Chuyện ghi ngày nhập bộ

Chuyện ghi ngày nhập bộ
TP - Trên đường đến Bộ Thương mại (thời điểm này có thể gọi là cũ được rồi?) tôi nhẩm lại tỷ lệ quá bán hơi bị cao: 466.470 đại biểu QH  tán thành bỏ phiếu việc nhập hai Bộ Thương mại và Công nghiệp thành Bộ Công thương...

>> Kỳ trước

Chuyện ghi ngày nhập bộ ảnh 1
Trụ sở Bộ Thương mại trên đường Ngô Quyền, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh

Người tôi định gặp là ông Trương Đình Tuyển. Nhưng qua điện thoại chất giọng trầm rè cố hữu, ông báo là đang đi công tác ở Nghệ An theo lịch đã lên sẵn.

Thoáng nhớ cái buổi ông đọc thơ đã lẩu lâu... Thơ ông ứng tác tặng Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Bộ trưởng Vũ Khoan có mặt  trong buổi bàn giao ngay tại trụ sở Bộ Thương mại để ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Năm năm trấn cái cửa này/ Ngọt bùi đã lắm đắng cay đã từng/ Chả ai nước lã người dưng/ Ta đi ai tiếc ai mừng ta đi...

Định tếu thêm, chắc những ngày nhập bộ này, thể nào mà ông lại chả có một ứng tác mới? Tôi chuyển phát nhanh cho ông thông tin (hình như chỉ đồn cho vui?) của ai đó rằng ông Tuyển chỉ mải mốt việc thương lượng đàm phán với Mỹ để vào WTO mà quên mất việc “giữ” Bộ mình (?!)

- Giữ là thế nào?  - Ông Tuyển độp ngay.

- Thì bây giờ nhập vào Bộ Công nghiệp đó thôi...

Trong máy nổi lên một tràng cười dài. Giọng ông bất ngờ vống lên một chút.

-  Chắc họ tếu cho vui thôi. Mình cũng như nhiều anh em khác hoàn toàn ủng hộ phương án trở thành Bộ Công thương nhằm liên thông, giảm đầu mối gắn kết hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khi nào ra mình sẽ nói chuyện thêm. À, xáo trộn có xao xuyến không ấy ư? Tất nhiên. Người chứ đâu phải gỗ đá. Hàng bao năm đã tất tả, vui buồn...

Số tài khoản trong máy không cho phép thực hiện cuộc gọi... Thế mà tôi định trao đổi thêm với ông Tuyển cái ý của ông Phạm Hà - Giám đốc Sở Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Hà (con trai của cố Thủ tướng Phạm Hùng), nguyên là chủ tịch quận Ba, một người quen cũ của tôi...

Khi hỏi nhập thế này có xao xuyến chi không thì chất giọng Giám đốc Phạm Hà khá rành rẽ rằng trong không khí và xu thế hội nhập với đổi mới như thế này nếu có chút chi đó xao xuyến thì là không hợp mốt hợp thời.

Mà nếu có xao xuyến xáo trộn thì phần lớn là ở cấp lãnh đạo thôi chứ còn anh em công nhân viên chức thì ở đâu mà họ chả phải làm? Mà đã nhập thì thể nào cũng có ghế thừa ghế dôi! Cũng có tâm trạng này khác.

Cái ghế 6 trưởng phòng của Sở Thương mại thành phố sẽ do tổ chức điều phối sắp xếp! Thế còn cái ghế của Giám đốc Sở? Đầu dây bên kia là cái cười chen giữa chất giọng rành rẽ cố hữu: Giám đốc Sở Thương mại thành phố là thành ủy viên. Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố cũng là thành ủy viên. Cái đó là việc của tổ chức!

Hằng bao năm tất tả, vui buồn... Tôi chợt nhìn xuống những bậc thềm dẫn lên đại bản doanh của Bộ. Phát tích từ Bộ Kinh tế do ông Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng tháng 11 năm 1946 rồi ngược về Việt Bắc thủ đô gió ngàn.

