Chuyện "đại gia" nuôi chó ở Hà Nội

Chuyện "đại gia" nuôi chó ở Hà Nội
TP - Chó thì nhiều người nuôi. Nhưng chó của các đại gia và cách nuôi nấng các chú khuyển yêu của họ cũng khác. Phóng viên Tiền phong hầu bạn đọc vài câu chuyện.

Cách đây mươi năm, giới chơi chó ở Hà Nội chấn động bởi có một người dám bỏ ra cả 100 nghìn đô la để mua chó béc-giê. Người chơi “ngông” ấy là ông Hà Phú, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực may mặc và đam mê nuôi chó.

Chuyện "đại gia" nuôi chó ở Hà Nội ảnh 1

Ai đã từng chơi chó cảnh đều biết, sở hữu một con chó thuần chủng vốn là ước mơ không phải lúc nào cũng thực hiện được. Béc-giê Đức được coi là xuất sắc nhất trong các loài chó đã thuần hóa.

Tuy nhiên, ở nước ta đa phần chúng có quá khứ “oẳn tà roằn”, nghĩa là bị lai tạp khá nhiều. Trước kia, mỗi năm cảnh sát Đông Đức đều đặn tặng các đồng nghiệp Việt Nam 6 đôi chó béc-giê thuần chủng.

Nhưng đó là những con chó nghiệp vụ có quân hàm quân hiệu hẳn hoi, người chơi chó nghiệp dư không chạm tới được. Thời điểm ông Hà Phú bỏ tiền ra mua chó, đất đai chưa “sốt”, tính nhẩm cũng thấy trăm nghìn mỹ kim của ông có giá trị liên thành. Nhưng ông có cách nghĩ và tính toán của một nhà buôn có tài.

Một con chó cái mỗi năm rụng trứng hai lần. Bình thường, mỗi lần nó sinh khoảng 5 - 6 chó con. Chó con tháng rưỡi tuổi là đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Ông Hà Phú sẽ mua trực tiếp từ nước Đức một đàn chó béc-giê bố mẹ đang ở độ tuổi sinh sản.

Chúng sẽ đẻ cho ông những con chó con thuần chủng. Một con chó con có lý lịch oanh liệt như thế, hét giá bao nhiêu mà chẳng được. Chưa kể khi những con chó cái đang bận mang bầu, lũ chó đực khỏe mạnh sẽ tiếp tục thực hiện chức năng truyền giống, số tiền thu về cũng không nhỏ.

Ngày những con chó Đức đầu tiên của ông Hà Phú về đến Hà Nội với người mê chó, không khác gì ngày đội Juventus sang Việt Nam với người mê bóng đá.

Một đội hình toàn “sao”, những con béc-giê hình thức mẫu mực, hiên ngang sải bước, chẳng thèm để ý đến những lời trầm trồ thán phục xung quanh. Con nào cũng có lý lịch được ghi chép tỉ mỉ (bằng tiếng Tây), từ đời cụ, kỵ truyền giống đến hôm nay.

Chúng được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc dành cho (chó) sĩ quan cao cấp. Những đàn béc-giê con “made in Vietnam” sẽ ra đời, ông Hà Phú sẽ hốt bạc. Ông có hốt bạc cũng phải, ai dám “chơi” như ông? Rồi từ nay người chơi sẽ có quyền mơ tới một con béc-giê thuần chủng không khó khăn lắm.

Thế nhưng chờ, chờ mãi chẳng thấy lũ chó... đẻ. Những con chó đực đi “nhảy” bọn chó khác cũng không có kết quả. Hiện tượng kỳ lạ này cho đến bây giờ vẫn còn là một câu hỏi bí ẩn trong giới chơi chó. Nghe đồn rằng, để độc quyền nguồn gien giống, mỗi con béc-giê khi “xuất quan” đều đã bị người Đức bí mật triệt sản.

Chúng tôi đem nghi án này hỏi nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đang làm ăn ở Đức, người đã kể một truyện ngắn khá hay về chó béc-giê trong tập truyện Vàng lửa (tặng thưởng Hội Nhà văn năm 2004). Anh bảo, có lý. ở Đức người ta quản lý chặt chẽ lắm, chó con mới sinh phải làm giấy khai sinh như người.

Hỏi, có cách nào mang về một đôi chó chưa bị làm “thủ thuật” không, giá bao nhiêu cũng được. Khó lắm, nhưng có thể. Trước hết, phải giấu lai lịch của nó.

Ví dụ, chó mẹ đẻ hai con, thì chỉ khai một. Sau đó, chuyển con chó đó sang một nước thứ ba, rồi từ đây mới đưa  vòng về Việt Nam. Nhưng người Đức ý thức chấp hành luật pháp rất cao, không dễ gì thuyết phục họ làm theo cách của mình đâu.

Vào thời cực thịnh, nghề nuôi chó ở Hà Nội hiệu quả gấp trăm, gấp nghìn lần nghề nuôi… lợn. Ông Hà Phú thất bại, nhưng khối người thành công. Cách đây mấy năm, người ta nói nhiều đến bà Hảo (phố) Thụy Khuê, nổi tiếng nuôi chó giỏi. Nhờ giỏi nghề mà bà đã chèo chống ngon lành qua thời bao cấp và chuyển đổi kinh tế, xây dựng nên cơ nghiệp ngày nay.

Nặng khoảng trên dưới 100 cân, đó có lẽ là một trong những con chó Rottweiler to nhất Hà Nội. Có lần tôi theo một người bạn đến nhà bà Hảo lấy giống cho con “Chíp”, thấy nó ngồi lù lù trong nhà, bạnh hàm thè lưỡi, oai nghiêm như một vị tướng.

