Chuyện có một không hai về ông Bửu Huy

Chuyện có một không hai về ông Bửu Huy
TP - Niềm vui vỡ oà khi ông Bửu Huy được toà án Bỉ tuyên bố không bị dẫn độ sang Mỹ  và trả tự do sau 5 tháng bị tạm giam. Hôm qua 10/10, ông  Huy đã về tới Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình.

Không có từ nào có thể diễn tả được niềm vui sướng của ông Bửu Huy khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, rồi bay tiếp tới TP HCM để trở về ngôi nhà thân thương của mình.

Đến giờ  ông  mới thấy thấm thía hai chữ “tự do”. Ông không thể tin rằng mình đã được trở về với đất mẹ sau gần 5 tháng trời bị tạm giam nơi đất khách quê người.

Ông Bửu Huy cho biết, có được sự trở về này phải kể đến sự giúp đỡ tận tình của Bộ Ngoại giao, Bộ Thuỷ sản, Hiệp hội chế biến thuỷ sản, các hiệp hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ…

Dù được trả tự do tại Bỉ, nhưng chặng đường từ Bỉ về Việt Nam, ông Huy cũng phải hết sức thận trọng vì theo luật pháp quốc tế ông vẫn có thể bị bắt giữ tại bất kỳ chặng dừng chân.

Do đó, các cơ quan của Việt Nam đã phải tính toán kỹ lưỡng cho từng đường đi nước bước của ông Huy. Bởi bảo vệ cho ông cũng chính là bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của một công dân Việt Nam. Vì thế, hành trình của ông Huy là bay từ Bỉ sang Nga rồi về Việt Nam.

Cũng hiểu được phần nào nỗi lo của bà Phan Thúy Thanh - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, người đã tranh đấu không mệt mỏi để bảo vệ quyền lợi của một công dân Việt Nam, ngay sau khi đặt chân tới sân bay Nội Bài, ông Huy đã gọi điện sang Bỉ báo tin cho bà Thanh và gửi lời cảm ơn chân thành tới bà và các nhân viên của Đại sứ quán.

“Một sự nhầm lẫn đáng tiếc, ông Huy khẳng định. Và sự lầm lẫn nhất của phía Mỹ là họ  kết tội cho tôi mà không hề có điều tra cũng như không cho tôi cơ hội giải trình”.

Ông Huy hy vọng khi về Việt  Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết vụ việc này ở Mỹ và  buộc họ phải rút lại những cáo buộc đối với ông.

Sau chuyến trở về này, ông sẽ cùng luật sư thu thập những chứng lý để giải trình. Ông cho biết, ông là người luôn tôn trọng luật pháp. Mặc dù mỗi nước có luật của mình, nhưng cần phải áp dụng theo luật quốc tế mới đảm bảo tính công bằng. Ông Huy khẳng định: “Tôi  sẽ đề nghị họ phải  xin lỗi bởi đây là sự hiểu lầm lớn”.

5 tháng tạm giam - Điều chưa từng có ở Bỉ

Chuyện có một không hai về ông Bửu Huy ảnh 1

Năm tháng tạm giam tại nhà giam Forest, Bỉ được coi là chuỗi ngày dài đằng đẵng nhất trong  cuộc đời doanh nhân Nguyễn Bửu Huy. Đây cũng là trường hợp đặc biệt đầu tiên tại đây. Bởi thời gian tạm giam lâu nhất ở đây là 1 tháng.

Mọi chế độ quản lý tại nhà tù này đều theo trình tự bất di bất dịch. Tất cả mọi người đã vào đây, không cần biết là phạm tội gì, đều chịu sự quản thúc cũng như các chế độ  ăn uống, nghỉ ngơi như nhau.

Ông Huy nói vui theo đúng thuật ngữ kinh tế: “Họ cứ theo “ISO” nhà tù mà làm”. Thời gian tạm giam 5 tháng được coi là chưa từng có tại nhà giam này và ông được coi là “tù nhân đặc biệt”.

Ông kể: “Mỗi ngày, họ phát đồ ăn vào ba buổi: 7 giờ sáng, 12 giờ trưa  và 9 giờ tối .Cứ 10 giờ tối là các phòng đều bị khoá trái. Hầu như không được đi đâu, chỉ  được đi bộ vào buổi sáng.

7 giờ sáng hàng ngày, tất cả bị khua dậy nhận đồ ăn, đồ uống (cà phê). Mà 7 giờ sáng ở Bỉ thì trời vẫn còn tối om om, 10 giờ mới hưng hửng sáng.

Hầu hết, mọi tù nhân đều ngủ vùi đến 9 - 10 giờ mới dậy. Trong buổi sáng, ai thích đi bộ thì đi bộ. Nhiều tù  nhân vào đây đều cảm thấy chán chường, chẳng ai thiết  đi bộ.

Tôi  không cho phép mình được nản chí bởi bên cạnh tôi bây giờ còn rất nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam đang nỗ lực tranh đấu cho mình... Bởi vậy, thay vì ngủ vùi như những bạn tù  khác, tôi tranh thủ ra ngoài để gặp gỡ, chuyện trò và để hiểu thêm tình hình”.

Ông Huy được bố trí sống trong một phòng giam rộng chừng 9 m2 cùng hai người khác. Cũng có nhà vệ sinh ngay trong phòng, nhưng rất đơn sơ, chỉ là một cái hố nước thải và  có một tấm ván đậy lên.

Những người cùng phòng với ông luôn thay đổi bởi chỉ một thời gian ngắn họ lại được ra, thay vào đó lại là một người khác. Còn ông vẫn phải nằm đó chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi.

Được trả tự do là niềm vui khôn xiết không những của bản thân ông  Bửu Huy mà của tất cả những người đã không quản ngại khó khăn luôn sát cánh bên ông, nhưng nỗi lo vẫn còn đè nặng phía trước. Liệu ông Huy có đủ chứng lý để buộc phía Mỹ huỷ bỏ những cáo buộc phi lý kia và biết bao doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự bất bình đẳng khi ra “đấu trường” quốc tế?

* Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP): “Tôi rất mừng vì cuối cùng ông Bửu Huy đã được trả tự do và trở về Việt Nam an toàn. Ít nhất là theo luật pháp Bỉ, phía Bỉ đã tán thành việc ông Huy không thể bị dẫn độ về Mỹ”.

Bà Phan Thuý Thanh, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ cho biết: “Việc ông Bửu Huy được trả tự do là nỗ lực lớn của toàn thể nhân viên Đại sứ quán và các bộ ngành liên quan của Chính phủ Việt Nam. Tôi cũng hồi hộp dõi theo từng bước chân của ông Huy trở về Việt Nam. Và khi biết tin ông Huy đã trở về Việt Nam an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

* Ngày 10/5 khi ông Bửu Huy (Phó GĐ Cty NXK Nông sản thực phẩm An Giang) đang cùng đại diện các doanh nghiệp thuộc VASEP tham dự Hội chợ Thuỷ sản quốc tế châu Âu, tổ chức tại Brussels, Bỉ thì bị nhà cầm quyền Bỉ bắt giữ theo yêu cầu của Văn phòng Chưởng lý quận Bắc, bang Florida (Mỹ).

Lý do, 4 công ty của VN (trong đó có Afiex) và cá nhân ông Bửu Huy bị nghi ngờ đã có hành vi gian lận thương mại trong việc buôn bán sản phẩm cá giữa VN và Mỹ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.