Những bước chân tiền thân từ chiến khu Việt Bắc của Bộ trưởng Công thương Phan Anh (tôi không tường lắm cái việc tít tắp từ những năm đầu thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có Bộ Công thương) dẫn về Hà Nội, nghe đâu những ngày đầu tiếp quản, Bộ ở phố Đinh Tiên Hoàng chứ chưa đóng bản doanh ở mặt tiền phố Tràng Tiền này.

Những bộ trưởng (lúc Thương nghiệp khi thì Nội thương) Đỗ Mười, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Quốc Thịnh, Trần Văn Hiển, Trần Phương, Lê Đức Thịnh, Hoàng Minh Thắng, Lê Văn Triết cứ kế nhau cho mãi tháng 10/1992 có tên là Bộ Thương mại đến đời ông Vũ Khoan rồi Trương Đình Tuyển. 

Tấm biển bằng đá hoa cương kia đã mấy bận thay chữ. Những là Bộ Nội thương. Bộ Thương nghiệp. Rồi  Bộ Thương mại. Rồi mai kia sẽ là Bộ Công thương? Nhưng chắc gì? Bản doanh của Bộ Công nghiệp (cũ) phố Hai Bà Trưng hoành tráng trông ra chợ Âm Phủ hẳn có thể là nơi đắc địa của một đại bản doanh mới: Bộ Công thương nước CHXHCN Việt Nam?

Viết đến đây, chợt nhớ ĐB Vũ Hoàng Hà (Chủ tịch Bình Định) phát biểu trong QH đại ý, về tên gọi bộ mới là Công thương thì nhất trí nhưng đề nghị khi ra văn bản chữ thương không viết thường mà nên viết hoa. Nếu viết Công thương thì có cảm giác chức năng thương mại yếu đi hoặc ngành thương mại biến đâu mất mà phải là Công Thương hoặc Công - Thương?

Không biết ý kiến đó sẽ được ghi nhận và bàn thảo đến đâu? ĐBQH giờ tinh tường, săm soi đến từng chi tiết như vậy? Nhưng có lẽ không lặn và cũng chẳng biến và càng không phải việc Bộ Thương mại đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Bộ Thương mại đem chức phận của mình sang Bộ Công nghiệp không phải để hòa tan mà tiếp tục với trách nhiệm cao hơn chất lượng cao hơn ở thời hội nhập. Nhập Bộ thời hội nhập là vậy?

Tôi rẽ vào một căn phòng cửa khép hờ ngoài đề biển “Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú”. Lại cũng là một người quen cũ (vị Thứ trưởng độ tuổi hơn bốn mươi này là con trai nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm).

Đận sang Mỹ mùa hạ năm 2005, trong đoàn tùy tùng của Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Cẩm Tú mới là chuyên viên của Bộ Thương mại. Đàm phán ở Nhà Trắng, chức phận Nguyễn Cẩm Tú không được dự.

Đến mùa hè năm 2007, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm Hoa Kỳ, ngồi ký Hiệp định Thương mại Việt Mỹ đằng sau có Tổng thống Bush và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chứng kiến.

Góp cho ngành Thương mại Việt có thể nói chưa được nhiều lắm công lênh, nhưng nay nhập Bộ, công việc, thứ thì phân công, thứ phải chủ động của vị thứ trưởng trẻ này chắc cường độ sẽ không dành cho những hiểu biết nôm na đại khái! Đặc thù thương mại thời hội nhập mở cửa hình như chỉ thích hợp, chỉ chọn những cán bộ cỡ như Nguyễn Cẩm Tú?

Tôi đang đối diện với những bài bản của một người từng được ăn học tới nơi tới chốn ở Liên Xô ( cũ) và gần đây ở Mỹ. Hình như tôi ù cả tai khi được vỡ vạc rằng, trên thế giới hay ở những nước công nghiệp phát triển hoặc khu vực kinh tế nào đó, thời điểm nào để hợp lý lẫn thích hợp sự ra đời sự có mặt của Bộ Thương mại và khi nào thì Bộ Công - Thương xuất hiện?

Thương mại Việt có tới 11 lĩnh vực khác nhau bây giờ hoạt động vận hành trong cơ chế Bộ mới sẽ như thế nào?... Tôi đang nghe đến đoạn nào nhỉ? Đoạn  ngài thứ trưởng nói về thương mại môi trường chăng? Ở các nước phát triển, các doanh nghiệp phải mua lại phiếu chưa dùng hết của những anh có quyền xả khí ô nhiễm lên giời!

