Chuyện “đầu ra” ở huyện miền núi Cao Bằng

Đồng bào Quảng Uyên nô nức làm nhà vệ sinh
Đồng bào Quảng Uyên nô nức làm nhà vệ sinh
TP - Ít người biết góp phần đáng kể vào việc giúp Cao Bằng càng thêm thơ mộng, hơn 8 năm qua nhiều người tâm huyết ở 2 huyện vùng cao Quảng Uyên, Trà Lĩnh đã rất kiên nhẫn, bền bỉ vận động đồng bào từ bỏ thói quen xả thải bừa bãi, để làm nhà vệ sinh.

Selfie khỏi sợ “bom mìn”

Càng ngày, du khách rủ nhau đến Cao Bằng càng đông. “Công viên địa chất toàn cầu” thứ 2 của Việt Nam vừa được Unesco công nhận trong năm 2018 có quá nhiều nơi lý tưởng để chụp ảnh tự sướng (selfie). Nhưng phóng viên trở lại Cao Bằng lần này không nhằm vãn cảnh, mà để tìm hiểu về cống hiến thầm lặng của đội ngũ “dân vận” bền bỉ để đồng bào nhiều xã trên cao nguyên Đông Bắc này chịu làm nhà vệ sinh (NVS), giúp du khách không còn sợ giẫm phải “bom, mìn”, không ai đang selfie phải ré lên bịt mũi bỏ chạy...

Tại Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Quảng Uyên, anh Bành Đức Hà 33 tuổi, Phó phòng, kiêm Tổ trưởng tổ dự án Nước sạch-Vệ sinh môi trường (NS&VSMT) vui vẻ tiếp khách. Đã gần 10 năm anh Hà được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ cùng ChildFund (một tổ chức phi chính phủ) triển khai 6 dự án phát triển bền vững về dân sinh, tài trợ trẻ, bảo vệ trẻ em, Y tế, giáo dục, NS&VSMT.

Chuyện “đầu ra” ở huyện miền núi Cao Bằng ảnh 1 Ông Nông Văn Thìn trước nhà vệ sinh của gia đình

 Anh Hà kể: Trước kia, nhiều thôn xã ruồi nhặng bay đầy, xú uế nồng nặc, ai cũng thấy mà không biết nói cách nào để đồng bào chịu nghe. Theo hướng dẫn của chuyên gia dự án, cán bộ y tế ở thôn bản phải đi xúc phân tươi ngoài đồng về... đặt nơi dễ thấy nhất trong phòng họp rồi... mời dân tới. Cách tả thực dễ hiểu về tác hại của việc xả chất thải bừa bãi tác động mạnh, khiến tâm lý cộng đồng thay đổi. Đây là phương pháp tuyên truyền du nhập từ... Ấn Độ, nơi có dòng sông Hằng linh thiêng nhưng ô nhiễm tới mức hãi hùng. Không phải bỗng dưng mà mới đây, đất nước tỉ dân này còn nảy ra sáng kiến mới, là... bán phễu giấy cho phụ nữ đi... vệ sinh đứng.

Dự án NVS triển khai tại 7/17 xã của huyện Quảng Uyên theo 2 giai đoạn, từ năm 2010 đến tháng 11/2018, cả 6/7 xã trong vùng dự án ở Quảng Uyên đã đạt 100% số hộ có NVS sạch sẽ đúng tiêu chí, xã thứ 7 đạt 80%, với khoảng 5.000 nhà vệ sinh được hỗ trợ xây mới. Sau đó, nhiều hộ xây NVS to đẹp ra hẳn mặt tiền. Ở xã Tự Do, có hộ còn tự bỏ tiền làm toilet hiện đại rất sang chảnh.

Không ngại khó

Anh Hà khẳng định: Công đầu trong mảng việc khó nhọc này, là các chuyên gia dự án và hàng loạt cán bộ y tế gắn bó với các thôn bản vùng cao. Ví dụ như ông Nông Văn Ván- Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Động; Bác sĩ kiêm thầy mo Lương Văn Sậu-Trạm trưởng Trạm y tế xã Đoài Khôn; Chị Kiều Thu Hường nguyên cán bộ phong trào Hội Phụ nữ v.v... Họ được đồng bào yêu mến gọi là... “cán bộ hố xí”.

Hơn 6 năm làm “cán bộ hố xí”, chị Thu Hường (39 tuổi) kể: Oái oăm nhất, là mình toàn phải “thị phạm” cho đồng bào bằng phân tươi, phải làm gương chịu trận như ta đây chẳng ngửi thấy gì, mới giữ được dân chịu ngồi yên nghe mình nói. Vận động xong xã này lại chuyển qua xã khác, cực lắm nhưng thấy xóm làng thơm tho hơn, lại cố...

