Chuyện gấu còn nan giải

Chuyện gấu còn nan giải
TP - Gắn chíp cho gấu nuôi, có đạt được mục tiêu ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán gấu và sử dụng sản phẩm mật gấu trái phép? Cho phép gây nuôi thương mại có phải là nguyên nhân làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ đối với sản phẩm có nguồn gốc hoang dã?
Chuyện gấu còn nan giải ảnh 1
Công khai khai thác mật gấu ở trại gấu trái phép Quảng Ninh

Những tranh luận xung quanh con gấu lại được xới lên tại hội thảo về động vật hoang dã lần đầu tiên do một cơ quan của Đảng tổ chức mới đây.

Hội thảo “Bảo vệ Động, Thực vật Hoang dã, Góp phần Bảo tồn Bền vững các Nguồn Tài nguyên Thiên nhiên Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì từ 12 - 13/8 ở Ninh Bình với sự hỗ trợ của Traffic (mạng lưới giám sát buôn bán thú hoang) và WWF (quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên).

Tại hội thảo có một không hai này từ trước đến nay, với sự tham gia của các đại biểu quốc hội, các nhà khoa học đầu ngành, và các quan chức của một số cơ quan hành pháp, chuyện gấu nuôi nhốt là một  trong những chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất.

Trong bức tranh tổng quan về thực trạng nuôi nhốt động vật hoang dã tại Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, nhận xét, việc quản lý nuôi nhốt động thực vật hoang dã tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc quản lý khoa học trong gây nuôi động thực vật hầu như chưa có nên nguy cơ mất nguồn gene thuần chủng quý hiếm là đáng lo ngại.

PGS. Vang cũng nhấn mạnh, việc gây nuôi như đối với hổ, gấu chưa được quản lý chặt chẽ cũng làm trầm trọng thêm tình trạng săn bắt trái phép các loài trong tự nhiên để trà trộn với những loài được gây nuôi.

Có hàng ngàn gấu nuôi, vẫn xem như tuyệt chủng

Theo Th.S. Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội, gấu không thể tái thích nghi và hòa nhập đối với môi trường tự nhiên nếu bị nuôi nhốt trong thời gian dài.

Dù có nuôi nhốt an toàn hàng ngàn con như hiện nay, gấu vẫn được xem có nguy cơ tuyệt chủng rất cao ở môi trường tự nhiên Việt Nam do chúng không còn vai trò gì trong thiên nhiên nữa, không thể tái hòa nhập về đời sống hoang dã được nữa.

Gấu là một trong những loài có vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi thức ăn, đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Đó là những loài có sự tiến hoá cao với nhiều tập tính phức tạp, ông Xuân cho biết thêm. Hơn nữa, về đặc điểm sinh học, gấu không thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, hổ thì có thể sinh sản nhưng rất ít.

Khó khăn đó cũng được GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, chia sẻ. Để tồn tại trong môi trường tự nhiên, một loài phải có ít nhất 500 cá thể tự nhiên trở lên. Trong khi đó, thực tế, Việt Nam chỉ còn trên 100 cá thể gấu ngoài tự nhiên là cùng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, lại lạc quan về việc kiểm soát đàn trên 4.000 gấu nuôi trên toàn quốc, khiến số lượng gấu này giảm so với cách đây ba năm – thời điểm bắt đầu gắn chip, do thực thi tốt Công ước về Buôn bán Quốc tế những Loài Động vật Thực vật Hoang dã (CITES).

Ông Dũng còn cho rằng, việc cho phép khai thác mật gấu từ gấu nuôi có sự quản lý hợp pháp sẽ tăng nguồn cung cho thị trường tiêu thụ mật gấu và, khi nguồn cung nhiều, giá thành mật gấu sẽ giảm, nhu cầu sử dụng mật gấu cũng giảm, kéo theo đó, giảm sức ép săn bắt gấu từ tự nhiên.

Trước đây, mỗi mililit (cc) mật gấu lên tới gần trăm ngàn đồng, nhưng giờ chỉ còn 30 - 40 ngàn. “Rõ ràng, nhu cầu sử dụng mật gấu giảm, tất nhiên khiến nguồn cung giảm”.

Ông Dũng cho biết thêm, nhu cầu buôn bán, sử dụng động thực vật hoang dã  tại Việt Nam có từ xưa đến nay, chủ yếu dùng làm thuốc, sinh vật cảnh, đồ mỹ nghệ, trang trí, xuất khẩu. Nên, dù muốn hay không, hoạt động này vẫn tồn tại một cách khách quan, buôn bán động vật hoang dã không hẳn hoàn toàn bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân lại cho rằng, gấu là loài nằm trong danh mục động vật đặc biệt nguy cấp, được pháp luật và luật pháp quốc tế bảo vệ nghiêm ngặt, không bao giờ được phép hợp thức hóa. Chính việc cho phép gây nuôi thương mại các loài này là nguyên nhân làm gia tăng quảng bá công dụng của chúng và gia tăng nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc hoang dã.

