Chuyện ghi ở Trung tâm hỗ trợ cô dâu Việt tại Hàn Quốc

Chuyện ghi ở Trung tâm hỗ trợ cô dâu Việt tại Hàn Quốc
TP - Đại đa số các cô gái đến Hàn Quốc làm dâu chỉ vì mục đích kinh tế, thông qua các đường dây môi giới hoạt động bất hợp pháp, trong khi bản thân các cô không nắm rõ thực tế cuộc sống  kinh tế của gia đình chồng tương lai. Đây là mấu chốt của những bi kịch.

>> Một cô dâu VN ở Hàn Quốc nhảy lầu thiệt mạng

Chuyện ghi ở Trung tâm hỗ trợ cô dâu Việt tại Hàn Quốc ảnh 1
Các cô dâu người Việt đang học tiếng Hàn

Những ngày cuối năm 2007, có mặt tại Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM để làm visa đi công tác, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cô gái, đa số đến từ các tỉnh miền Tây, xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc làm dâu.

Hỏi chuyện, nhiều cô hồn nhiên trả lời rằng, chỉ mới gặp mặt chồng một hai lần nên không biết chính xác chồng làm nghề gì, hoàn cảnh kinh tế ra sao. Đại đa số các cô gái đến Hàn Quốc làm dâu chỉ vì mục đích kinh tế, thông qua các đường dây môi giới hoạt động bất hợp pháp, trong khi bản thân các cô không nắm rõ thực tế cuộc sống  kinh tế của gia đình chồng tương lai. Đây là mấu chốt của những bi kịch.

Kỳ vọng và... thất vọng

Trong chuyến công tác đến Hàn Quốc vào cuối năm 2007, chúng tôi được phía Chính phủ Hàn Quốc sắp xếp gặp gỡ một số quan chức ở Bộ Phụ nữ và Bình đẳng giới và có một số chuyến thực tế về các địa phương để tìm hiểu về thực trạng cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc.

Bà Yang Seung Joo, Cục trưởng Cục Chính sách gia đình, thuộc Bộ Phụ nữ và Bình đẳng giới Hàn Quốc cho biết hiện nay, có khoảng 83.000 cô dâu người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc, trong đó có 20.500 cô dâu người Việt, đông thứ 2 sau cô dâu người Trung Quốc. Có khoảng 40% cô dâu Việt sống ở nông thôn Hàn Quốc. 

Khó khăn về kinh tế, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa là một trong những nguyên nhân xảy ra xung đột và bạo hành trong những gia đình cô dâu Việt - Hàn. Bà Yang Seung Joo cho biết, đa số các vụ bạo hành trong gia đình Hàn - Việt xảy ra ở nông thôn.

Đến thăm Trung tâm hỗ trợ cô dâu người nước ngoài tỉnh Incheon, chúng tôi đã gặp nhiều cô dâu người Việt, chủ yếu đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long  đang theo học tiếng Hàn tại đây.

Một cô dâu Việt có thâm niên hơn 10 năm ở Hàn Quốc, có cuộc sống khá ổn định, chị Lưu Thị Mỹ Hà - hiện là giáo viên ở trung tâm kể: “Hồi mới qua đây, cũng khó khăn lắm. Nhưng tôi may mắn có mẹ chồng là người Việt, chồng tôi đã từng sống ở Việt Nam nên tôi không cảm thấy cô đơn”.

Được biết, trước 1975, bố chồng chị Hà sống ở Sài Gòn và lập gia đình với một cô gái người Việt. Sau đó, họ về Hàn Quốc, sinh con đẻ cái nhưng vẫn giữ được liên lạc với quê ngoại. Con của họ - chồng chị Hà bây giờ cũng về Việt Nam  làm việc và cưới vợ ở đây.

Đến thăm gia đình chị Hà, chúng tôi ai cũng vui mừng khi chứng kiến cuộc sống ổn định, khá giả của chị. Chồng là kỹ sư xây dựng, chị Hà sống trong một căn hộ cao cấp ở thành phố InCheon trị giá 300 triệu won cùng hai cậu con trai kháu khỉnh.

Chị Hà tâm sự: “Cô dâu Việt có cuộc sống ổn định ở xứ Hàn không nhiều. Đa số các em ở quanh đây có cuộc sống bình thường, thậm chí  có  nhiều em có đời sống kinh tế khó khăn. Cộng với việc các yếu tố khác như bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, nhiều em đã bị “sốc” khi mới đặt chân đến quê chồng”.

Tại Trung tâm hỗ trợ cô dâu người nước ngoài tỉnh Incheon, chúng tôi gặp cô dâu Nguyễn Thị Thủy, 27 tuổi, quê ở Trà Vinh, mới qua Hàn Quốc được 4 tháng. Thủy cho biết, chồng cô 47 tuổi, làm nghề  lái xe tải, thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải, cuộc sống thường nhật. Ước nguyện cũng là kế hoạch lấy chồng để thoát nghèo của Thủy coi như phá sản.

“Không biết tiếng Hàn, chồng thì đi làm suốt ngày, em ở nhà đi ra đi vô, làm việc nhà như một cái bóng. Nhớ cha mẹ, mấy đứa em ở quê lắm nhưng không dám gọi điện thoại về, phần vì không có tiền, phần vì sợ cha mẹ lo vì mỗi lần gọi là em khóc, không cầm lòng được”, Thủy ngân ngấn nước mắt.

Được một người bạn cùng quê cũng có chồng người Hàn Quốc giới thiệu, Thủy đến Trung tâm hỗ trợ cô dâu người nước ngoài tỉnh Incheon để được giúp đỡ. Cô được học tiếng Hàn, học cách lạy mẹ cha, học nấu ăn, nữ công gia chánh và học cả cách đi… xe buýt.

Có “kinh nghiệm” làm dâu  xứ người, chứng kiến nhiều chuyện đau lòng xảy ra đối với các cô dâu người Việt ở Hàn Quốc, chị Hà  cảnh báo: “Cần phải  xác định qua đây lấy chồng là để tìm hạnh phúc hay vì mục đích kinh tế. Nếu vì hạnh phúc thì phải hiểu nhau, yêu nhau.

Còn nếu vì mục đích kinh tế thì phải tìm hiểu gia thế của chồng đầy đủ.  Các em  vì mục đích “hy sinh bản thân vì gia đình”, sang đây với hy vọng có thể dành dụm tiền gửi về giúp đỡ gia đình,  nếu chẳng may gặp phải gia đình chồng khó khăn thì sự “hy sinh” này trở nên  vô ích.

Nhiều em bực bội, bức xúc, thất vọng vì thực tế không như kỳ vọng khiến cho cuộc sống gia đình càng nặng nề. Bi kịch tất yếu xảy ra.

Làm phiên dịch, tư vấn  ở một trung tâm hỗ trợ cô dâu Việt ở thủ đô Seoul, Nguyễn Thị Mai Phương- sinh viên khoa Tiếng Hàn ĐH Quốc gia Seoul kể: “Gặp nhiều trường hợp xót xa  lắm anh ạ. Có một chị quê ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày qua Hàn Quốc đến nay, do khí hậu khắc nghiệt, làm việc vất vả nên ốm đau quặt quẹo luôn, người gầy nhẳng nhưng gia đình chồng không cho tiền đi bệnh viện (viện phí ở Hàn Quốc cực đắt). Chị ấy gọi điện thoại đến Trung tâm cầu cứu. Em đã phải quyên góp tiền từ các bạn sinh viên để giúp chị ấy trang trải thuốc men”.

Cũng theo lời Phương, cô thường xuyên nhận những cuộc điện thoại với nội dung như: “Chị ơi, hãy nói với chồng em đừng đánh đập em nữa. Em đau lắm”, “Chị ơi, chồng em thường xuyên đi uống rượu về rồi về đập phá đồ đạc, sợ lắm”…

Chính phủ Hàn Quốc cũng... đau đầu

Bà Yang Seung Joo, Cục trưởng Cục Chính sách gia đình, thuộc Bộ Phụ nữ và Bình đẳng giới Hàn Quốc bày tỏ mối quan tâm đến thực trạng ngày càng có nhiều cô dâu ngoại quốc lấy chồng người Hàn. Theo bà Yang Seung Joo, nếu các cô dâu nước ngoài thích nghi được với cuộc sống ở Hàn Quốc thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng nếu họ không thích nghi được, sẽ xảy ra nhiều hệ lụy.

Đặc biệt, lo ngại nhất là thế hệ con em họ. Nếu không được chăm lo, nuôi dạy tốt, các cháu cũng sẽ không thích nghi được với cuộc sống xã hội sau này thì đây quả là  một vấn đề đáng lo về phát triển kinh tế xã hội.

Bà Yang Seung Joo cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã rất quan tâm đến vấn đề cô dâu ngoại quốc. Nhiều vụ bạo hành xảy ra trong các gia đình cô dâu ngoại quốc  gây bức xúc dư luận và khiến giới chính quyền rất “đau đầu”. Do vậy, trong thời gian vừa qua, Chính phủ nước này đã có nhiều  động thái tích cực để cải thiện tình hình. 

Cuối năm 2007, các nghị sỹ bắt đầu vận động để Quốc hội nước này phê chuẩn một đạo luật nhằm quản lý các công ty môi giới hôn nhân. Theo đó, các công ty này phải cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe và tình trạng tài chính của các chú rể với các cô dâu ngoại quốc. Nếu cung cấp sai thông tin, sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị tù.

Để ngăn chặn những vụ bạo hành, Chính phủ Hàn Quốc đã  công bố số điện thoại 15771366  thuộc đường dây nóng chống bạo hành đối với cô dâu người nước ngoài bằng 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt Nam (các thứ tiếng khác gồm: Anh, Nga, Mông Cổ, Philippines, Trung Quốc). 

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã cho xây dựng  38 trung tâm hỗ trợ cô dâu người nước ngoài  rộng khắp trong cả nước và dự kiến trong năm 2008 sẽ phát triển khoảng 40 trung tâm nữa. Tại đây, các cô dâu người nước ngoài được học tiếng Hàn, học văn hóa ứng xử, học nữ công gia chánh… miễn phí. 

Nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng đang được Chính phủ và nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở Hàn Quốc triển khai nhằm hỗ trợ các cô dâu người nước ngoài như ưu tiên chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đối với thế hệ con lai; giảm giá vé máy bay cho các cô dâu người nước ngoài về thăm quê hương…            

"Dù cùng văn hóa, ngôn  ngữ nhưng tỷ lệ ly hôn giữa những cặp vợ chồng người Hàn ngày càng tăng bởi đời sống hôn nhân là một quá trình phức tạp. Đời sống hôn nhân của những gia đình cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc càng khó khăn hơn vì bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng các cô dâu Việt đừng nghĩ mình đang đơn độc ở Hàn Quốc. Chúng tôi luôn bên cạnh các bạn”- Cục trưởng Yang Seung Joo trả lời báo chí Việt Nam

MỚI - NÓNG