Chuyện Cô Tô, Kỳ III: Nghĩ thêm về những mảnh ruộng hoang

Góc Cô Tô. Ảnh: XB
Góc Cô Tô. Ảnh: XB
TP - Một buổi cứ tha thẩn bên vài thửa vườn um tùm, nhưng là vườn hoang, vắng chủ. Vườn ấy có từ mấy chục năm trước. Chủ nhân là những hộ người Hoa. Những gốc nhãn, gốc chay vậm vạp lực lưỡng đã mốc thếch, đã rêu phong.  

Ngồi với ông The người Kiến An ra Cô Tô từ năm lâu cùng mấy chục hộ dân Hải Phòng, kể chuyện. Ngôi nhà ông The thuộc loại hiếm còn sót lại là nhà của một hộ người Hoa. Xây cất ngó là lạ. Không hiểu sao ông The không sửa sang gì, có lẽ nhà vẫn bền qua bao mưa nắng. Duy mái ngói không còn thứ âm dương xửa xưa như Nguyễn Tuân nói là hòn cái xoắn lấy hòn đực mà thay bằng loại mới. Câu chuyện với chủ nhà cứ dài mãi ra về cái ngày mới định cư ở Cô Tô.

Nhất là cái nết, cái nếp lam làm cần cù, khéo tay của bà con người Hoa. Ông The không gặp chủ vì họ đã bỏ đi rồi còn đâu. Nhưng vẫn nguyên vẹn đây những sân phơi, vườn tược, những dấu vết của một hộ nông dân cỡ khá giả. Quanh nhà bời bời ngút ngàn rau màu. Họ bới đất lật cỏ chẳng để hoang tẹo nào. Tạm coi ông The là thế hệ người Cô Tô thứ hai vậy. Ông The cũng noi cái nết lam làm ấy nhưng có lẽ đến thế hệ các con ông thứ 3 thứ 4 gì đó thì nết ấy có lẽ sắp tuyệt chủng? Chả phải lười mà là duyên do khác?

Chỉ tay về phía mấy đám ruộng cữ này phải là sắc xanh ve vé của lúa thì con gái hay rau màu nhưng đang hoang hoải hỗn tạp thứ cỏ dại, ông The cho hay chủ nhân của nó đang mải mốt làm dịch vụ du lịch. Cái nạn trả ruộng, bỏ ruộng có mà khối trong kia, ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ở khu Tư… Bấm sơ sơ nhẩm trên ngón tay bài tính là nhỡn tiền ngay thôi! Nào là những cật lực cày bừa cấy hái, chi phí phân gio, giống má…

Vài tạ thóc một sào coi như lỗ. Chi bằng đôn đáo đâu đó kiếm việc gì mà làm hoặc đi làm thuê, công xá cũng gấp hai ba lần việc chăm bẵm một sào ruộng. Mừng cho Cô Tô, thời tôi ra năm 1998, nghị quyết Đảng bộ huyện ghi rõ phải phấn đấu mỗi người dân Cô Tô phải cõng ba, bốn khách du lịch. Nhưng bây giờ tỷ lệ ấy đâu như một trên mười mấy rồi? Doanh thu du lịch đạt trên 70 tỷ.

Dịch vụ cho du lịch Cô Tô có mà ối. Chèo thuyền nhỏ. Mở quán trà. Cơi nới xăm xắn nhà cửa sao đó để có vài du khách dạng homestay. Chạy xe điện, xe ôm… Lao động Cô Tô đâm hiếm. Bữa mới ra ngồi chuyện với ba cô người Nghệ đương chạy bàn cơm nước cho một quán ăn. Quán thuê đã hai năm. Cơm nuôi lương hơn bốn triệu/ tháng. Anh chàng Hoàng chạy xe điện đưa chúng tôi rong từ đầu đến cuối đảo công xá giá cũng mềm, hai trăm  ngàn. Hoàng mời ghé khách sạn tư nhân mới mở hai năm nay.

Tọa lạc trên khu đất đẹp bài trí khá bắt mắt cây cối hoa lá. Cả năm phòng đều đang có khách Tây trú giá đâu gần triệu/phòng. Vợ Hoàng lo chuyện cơm nước luôn cho khách. Hoàng từng bỏ Cô Tô đi làm ăn xa tận Sài Gòn, Nha Trang. Dần dà Cô Tô mở ra vận hội du lịch, Hoàng về đảo quê. Chút vốn giắt lưng cải tạo lại nhà làm khách sạn. Đang tính phải thuê người làm vì hai vợ chồng cũng bấn. Tôi hỏi Hoàng mai kia quy hoạch Cô Tô lớn đây sẽ là sân bay, khu khách sạn này khác thì nhà có bị phá? Hoàng cười: Cháu coi kỹ nghe kỹ rồi không sao. Mà cái thứ homsetay be bé như của cháu thì thời nào cũng chả lạc hậu!

