Chuyện của người cho mượn kho báu

Chuyện của người cho mượn kho báu
TP - Một người đứng trong đội hình những “người cõng trống cổ bước lên ngày hội lớn” kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi là nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử với bộ sưu tập khổng lồ đang chờ đón du khách.

“Qua cuộc trưng bày lần đầu tiên này, mới thấy tiềm năng trong nhân dân quá lớn”- Ông Nguyễn Tiến Đà- Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội khoe về những cổ vật quý sẽ trưng bày ngày 6-10.

Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 1


Kho báu đồng và gốm sứ

Như cách dùng từ của nhà văn Đỗ Chu thì đây là cuộc chuẩn bị “lắm kỳ công và nhiều ngẫu nhĩ”. Với sự hiện diện không chỉ của những chiếc trống cổ mà còn là cực kỳ phong phú những đồ đất Lý, đồ đồng Lý- Mạc, đồ đồng Đông Sơn, gốm sứ Bát Tràng. Riêng đồ đồng Đông Sơn có đủ trống đồng, đồ gia dụng như thạp đồng, dao, rìu…

Trong không gian rộng lớn ở tầng ba của bảo tàng, ông Nguyễn Đình Sử cùng cộng sự tự bài trí kho báu của mình một cách khoa học. Chắc chắn nhiều người sẽ dùng từ “choáng” và khó tránh khỏi bần thần.

Chủ đề của cuộc triển lãm, theo ông Sử, trải dài theo đất nước, từ buổi đầu lập quốc. Thời kỳ rất xa đất nước ta đã có một nền văn hóa với đồ đất Đông Sơn. Tương đương với đồ Phùng Nguyên thế kỷ 5 hay thế kỷ 3. Mà văn hóa Đông Sơn đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Vì trên thế giới có một thứ đồ đồng là đồ đồng Thương Chu của Trung Quốc, rơi vào khoảng thế kỷ 7, 8 trước CN. Nhưng đồ đồng Thương Chu đã được các nhà khảo cổ và khoa học khai thác hết, chưa có phát hiện mới. Còn văn hóa Đông Sơn làm thế giới kinh ngạc. “Vì nó có tính khu biệt”.

Ông Sử nói nhiều về tính khu biệt. Với những “vấn đề” như cổ vật, tốt nhất là ta vừa nghe vừa ngắm, vừa phân vân đoán định. Với những nhà sưu tầm, nhà thuyết minh hắc xì dầu như Nguyễn Đình Sử, bạn còn bắt gặp những lời thách đố kiểu “đi mà tự đặt tên cho cổ vật. Bạn gọi đó là cái bát nhưng người khác gọi là cái âu thì sao. Và tôi cũng không đề niên đại niên điếc gì cả”, “Đẹp hay xấu, giá trị hay không còn ở kiến thức, trình độ mỹ học của mỗi người, mà cái đó ông trời khắt khe, cho mỗi người ít lắm”.

Ông cũng không thích nói đến trị giá từng món đồ theo kiểu “qui ra thóc”. Ông thừa nhận mua phải đồ giả cũng nhiều, đã là dân chơi thường không bài học nào giống bài học nào bởi “giữa kho phế liệu và bảo tàng cổ vật là ranh giới mập mờ”.

Theo dân chơi Nguyễn Đình Sử, tạo hình trong cổ vật là quan trọng nhất, không phải cứ hoành tráng mới giá trị. Sau đó là tính khu biệt- “Mười ông chơi cổ vật mà đồ giống nhau cả mười thì nói làm gì”. Cho nên ông tự hào về chiếc lư hương Bát Tràng niên đại thế kỷ 15, thuộc hàng quí nhất về đồ Bát Tràng- “người chơi đồ Bát Tràng ai cũng thèm muốn nó”. Còn bản sắc ư? “Cái vật kia, bên trong nó là cốt xỉ cốt than cốt đất đen thui, nhưng thế mới là Việt Nam, có bản sắc riêng ngôn ngữ riêng của gốm sứ. Nếu là đồ Trung Quốc thì bên trong gốm là sành”.

“Dải kinh tế của nước Việt cổ”

PGS- TS Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học dùng từ “quý hiếm” để đánh giá bộ sưu tập tiền cổ của ông Nguyễn Đình Sử: “Có những đồng tiền thuộc diện cực hiếm mà ngay cả bảo tàng tiền Trung Quốc cũng còn khuyết, đúc thời vua Trần Dụ Tông, thế kỷ 14”.

Ông Sử thì say sưa nói về những đồng tiền Thánh Võ Nguyên Bảo, Đại Việt Thông Bảo, Thiên Căn Càn Vương… mà ông có dịp trưng bày lần này và đã đưa vào cuốn sách Kho báu tiền Việt cổ do ông biên soạn.

