Chuyện chưa kể về ca phẫu thuật nối bàn tay cháu Bích

Chuyện chưa kể về ca phẫu thuật nối bàn tay cháu Bích
Trong suốt quá trình mổ, các bác sĩ phải đứng liên tục hơn 10 tiếng, phải nhịn đói và dĩ nhiên, không chỉ mệt mỏi mà còn cực kỳ căng thẳng. Nhưng ai nấy đều rất hạnh phúc, khi ca phẫu thuật đã kéo dài từ 13h đến 24h mới hoàn tất, với biết bao khó khăn, thách thức, cuối cùng đã thành công như mong đợi.

 > Cháu bé bị chém đứt tay kể lại vụ cướp vàng

Trong khi lực lượng công an đang khẩn trương điều tra, khám phá vụ án cướp của, giết người tại tiệm vàng Ngọc Bích (khu vực chợ Sàn, xã Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang), thì các thầy thuốc ở Bệnh viện Việt - Đức, "anh cả" của lĩnh vực ngoại khoa ở Việt Nam cũng khẩn trương điều trị, chăm sóc cháu Trịnh Ngọc Bích, 8 tuổi, nạn nhân duy nhất còn sống sót trong vụ thảm sát gây chấn động dư luận này.

Sức khoẻ cháu Bích tiến triển tốt sau ca đại phẫu nối bàn tay bị bọn cướp chặt đứt. Ảnh: NLĐ
Sức khoẻ cháu Bích tiến triển tốt sau ca đại phẫu nối bàn tay bị bọn cướp chặt đứt. Ảnh: NLĐ.

Đến 29 - 8, theo các bác sĩ của Bệnh viện Việt - Đức, ca phẫu thuật nối bàn tay cho cháu Bích đã thành công mỹ mãn. Sức khỏe của cháu đang dần hồi phục.

Sau chuyến công tác từ Hà Tĩnh trở về, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, phấn khởi cho biết: Sức khỏe của bé Trịnh Ngọc Bích đã cơ bản được phục hồi. Bàn tay được nối ghép của cháu đã thành công mỹ mãn, nên đã cử động được. Sáng 29 - 8, các y tá đã cho cháu ăn cháo, thay vì chỉ uống sữa được như những ngày đầu. Chỉ một ngày sau khi được phẫu thuật, cháu đã giao tiếp được.

Kết quả này là một thành công lớn của Bệnh viện Việt - Đức, chỉ sau 5 ngày. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn còn nguyên niềm xúc động khi nhớ lại tình trạng vào viện của cháu Trịnh Ngọc Bích:

Vào lúc 13h ngày 24 - 8, cháu Bích được đưa vào viện trong tình trạng rất thương tâm. Tay trái của cháu bị chặt lìa, tay phải bị nhiều vết chém lóc cơ cùng một vết chém sâu trên mặt, từ chân tóc đến môi dưới, một vết chém bể thái dương, hở xương sọ. Cháu bị hoảng loạn, mạch rất yếu và mất máu nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ phẫu thuật có tay nghề và giàu kinh nghiệm được huy động tham gia cấp cứu cháu.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết tâm sự: "Khi nghe câu chuyện đau lòng về cháu bé, biết cả gia đình cháu đã mất hết, chỉ còn cháu là người duy nhất sống sót, nên tôi càng quyết tâm bằng mọi cách phải cứu sống cháu. Thông điệp này không chỉ riêng tôi, mà tất cả các bác sĩ cứu cháu hôm đó đều thấu hiểu, bằng trái tim nhân văn và sự sẻ chia sâu sắc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng biết rằng, giờ đây, cháu bé là nhân chứng đặc biệt quan trọng trong vụ án này, vì thế, bệnh viện đã có cố gắng tối đa để cứu chữa".

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Việt - Đức phẫu thuật 150 ca, nên kinh nghiệm của các bác sĩ ở đây là điều không có gì phải lo lắng. Nhưng trong trường hợp này có không ít khó khăn, khi cháu bé còn nhỏ, lại vừa phải trải qua cơn chấn động tinh thần quá lớn, mạch và huyết áp đều tụt, khiến cháu chìm trong trạng thái lơ mơ. Gần 10 thầy thuốc được huy động cho 3 kíp mổ, đã cùng một lúc tiến hành phẫu thuật cho cháu.