“Sản phẩm tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn sản phẩm nuôi. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý và thực thi pháp luật”, ông Xuân khẳng định.

Không phủ nhận nỗ lực của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, đặc biệt là Cục Kiểm lâm, về vấn đề quản lý gấu nuôi nhốt, vị đại biểu quốc hội này cũng như ông Nguyễn Thành Đôn, Trưởng ban Khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của chương trình gắn chíp cho gấu nuôi mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Cục Kiểm lâm thực hiện.

“Liệu chương trình có đạt được mục tiêu đề ra là ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán gấu trái phép hay không? Tôi nghi ngờ hiệu quả của việc thực thi CITES đối với gấu ở Việt Nam. Số gấu nuôi nhốt ở Việt Nam giảm có thể do rất nhiều nguyên nhân như gấu chết hoặc chủ nuôi giết lấy thịt chẳng hạn”, ông Đôn nhận định.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân cùng Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam, cảnh sát môi trường và phóng viên VTV1 đã khảo sát một số trại gấu nuôi nhốt để lấy mật phục vụ du khách nước ngoài ở Hạ Long ngày 30/5/2009.

Ông Xuân cho rằng, không thể hiểu được khi có ý kiến nêu không thể tịch thu 80 con gấu không gắn chíp ở Quảng Ninh (tức là những con mới được săn bắt hoặc mua bán trái phép sau thời hạn chót được hợp thức hóa mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã công bố) và cũng thật khó hiểu khi đến giờ phút này 80 con gấu đó vẫn chưa được gắn chíp. Nếu các chú gấu này được mua bán, trao đổi, tráo con khác vào thì lấy gì mà kiểm soát?

Không đề cập đến thắc mắc này, ông Nguyễn Hữu Dũng quay sang diễn giải hiện trạng trên 4.000 cá thể gấu nuôi nhốt trên cả nước được đăng ký và gắn chíp theo quy định. Dù biết các cơ sở này nuôi gấu để lấy mật là chủ yếu nhưng cơ quan kiểm lâm không thể ngăn chặn được.

Về ý kiến phản biện của ông Đôn, ông Dũng thừa nhận, việc giảm số lượng gấu đúng là còn có nhiều yếu tố, không chỉ về quản lý mà cả về điều kiện kinh tế, khi nuôi gấu không còn đem lại lợi nhuận cao nữa.

Bảo tồn bằng những trại nuôi bán hoang dã

Trước hết thành lập ngay những trại nuôi gấu bán hoang dã ở các địa phương có điều kiện thiên nhiên phù hợp với môi trường sống vốn có của chúng. Trưng mua lại số gấu của các hộ cá thể đang nuôi nhốt ở các đô thị, rồi trưng mua lại gấu của các hộ cá thể ở ngoại thành, nông thôn, ông Nguyễn Bắc Sơn, Phó Chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) đề xuất.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc mua lại này không đúng pháp luật do đây là tang vật vi phạm và cũng không giúp ích gì cho việc bảo tồn loài gấu trong thiên nhiên.

Khi Cục Kiểm lâm ra văn bản số 573/BNN-KL, ngày 13/3/2009, trong đó ghi rõ, sau ngày 30/6/2009, cơ sở nuôi gấu nào cố tình không thực hiện quy định điều kiện về nuôi nhốt, sẽ kiên quyết tịch thu số gấu đó. Ông Nguyễn Bắc Sơn cho rằng việc đó không khả thi, chắc chắn không làm được.

Lý giải về vấn đề này, ông Dũng cho biết, văn bản đó của Cục Kiểm lâm là nhắc nhở các cơ sở thực hiện Thông tư 95 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Số gấu tịch thu được sẽ chuyển vào trại cứu hộ. Còn việc tịch thu bao nhiêu phụ thuộc vào nơi tiếp nhận.

Ông Dũng cho biết thêm, trên thực tế đã có một số tỉnh tịch thu và chuyển lên trung tâm cứu hộ tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Năm 2006, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức gắn chíp điện tử cho 4.349 cá thể gấu trên toàn quốc nhằm quản lý gấu nuôi đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan kiểm lâm cơ sở, ở một số địa phương xuất hiện các hoạt động vi phạm quy định này, tiếp tục nuôi nhốt các cá thể gấu không được gắn chíp.

- Ngày 29/8/2008, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ra Quyết định 95/2008/QĐ-BNN về ban hành quy chế quản lý gấu nuôi trong đó nêu rõ là nghiêm cấm việc hút chích mật gấu.

- Ngày 13/3/2009, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có Công văn số 573/BNN-KL nêu rõ: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể thời gian hoàn thành các điều kiện về chuồng trại, nhưng không sau 30/6/2009. Sau thời gian quy định, nếu cơ sở nuôi gấu nào cố tình không thực hiện thì kiên quyết xử lý, tịch thu theo quy định của pháp luật”.

Thực tế, sau ngày 30/6, chưa thấy cơ sở nuôi gấu nào bị xử lý.

MỚI - NÓNG