Xóm Cốc Pheo cách trung tâm huyện chỉ hơn 16 km nhưng có tới mấy đoạn dốc đứng, đất đá lổm ngổm trầy trật, chúng tôi phải cài cả 2 cầu cho xe bò lên, tìm gặp cho được bác sĩ Sậu. Cả xã Đoài Khôn toàn người Nùng An. Ông Sậu chào đời tại đây năm 1965, đi bộ đội, vào quân y, về làng mới học tiếp bác sĩ đa khoa tại chức, làm Trạm trưởng Y tế xã suốt từ năm 1996 tới giờ. Do bố mẹ bắt cưới vợ sớm, con trai đầu của ông nay đã là bác sĩ ngoại sản của Bệnh viện đa khoa Quảng Uyên. Trai út làm an ninh xóm. Là bác sĩ duy nhất của xã, dân ốm đau gì ông Sậu đều chữa, từ đỡ đẻ cho tới nhổ răng, trừ những ca quá khó phải chuyển viện.

Bác sĩ Sậu vui vẻ kể: Tôi kế thừa nghề thầy mo theo truyền thống các cụ. Nhà ai ốm đau hoạn nạn có nhu cầu, thì giúp họ cúng dâng sao giải hạn, kết hợp đông tây y, cả thuốc men lẫn tâm lý. Nhờ vậy, tôi dễ thuyết phục đồng bào làm NVS. Mời bà con tới, tôi phết sợi tóc vào đống phân, nhúng tóc ấy vào cốc nước, mời uống, ai cũng hãi. Thì đấy, nếu bà con đi ngoài bừa bãi, ruồi đậu vào phân, rồi đậu vào cốc, khác gì? Bà con phải nghe thôi.

Xã Đoài Khôn có 10 thôn, một nghìn rưỡi dân, trước kia không trạm xá, không nhà vệ sinh. Cơ ngơi khang trang của Trạm này do ChildFund tài trợ 3 tỷ xây tặng, khánh thành tháng 7/2016. Toàn xã giờ hộ nào cũng có NVS, trong đó 93% do ChildFund vận động và tài trợ 1 phần, 7% còn lại do đồng bào tự làm lấy. Bác sĩ Sậu xác nhận: Từ khi toàn xã có NVS, thì các loại bệnh giảm hẳn. Trẻ con bụ bẫm khỏe mạnh, không còn da mét bụng ỏng đầy giun như trước nữa.

Vào cuộc

Bác sĩ Sậu đưa phóng viên qua xóm Bản Chang thăm nhà ông Nông Văn Thìn, nguyên Chủ tịch UBND xã Đoài Khôn. Ông Thìn 65 tuổi, tóc trắng, từ tốn chiết rượu ngô ngâm ong vò vẽ mời khách. Sau căn nhà sàn gỗ rộng thênh thang là 2 gian nhà vệ sinh và phòng tắm lát gạch hoa, ông Thìn xây làm gương cho đồng bào làm theo. Thấy tôi tò mò ngắm chú ngựa đứng gần đó nhai cỏ, ông Thìn cho biết ở đây nhà nào cũng nuôi ngựa để thồ ngô. Dự án tài trợ về, xóm làng văn minh hơn, nhưng những gì thuộc về truyền thống thì nhà nào cũng phải giữ.

Bà Hoàng Thị Hiếu- Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Phó trưởng Ban Quản lý các dự án do ChildFund tài trợ cho Quảng Uyên chia sẻ: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nên cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện là Trưởng BQL các chương trình này.

“Trực tiếp phụ trách Dự án NS&VSMT, trong đó có chương trình vận động nhân dân xây NVS rất hiệu quả, tôi rất tâm đắc thấy chương trình giúp nâng cao chất lượng sống cho dân. Rất nhiều phụ nữ và trẻ em nghèo vùng cao là nhóm đối tượng yếu thế đã được thụ hưởng lợi ích từ chương trình này” - Bà Hiếu nói.   

Ở Tây Nguyên, hơn 10 năm trước TP Buôn Ma Thuột từng được tiếp nhận khoản tài trợ không hoàn lại trị giá khoảng 300 tỷ đồng từ Chính phủ Đan Mạch để triển khai các dự án NS&VSMT. Những cán bộ phụ trách Dự án lúc bấy giờ xác nhận: Nhờ đó, mà dân nghèo ở 33 buôn, 21 xã phường nội ngoại thành mới có NVS đạt chuẩn. Riêng nhạc sĩ Mạnh Trí nguyên Phó đoàn Ca múa Đắk Lắk được dự án trả “nhuận nhạc” cho 2 ca khúc dân vận về nước sạch và NVS bằng 1 cây đàn pianô trị giá 2.000 USD. Ca khúc lẫn đàn xịn vẫn được dùng tới bây giờ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.