Mặc dù công tác cấp cứu ban đầu của các bác sĩ ở Bệnh viện Bắc Giang và lực lượng Công an được làm rất tốt, nên bàn tay bị đứt lìa của cháu đã được bảo quản trong hộp đá đúng quy trình, nhưng khi đến Bệnh viện Việt - Đức, thì đã 7-8 tiếng, quá thời gian quy định chỉ là 6 tiếng, nên các bác sĩ rất lo lắng về khả năng thành công.

Hơn nữa, việc nối vi phẫu cực kỳ phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có kĩ thuật rất cao mới làm nổi. Mạch máu, dây thần kinh ở trẻ đều rất nhiều và lại quá nhỏ, tĩnh mạch của trẻ lại mỏng nên dễ bị rách, phải dùng kính phóng to lên mới phẫu thuật được. Bởi thế, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh, cũng tạo nên những áp lực không nhỏ cho các bác sĩ.

Bên cạnh đó, ca phẫu thuật còn đòi hỏi bệnh viện phải tổ chức tốt việc phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa các kíp mổ. Số lượng bác sĩ được huy động cho ca phẫu thuật lên tới gần 20 người cùng các máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất.

TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, người đang ấp ủ nhiều dự định tốt đẹp cho các em nhỏ, đặc biệt là việc tái tạo bộ phận sinh dục trẻ em cùng với vị bác sĩ phẫu thuật hàng đầu và duy nhất trên thế giới về lĩnh vực này - bác sĩ Roberto DeCastro, được tin cậy giao trực tiếp nối bàn tay cho cháu Bích.

Các thầy thuốc cứu chữa cho cháu bé không chỉ bằng kỹ thuật y khoa, mà còn bằng cả tình người, là mệnh lệnh thiêng liêng từ trái tim. Trong suốt quá trình mổ, các bác sĩ phải đứng liên tục hơn 10 tiếng, phải nhịn đói và dĩ nhiên, không chỉ mệt mỏi mà còn cực kỳ căng thẳng. Nhưng ai nấy đều rất hạnh phúc, khi ca phẫu thuật đã kéo dài từ 13h đến 24h mới hoàn tất, với biết bao khó khăn, thách thức, cuối cùng đã thành công như mong đợi.

Để động viên và khen thưởng kịp thời các bác sĩ đã tham gia các kíp mổ, mà sự thành công đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ngay sáng 25 - 8, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức quyết định thưởng 10 triệu đồng cho các thầy thuốc đã góp phần làm nên niềm tin yêu của nhân dân với bệnh viện.

Chăm sóc đặc biệt

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết không giấu niềm tự hào về tay nghề của đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện ông, khi ông cho biết, mỗi ngày, Bệnh viện Việt - Đức có 40-45 bác sĩ trực ở các lĩnh vực, đều là những người rất giỏi, nên trong mọi hoàn cảnh, ông đều có thể tin tưởng. Mặc dù thế, với trường hợp này, ông cũng khó tránh khỏi thấp thỏm, lo âu, vì cháu còn quá nhỏ.

Ngày nào, ông cũng trực tiếp đến thăm cháu Bích vài lần, để thăm hỏi, động viên cháu và nhất là, theo dõi diễn biến sức khỏe của cháu để có chỉ đạo xử lý kịp thời. Đi công tác, ông vẫn đều đặn gọi điện về, để nắm bắt kịp thời tình hình sức khoẻ của cháu bé. Các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật cũng thường xuyên có mặt bên cháu, ít nhất 3-5 lần/ngày, để săn sóc bệnh trạng, cũng như biết được từng thay đổi nhỏ về các vết mổ của cháu.

Bệnh viện đã dành cho cháu Bích một chế độ chăm sóc đặc biệt. 24/24h, cháu được các bác sĩ, y tá lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh thân thể. Các thầy thuốc còn quan tâm động viên tinh thần cho cháu, để cháu sớm qua được cú sốc vừa gặp phải.

Được chăm sóc tận tình, chu đáo, các vết thương trên người cháu đang hồi phục nhanh chóng. Ban Giám đốc Bệnh viện cũng bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cháu.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết thêm: Đến hôm nay có thể khẳng định, vết thương nặng nhất của cháu Bích là cánh tay bị chém lìa, đã được phẫu thuật thành công mỹ mãn. Với tình trạng sức khỏe ổn định như hiện nay, không bao lâu nữa, cháu sẽ được ra viện.

Theo Thanh Hằng - Phan Hoạt
Công an nhân dân

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG