Chuyện đời sau xe rác, bài cuối: Rưng rưng những ước mơ giản dị

Công nhân môi trường thường không được nghỉ những ngày lễ. Dù nắng gắt hay mưa giông, bão tố, họ vẫn phải đi làm để đảm bảo tiến độ thu dọn rác trên địa bàn. Ảnh: Trường Phong
Công nhân môi trường thường không được nghỉ những ngày lễ. Dù nắng gắt hay mưa giông, bão tố, họ vẫn phải đi làm để đảm bảo tiến độ thu dọn rác trên địa bàn. Ảnh: Trường Phong
TP - “Nếu có thể, em tặng bài báo viết về nghề của bọn chị, chị sẽ đưa cho con chị đọc. Để lớn lên chúng nó biết, chị là người dọn rác, làm đẹp cho thành phố. Bố mẹ các bạn của cháu có thể là giáo sư, bác sĩ, giáo viên, chị luôn tự hào nghề mà mình đang theo, đang chọn...”, chị Nguyễn Thị Minh Hiền, công nhân môi trường bày tỏ.

Làm ơn, xả rác có ý thức!

Chị Hiền, như đã nói ở bài trước, là công nhân dọn dẹp rác thải khu vực phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Hiền cùng chị Chiều, anh Hạnh cùng một “ê kíp”. Tranh thủ cơn mưa nặng hạt đang trút xuống, lại vừa hết ca, các anh, chị ngồi lại uống chai nước ngọt và kể câu chuyện về mình. Có lẽ để tiết kiệm tiền, nên các chị mang theo một bình nước trắng để sẵn trên xe. Đi làm từ sáng sớm, đến khi mọi người đi làm các chị cũng đã “đảo” được một vòng đường phố. Chị Chiều nâng chai nước nhấp mấy ngụm cho đỡ khát rồi chuyền xuống cho chị Hiền. Dọc con đường Tam Trinh, sau cơn mưa rác thải bốc mùi, rỉ đầy nước thải. Chị Hiền vơ từng nắm, đưa lên xe cho chị Chiều nén chặt vào xe. Chỉ một đoạn, chiếc xe đã đầy rác thải, đủ loại. Từ rác sinh hoạt, rác đồ chế biến, cơ khí... Nhưng có lẽ sợ nhất là mùi rác thải sinh hoạt để qua đêm bị nước mưa. Chị Hiền phải gạn nước, trước khi đưa lên cho chị Chiều...

Dậy từ sáng sớm, nên con cái chị Hiền, chị Chiều đều do chồng, người nhà chăm sóc, cho ăn uống và đi học. Chị cũng chẳng mấy khi có cơ hội đi chợ vào sáng sớm. Thường tan ca, tranh thủ trên đường về nhà, ghé qua chợ mua đồ, nấu ăn, nghỉ trưa, 14h lại vào ca mới. Có thể nói, cả ngày các chị đều phải “sống chung với rác”. Nhưng, chị Chiều bảo, có khi không đi làm lại thấy thiếu thiếu. Đôi khi, những người dọn rác như chị Hiền, anh Đức, anh Dinh cảm thấy tủi thân khi những tiếng gọi “Rác ơi” giữa phố. Cũng chẳng mấy người hỏi tên thật. Dần dần quen, chị Chiều bảo, có khi gọi Rác ơi thì mới thưa, chứ gọi tên thật thấy không quen. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, các anh, các chị, ai cũng tâm niệm một điều, làm sao người dân có ý thức trong việc xả rác.

Chuyện đời sau xe rác, bài cuối: Rưng rưng những ước mơ giản dị ảnh 1 Chị Hiền (phải) và chị Chiều. Ảnh: Trường Phong

“Có người ăn thì cũng phải có người dọn. Nhưng nếu ý thức một chút thì chúng tôi đỡ khổ”, anh Trần Vinh Hạnh, đồng nghiệp của chị Hiền, chị Chiều nói. Rồi những ngày lễ, ngày Tết, khi những gia đình ăn uống, liên hoan, đồ đạc thừa mứa... cũng chính là những ngày các anh, các chị vất vả nhất. Nhiều khi vật lộn, tất bật với rác cả ngày, phải làm thêm giờ, phải tốn thêm sức. Cũng đã không biết bao lần, các anh, các chị chứng kiến xe rác vừa đi qua, công nhân vừa dọn dẹp sạch sẽ người dân lại mang rác đổ bừa ra đường. Cũng nhiều vụ, chỉ vì nhắc nhở mà xảy ra mâu thuẫn, rồi người bị xúc phạm, bị đánh thường là công nhân môi trường. Rác nhiều, dọn có thể hết, nhưng quan trọng hơn cả, theo các công nhân môi trường là thái độ, ý thức của người vứt rác. Nếu biết nghĩ đến những người quét rác, làm ơn, hãy phân loại. Đừng để kim tiêm, mảnh chai, mảnh sành chung với rác thải bình thường. Bàn tay chị Huệ, dù bọc bằng găng tay, cũng đã không biết bao lần bị mảnh sành, thủy tinh, kim tiêm chọc thủng, rướm máu.

Tất cả cho con

Ngồi trò chuyện, chị Chiều bảo, hay là em chụp cho chị với chị Hiền một bức thật đẹp để làm kỷ niệm. Hai chị cười rất tươi dù còn mệt sau một ca làm việc vất vả. Chị Hiền kể, con chị năm nay mới học lớp một, nhưng ai hỏi mẹ làm nghề gì, nó tự hào mẹ tớ làm công nhân vệ sinh môi trường. Bạn hỏi, công nhân vệ sinh môi trường, là làm gì thì con bảo mẹ tớ đi dọn rác đấy. Chị Hiền không giấu được vẻ tự hào và xúc động. Chị bảo, chưa bao giờ chị thấy tự ti vì nghề cả.

“Mình hay bảo con, con biết nghề của mẹ là làm gì không? Con đọc bài thơ Tiếng chổi tre của ông Tố Hữu ấy. Mẹ làm nghề như thế. Mẹ quét rác. Mẹ đẹp như trong bài thơ đó vậy”, chị Hiền rạng rỡ. Chị bảo, nếu có thể, sau này khi đăng báo, em in tặng chị một bộ, để chị kẹp vào sổ làm kỷ niệm, sau này, con chị lớn nó xem mẹ nó từng lên báo như thế nào. Chị Hiền nhắc về một cậu bé từng thi hát trên truyền hình. Mẹ cậu bé cũng làm nghề công nhân dọn dẹp vệ sinh. Chị cũng mơ ước con chị sau này sẽ vươn lên như vậy, để bõ công chị vất vả bao ngày, bao năm. Con chị năm nay mới học lớp 1, nhưng hâm mộ Quang Hải và đội tuyển Việt Nam. Cậu bé nhớ được từng số áo cầu thủ. Chị, dù điều kiện gia đình còn khó khăn, cũng tạo điều kiện cho bé tham gia lớp học bóng đá ở trên quận để con có thêm ước mơ. Nói về con, chị không giấu nổi vẻ tự hào.

Với anh Dinh, hơn 20 năm dọn rác thải thuê trên Hà Nội cũng chỉ mong sao con anh học hành nên người. Con trai lớn của anh hiện đang học THPT. Anh bảo, kiếm thêm vài năm nữa xem con cái học hành thế nào. Nhưng rồi anh nghĩ lại, còn đứa con gái nhỏ, chắc anh sẽ còn gắn bó với nghề dọn rác thuê trong thời gian dài. Nói đến tương lai của các con, mắt anh Dinh sáng lên. Anh nở nụ cười, vì đến bây giờ, anh, bằng nghề dọn rác, vẫn lo được cho gia đình của mình, lo cho con một tương lai tươi sáng hơn. Con cái anh ngoan ngoãn, học giỏi. Với anh Đức, hay chị Huệ, có lẽ, làm lụng vất vả bao nhiêu năm qua cũng chỉ vì tương lai con cái. Vợ anh Đức hiện đang mang bầu. Anh bảo, ngày xưa mình nghĩ cho gia đình, thương bố vất vả một mình nuôi mẹ  nuôi con nên không theo học nữa mà đi làm nghề dọn rác để phụ giúp gia đình. Rồi cái nghề, cái nghiệp nó theo đến nửa đời người. Con anh, nếu học được, anh bảo, không bao giờ muốn cho làm nghề này nữa, bởi anh đã quá vất vả, đã quá cực khổ rồi. Nhưng anh Đức lại nỗi niềm “không có những người như chúng tôi, thành phố sẽ ra sao nhỉ...”.

“Đôi khi, những người dọn rác như chị Hiền, anh Đức, anh Dinh cũng cảm thấy tủi thân khi những tiếng gọi “Rác ơi” giữa phố. Cũng chẳng mấy người hỏi tên thật. Dần dần quen, chị Chiều bảo, có khi gọi Rác ơi thì mới thưa, chứ gọi tên thật thấy không quen”. 

MỚI - NÓNG