“Tôi tự hào chúng ta có một nền tài chính từ thế kỷ thứ 9, thể hiện qua tiền tệ. Điều đó minh chứng về một dân tộc có nền tài chính riêng, thể hiện một nền kinh tế độc lập. Nền kinh tế đó tượng trưng cho lãnh thổ, mà lãnh thổ đó có chủ. Ông cha ta từ xa xưa với sự thông minh sáng tạo đã chuẩn bị cho chúng ta một nền tài chính như vậy. Alain Becker, dân chơi đồ cổ khét tiếng, GS-TS ở đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về tiền Việt Nam nhận xét: “Tiền Việt Nam là đối thủ xứng đáng nhất của Trung Quốc về mặt chế tác cũng như thư pháp”.

Cơ hội 1/1.000

Chủ nhân của kho báu ngụ tại tầng ba bảo tàng cho rằng mình là người bị giời đày. “Người chơi cổ vật phải hội đủ có ba yếu tố kiến thức, đam mê, tài chính. Nếu ba thứ ấy không trong một thì không làm được gì. Người nào trong chúng ta có một trong ba thứ đó cũng khá lắm rồi. Còn tôi chính thức bị giời đày. Từ hôm chuyển đến đây, không hiểu sao một đồ vật có ba núm bị mất một làm tôi mất cả ngủ”.

"Bộ sưu tập tiền của ông Sử khái quát được lịch sử các vương triều Việt Nam. Trong bộ sưu tập có những đồng tiền vô cùng quý hiếm mà người ta chỉ biết qua sách vở, ít ai tận mắt thấy chúng” - Xiong Bao Kang - nguyên Giám đốc Bảo tàng Tiền cổ Quảng Tây

Về cơ duyên có mặt ở Bảo tàng Hà Nội trong dịp trọng đại này, ông nói: “Khi sinh nhật 1.000 năm Thăng Long Hà Nội sắp đến, thành phố hỏi tôi có đóng góp gì. Tôi trả lời tôi là người con của Thủ đô, sinh ra lớn lên ở Hà Nội. Vậy đây là cơ hội nghìn năm có một, nếu tôi không có đóng góp gì, không đưa được những cổ vật mà mình đã sưu tầm được công bố cho toàn dân biết thì thật đáng tiếc.

Và tôi muốn qua đây, bày ra, bố cáo tất cả những vấn đề văn hóa kinh tế của một dân tộc suốt 2.500 năm trong 4.000 năm. Đất nước có 4.000 năm lịch sử còn những đồ vật của tôi chỉ trong niên hạn 2.500 năm. Đưa ra, xem ngắm để rồi tự hỏi chúng ta phải có trách nhiệm gì với tiền nhân, làm gì cho Tổ quốc trước những bằng chứng lịch sử văn hóa đó”.

Du khách tự đặt tên cho cổ vật.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, phó giám đốc bảo tàng Hà Nội, đợt trưng bày kỷ niệm Đại lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, có nhiều cá nhân tham gia, trong đó phải kể đến nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Đình Sử, người có nhiều cổ vật nhất trong đợt trưng bày này. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực trưng bày cổ vật của nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử, có sự khác biệt với những khu vực trưng bày khác, đó là các cổ vật không được ghi tên.

Theo ông Sử việc đặt tên cho cổ vật sẽ để dành cho du khách, họ tự cảm nhận và tự đặt tên cho cổ vật, như thế nó sẽ mang lại nghĩa sâu sắc hơn. "Cổ vật của Việt Nam từ xa xưa đã có sự hội nhập văn hóa, song nó có sự khác biệt với các cổ vật khác, nó thể hiện sức mạnh quật cường, khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam mà những cổ vật khác không có được, đó là cái mà tôi cảm nhận được", ông Sử nói.

 Cùng ngắm những cổ vật của nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội:

Ảnh: Minh Đức
 
Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 2

 Trống đồng Việt Nam, một trong những trống đồng được đúc vào khỏang thế kỷ V - II trước Công nguyên

 
Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 3

 Đồ đồng Đông Sơn

 
Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 4

 Đồ đồng Đông Sơn, thế kỷ V - II trước Công nguyên.

Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 5
 

 Đồ đồng Đông Sơn thế kỷ thứ V - II trước Công nguyên.

 
Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 6

 Đồ đồng Đông Sơn thế kỷ thứ V - III trước Công nguyên.

 
Chuyện của người cho mượn kho báu ảnh 7

Đồ đồng Đông Sơn năm 558 trước Công nguyên.

MỚI - NÓNG