Nghe thì thú đấy nhưng cái tôi muốn nghe hơn và dễ hiểu ngay 3 đồng chí Thứ trưởng bên này với 4 Thứ trưởng bên kia cùng 7 vụ bên kia với mấy vụ bên này, đội hình sẽ ra làm sao khi hai bộ nhập làm một? Rồi môi trường, đặc thù thương mại sẽ ra sao?

Nem nép hay là tự tin là chững chạc khi song hành lẫn việc tìm đầu ra hữu hiệu cho những sản phẩm của các tập đoàn hùng mạnh như Dầu khí, Thép, Dệt may, Điện lực, Hóa chất, Rượu bia, Thuốc lá...

Rồi lộ trình đường hướng chức năng lẫn cung cách sẽ ra làm sao, nói như Thủ tướng là tăng cường quản lý nhà nước mạnh hơn, khắc phục những trùng lặp chia cắt rườm rà nhắm tới đích đa ngành, đa lĩnh vực nhưng không hòa tan, không bỏ sót nhiệm vụ...

Rồi cuối cùng, cái tôi muốn tò mò (nhưng rốt cục không được thông tin) là cái thế của một ngành khi nhập vào một cuộc chơi chung. Một ông trưởng ngành thì về... hưu. Một ông trưởng ngành thì về... Chính phủ làm Phó Thủ tướng!

Tôi biết vị Thứ trưởng này không phải không biết và kém cởi mở, nhưng là ở đâu kia và với ai? Kiệm lời. Đúng lúc. Đúng chỗ. Phẩm chất đó của những doanh nhân thành đạt ngày trước cộng với việc Nguyễn Cẩm Tú bây giờ lại được đặt ở vị thế của một chính trị gia thì có lẽ còn chi để mà nói nữa?

Rời phòng làm việc của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, tôi tìm đến thi sĩ Bùi Đức Khiêm - Tổng Biên tập báo Thương mại. (Có cái lạ hay là sự trùng hợp chả biết, nhưng phần đông các ông TBT đều biết làm thơ?). Nhiều năm nay, ông bạn già này in thơ có ít đi chừng như để dành hết tâm huyết cho việc điều hành một tờ báo đã có bề dày 55 tuổi.

Mỗi ông TBT có bí quyết điều hành riêng. Mà có người ví làm cái anh TBT thời nay giống như anh đi... ngoại tình vậy?! Này nhé, vừa muốn có một cuộc sống tinh thần phong phú vừa phải giữ làm sao được cái gia đình êm ấm, nơi trú ẩn cuối đời. Na ná như làm sao báo phải bắt mắt bạn đọc nghĩa là vừa bán chạy vừa giữ sao để cấp trên đừng thổi còi?!

Với người khác thì không biết thế nào, nhưng ông bạn già vốn chất phác lại có tí ti tài hoa này vốn được anh em mến. Anh có thể chơi với những thứ sắc sảo, với những thứ hạng thông minh nhưng anh thử chơi với những loại chân tình để lòng dạ có cân bằng lẫn ấm lại?

Bùi Đức Khiêm na ná cái týp ấy! Qua chất giọng thủng thẳng quen thuộc của Bùi tiên sinh, tôi mang máng biết được rằng, Ban Cán sự Đảng của hai bộ sẽ quyết định chức Tổng Biên tập khi hai tờ Thương mạiCông nghiệp nhập làm một.

Lại nữa, măngset của tờ báo mới cũng phải thay.Ông định tên gì? Bùi tiên sinh thủng thẳng buông gọn hai chữ: Thương mại! Tôi đành nín khe trước vẻ chắc nịch ấy, có thể là anh nói vui?  Mà có thể không? Thương mại góp phần tạo ra giá trị hàng hóa...  Hình như ông Mác đã nói vậy?

Ông Tổng Biên tập tiễn tôi bằng câu nói nhẹ nhõm như ông vốn ít coi sự sống này là nặng nề rằng, thì ở đâu, ở bộ nào mà mình chả phải trần lưng ra mà làm báo, mà viết!

Tháng 8/2007

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.