Thế nhưng bà Hảo cười: Nó đã lớn tuổi, cho nghỉ hưu rồi! Thông thường, tuổi thọ một con chó chỉ kéo dài từ 10 - 12 năm, một năm của chó tương đương với 10 năm của người. Nó cũng sinh, bệnh, lão, tử. Biết con “Chíp” lần đầu đi tơ, hăng nhưng kinh nghiệm lâm trận yếu, bà Hảo cho con chó con của mụ khổng lồ kia, nặng khoảng 70 cân ra “tiếp khách”.

Theo bà, con này hiền, kiên nhẫn và không hay cáu. Nhưng cứ vào đến nơi lại tuột “quả găng”. Phải loay hoay 2 tiếng đồng hồ việc mới xong. Mời chúng tôi uống trà sen quanh bộ bàn ghế cổ, bà Hảo sẽ sàng nói về những chuyện vui buồn trong nghề. ấy là biết chúng tôi chỉ nuôi chó nghiệp dư, lại có người quen giới thiệu nên bà mới kể.

Bây giờ nghề nuôi chó đang lúc thoái trào, nhưng trong nhà bà vẫn nuôi vài chục con. Bí quyết của bà là muốn nuôi được chó, trước hết phải có tình yêu thương thành thực dành cho nó. Phải sinh ư nghệ, tử ư nghệ thì mới thành công.

Một người nuôi chó nữa khá nổi tiếng là ông Sinh (nhà ở khu) Trương Định. Trước kia, người ta gọi ông là “Sinh gà” vì ông chuyên gà tre, gà chọi. Về sau ông nuôi thêm cả chó, mèo. Ông là người đã mở dịch vụ khách sạn, đám cưới, tang lễ cho những con vật gần gũi nhất với con người này.

Lại có những người nổi tiếng trong giới chơi chó vì chuyên kinh doanh chó ăn trộm. Vì lý do tế nhị, người này không tiện nêu tên. Những con chó cỏ, con “mực”, con “quýt” bị mất thì chỉ có nước lên Nhật Tân mà tìm. Nhưng nếu là chó quý, tiền triệu hoặc chục triệu đồng trở lên thì phải đến nhà anh ta.

Thông báo tên chó, mô tả mầu lông, độ tuổi, cân nặng rồi về nhà chờ, khi có “hàng” về, anh ta sẽ gọi điện thoại, mang tiền lên chuộc. Bạn đã bao giờ bị mất một con chó yêu chưa? Như mất người thân vậy! Dù có những lúc nó làm bạn bực mình, cáu bẳn, nhưng sự trống vắng mà nó để lại trong căn nhà của bạn không dễ gì bù đắp ngay được.

Vì vậy, dễ hiểu, bạn mong tìm thấy nó ghê gớm và sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền, nhiều khi lớn hơn cả số tiền đã mua nó. Anh A - con trai dịch giả T - khi bị mất một con chó Nhật, đã đăng báo hú họa trong mục tìm trẻ lạc. Cả nhà khóc hết nước mắt.

Bỗng một tuần sau, có cô bé tết tóc đuôi sam ôm con chó con, tuy gày gò hơn do một tuần phiêu lưu, nhưng mới được tắm thơm phức, đến trả. Hóa ra cô gái cũng là người yêu chó kinh khủng.

Khỏi phải nói, mừng này biết lấy chi cân. Tình thân giữa hai nhà khởi đầu từ đó, nghe nói về sau anh đã lấy cô bé tóc đuôi sam làm vợ. Nhưng mấy ai may mắn như anh A!

Dịch vụ tìm chó trộm tuy phát đạt, nhưng không phải không có rủi ro. Đó là khi chủ chó là người không vừa. Không thỏa thuận được giá cả, hoặc rút dao ra, hoặc vời nhà chức trách đến.

Việc chứng minh đó có phải là con chó của mình không, cực dễ. Một con chó dù có bỏ nhà đi chơi, hoặc bị bắt trộm vài tháng, thậm chí một, hai năm, nhưng gặp lại chủ cũ, chỉ cần gọi tên thôi, lập tức sủa vang, vẫy đuôi, lăn xả vào mà hít, mà liếm. Cái giống nó lạ thế đấy...

Có hai vợ chồng một chuyên gia người Đức, chuyên đi làm dự án ở các nước đang phát triển. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở Philippines, họ đến Hà Nội, mang theo một đôi chó Akita và 4 con chó con mới sinh, đẹp như tranh. Anh Nam Hòa, bạn tôi, làm phiên dịch cho hai vợ chồng người Đức này kể lại một câu chuyện thương tâm.

Buổi trưa hôm ấy, anh chồng tự tay khoan tường để đóng đinh treo tranh. Do chủ quan, anh không xem sơ đồ điện ngầm của ngôi nhà. Mũi khoan xuyên trúng vào đường điện chính, anh bị giật, ngã vật xuống sàn nhà, không kịp trối trăng điều gì, để lại người vợ trẻ, 2 đứa con và 6 con chó.

Phải lo tang lễ, sau đó thu xếp về nước, chị vợ không kham nổi việc chăm sóc cả bầy chó. Chị quyết định bán bớt 4 con chó con. Cách bán chó của chị cũng lạ. Trước khi bán đến tận nơi xem nhà, thấy có đủ điều kiện nuôi mới bán.

Bán không phải chỉ để lấy tiền, mà còn để gửi gắm con chó yêu tới nơi mình có thể tạm yên tâm về số phận của nó. Anh Nam Hòa đã “được bán” cho 1 con. Bây giờ nó nặng khoảng 50 cân, dữ khi chủ vắng nhà, còn lúc bình thường thì khôn và ngoan kinh khủng. Con chó mà tôi đang nuôi là con của nó.

MỚI - NÓNG