Chuyện Cô Tô, Kỳ III: Nghĩ thêm về những mảnh ruộng hoang ảnh 1 Hoang hoải đồng muối xưa. Ảnh: XB

Đường bê tông rằng rịt quanh đảo, xuyên đảo nên thứ xe điện sáu chỗ ngồi của Hoàng đâm đắc dụng. Cô Tô có hàng trăm xe điện tư nhân như thế. Xe Hoàng sà bên một đám ruộng đang sắp bùng nở thứ giống hoa vàng trên cỏ xanh mà tôi thấy ở vùng miền Trung Phú Yên. Đẹp không chú? Nãy giờ chú cứ than mấy đám ruộng bỏ hoang nhưng mai kia dân ở đây đang tính nhân đại trà thứ hoa này và vài giống hoa dại khác. Đẹp đã đành nhưng không phải ngắm suông mà cho thuê! Cứ quay vòng quanh năm phục vụ du khách lại chả lãi bộn hơn trồng lúa với khoai?

Xe Hoàng lại cua một vùng bát ngát thứ cỏ năn hoang. Hỏi ra, đó là cánh đồng muối nổi tiếng ngày xưa của Cô Tô. Ngó lại sử Cô Tô. Năm 1963 Trung ương đã phê duyệt cho Hải Ninh xây dựng đồng muối Cô Tô gần 300 ha và đưa vào sử dụng năm 1964. Đây là cơ sở sản xuất muối tập thể lớn nhất của Hải Ninh với công suất hơn 1.700 tấn/ năm. Hạt muối Cô Tô cũng là bàn tay chai sạn thuần thục nghề muối của bà con cần mẫn làm ra. Năm 1978 người Hoa bỏ đi hết, những ô, nề, chạt… chẳng bao lâu  đã  nhú, nhuốm thứ cỏ hoang.

Tôi đã ngồi với vợ chồng ông Vĩnh. Đầu năm 1980, từ đồng muối Thái Thụy, Thái Bình, như nhiều gia đình khác ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình… ông cùng vợ tên Dung và gia đình đi định cư ở Cô Tô. Thế là may mắn, Cô Tô tình cờ vớ được một chuyên gia làm muối! Vợ chồng ông Vĩnh tuyển được 20 lao động đã quen với nghề muối bắt tay vào để khai khẩn lại cánh đồng muối Cô Tô có nguy cơ hoang hóa. Tất nhiên HTX muối của vợ chồng ông Vĩnh, sản lượng làm ra mỗi năm chỉ hơn 60 tấn, chỉ là bỏ bể so với sản lượng thịnh vượng hồi trước. Nhưng hạt muối Cô Tô hồi sinh trong thời gian khó ấy rất có giá trị. Vợ chồng ông và HTX liên tục được biểu dương. Cái hạt muối Cô Tô nó lạ lắm anh! Con cá, con mực, con tôm Cô Tô rất bắt với chất muối ở chính Cô Tô này nên nó ngon đậm hơn hẳn dùng với muối nơi khác. Vịn nước mắm chế từ cá muối Cô Tô nó cũng đậm đà…

Hồi ức của vợ chồng ông kết thúc bằng cái thở dài… Chẳng phải do vợ chồng ông cùng xã viên bỏ bê gì mà thủ phạm chính là con đê quai phía ngoài kia đã ngăn đã chặn bớt chất mặn nồng nàn của bể khơi Cô Tô nên những mẻ muối dần dà bị hỏng. Trong câu chuyện, ông Vĩnh cũng là người thức thời. Sinh kế của gia đình ông không phải là bấn bách lắm? Rằng cánh đồng muối Cô Tô mà vợ chồng ông cùng bà con xã viên đã từng nhỏ những giọt mồ hôi tất tả ấy dường như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử? Để diện tích ấy sắp phải nhường chỗ cho một quy hoạch lớn của du lịch Cô Tô. Cánh đồng muối ấy có thể mai kia sẽ là sân bay hoặc một thị trấn biển sầm uất hoặc sẽ sân Golf. Nhưng dù sao thi thoảng đêm đêm nghe sóng biển Cô Tô ì ầm ngoài con đê quai kia vợ chồng ông lại dậy lên nỗi nhớ… muối!

(Còn nữa)

Tôi chú mục lâu hơn sắc xanh hoang hoải của đám năn lác trên cánh đồng muối. Cũng như buổi trưa ấy xoải mình lâu hơn trên cát mịn nguyên thủy ở bãi tắm của đảo Cô Tô con. Để gẫm để thấm và nhớ lâu hơn những sắc màu cùng mùi vị hoang dại như một thứ gam màu giao thừa của một Cô Tô đang chuyển sang một vận hội mới? Vận hội của thời Cô Tô làm du lịch sinh thái!

MỚI - NÓNG