều yếu tố khác nên chưa xây dựng gia đình được mà chị viết trong đơn xem ra còn nhiều trắc ẩn.

Ông Vương Mí Vàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: “Chúng tôi ủng hộ quyết định của chị Bình”

Tôi được phân công phụ trách một số huyện, trong đó có Bắc Mê nên rất hiểu cán bộ, trong đó có chị Nguyễn Thị Thanh Bình.

Cách đây hơn 1 năm, tôi có nghe Thường vụ Huyện ủy báo cáo về việc chị Bình xin sinh con ngoài giá thú.

Đây là trường hợp đầu tiên ở Hà Giang, một nữ cán bộ chưa có chồng, viết đơn xin cấp ủy và cơ quan cho phép sinh con.

Dù là với tư cách lãnh đạo hay cá nhân thì tôi cũng ủng hộ việc làm của chị Bình. Bởi, việc chị sinh con được pháp luật cho phép; hơn nữa, chị đã rất can đảm và điều đó thể hiện bản tính muôn đời của người phụ nữ là mong muốn được làm mẹ - một thiên chức cao cả.

Việc làm của chị rất chính đáng. Và đó cũng là quyền của chị, của một người phụ nữ.

Sau khi biết sự việc, tôi cũng đã báo cáo với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí này cũng ủng hộ.

Nhưng đoạn phim kể về tuổi thơ buồn đau của chị mà chưa chàng trai nào có thể cùng chia sẻ chính là điều cốt cán trong nhiều yếu tố khác ấy.

Mẹ mất lúc chị 3 tuổi. Sau đó không lâu, bố cũng ra đi. Những hôm dầm sương dãi nắng đến trường huyện, rồi lần bố cưỡi ngựa đưa con xuống trường tỉnh với mong muốn cô con gái yêu trở thành một cán bộ tốt… khiến chị phải phấn đấu trưởng thành.

Sự phấn đấu trong công việc mang về cho chị một bộ sưu tập bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua các cấp mà nếu liệt kê chắc hết vài ba trang giấy.

Bảng thành tích đó chị kể không tâm trạng như khi kể về sự ra đời của đứa bé mà chị đang ẵm trên tay.

Ngày 3/3/2007, sau cơn đau dữ dội, người ta đưa chị vượt quãng đường xa xôi xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chẩn đoán, các bác sĩ xác định đây là ca đẻ khó nên phải mổ.

Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) hôm Rằm (Rằm tháng 2), các bác sĩ đã can thiệp thành công ca đẻ mổ, mẹ tròn con vuông. Bé gái nặng ba cân rưỡi chào đời.

Khi tỉnh dậy, bế cháu, mình vẫn còn run vì hạnh phúc. Sinh vào giờ Ngọ, hôm Rằm, chắc sau này không phải vừa đâu… Chị vừa nựng con vừa như nói với tôi.

Các bác sĩ Khoa phụ sản kể lại, do chị tuổi đã cứng, trong quá trình mang thai lại không kiêng cữ được nhiều, vẫn làm việc liên miên nên rất khó sinh. Nếu chậm can thiệp thì sẽ ảnh hưởng tính mạng cả hai mẹ con. Rất may, điều đó đã không xảy ra… - Chị Bình thở phào.

Chị kể: “Biết tin tôi sinh con, nhiều người đã đến tận bệnh viện thăm, động viên. Bác Châm (Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang - PV), rồi vợ bác Tô (Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh) cũng đến và ủng hộ tôi. Trước đó, khi biết tin tôi mang thai, chị Hà Thị Khiết (Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) cũng đã gọi điện động viên…”.

Hôm tôi lặn lội lên thăm chị, cháu bé đã bước sang tháng tuổi thứ ba, kháu khỉnh, dễ thương.

Chị nói: Đã mường tượng ra niềm hạnh phúc khi làm mẹ nhưng đúng là đến lúc mẹ tròn con vuông mới cảm thấy hết thiên chức làm mẹ của một người phụ nữ. Cũng từ lúc bé được sinh ra, những dị nghị về chị đã lùi vào dĩ vãng, ít nhất là trong suy nghĩ của chị.

Giờ thì ngoài công việc chị lại lọ mọ một mình nuôi con với tất cả sự yêu thương. Chị đã chọn cho con gái bé nhỏ của mình cái tên Nguyễn Thị Thiên Hà.

Chị lý giải Thiên Hà là dòng sông của trời đất. Người Tày quan niệm, hạnh phúc bắt đầu từ dòng sông, dòng sông do trời đất sinh ra. Vì thế, dù ở đâu, người Tày vẫn bám trụ quanh các dòng sông, khe suối để sinh sống và lan tỏa

Tôi hiểu điều đó, nhất là khi nghe chị nựng con bằng câu hát ru: “Con sinh ra như dòng sông/Dòng sông chảy mãi không thôi/Dù cho bên lở bên bồi/Con sinh ra như dòng sông…”.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.