Chuyện ghi ở Trung tâm thương binh lớn nhất nước

Chuyện ghi ở Trung tâm thương binh lớn nhất nước
TPO – Cả nước có 5 Trung tâm thương binh thì Thuận Thành, Bắc Ninh là trung tâm lớn nhất trong số đó, cả về quy mô lẫn số thương binh nặng. 90% thương binh tại đây bị thương ở cột sống, phải gắn phần đời còn lại bên chiếc xe lăn.

Đẩy xe lăn 40km đi hỏi vợ

Ở trung tâm này, vợ chồng anh Phạm Văn Tư được nhiều người biết tới bởi nghị lực vươn lên và cả câu chuyện tình của họ. Anh Tư từng là lính công binh, chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam năm 1979. Trong một lần đi tìm thi thể các đồng đội đã hy sinh, anh bị vướng mìn. Tỉnh dậy trong trạm quân y dã chiến, các bác sỹ cho biết cột sống của anh bị tổn thương, vĩnh viễn mất đi khả năng điều khiển đôi chân.

Năm 1980, anh Tư được chuyển về Trung tâm Thuận Thành. Chị Phương, vợ anh khi đó đang là điều dưỡng viên tại đây. Tình yêu giữa hai người nảy nở, họ quyết tâm đến với nhau dù bị gia đình chị Phương phản đối quyết liệt. Để thuyết phục gia đình người yêu, anh Tư một mình đẩy xe lăn 40km từ Thuận Thành về Khoái Châu, Hưng Yên gặp mặt. Chị đạp xe đằng trước, anh đẩy xe lăn theo sau. Những đoạn nhiều ổ gà, xe lăn khó đi, chị phải lấy dây thừng nối xe đạp và xe lăn lại rồi đạp xe kéo anh đi.

Về đến nhà, quần áo của hai người thấm đẫm mồ hôi. “Cũng có lẽ, sự quyết tâm đến với nhau như thế là một trong những nguyên nhân gia đình nhà vợ đồng ý cho chúng tôi đến với nhau”, anh Tư mỉm cười kể lại.

Lấy nhau, sinh con trong thời bao cấp, khó khăn chồng chất đè nặng lên đôi vai hai người. Loay hoay thử nuôi lợn, nuôi gà không mang lại kết quả, may lắm cũng chỉ hoà vốn. Nhớ lại nghề sửa ắc quy học được trong quân ngũ, anh Tư quyết định thu mua linh kiện ắc quy về sửa, lắp lại rồi đem bán. Anh Tư kể, mỗi chiều đi làm về, chị Phương đạp xe cả chục km đi mua vỏ ắc quy, axít, cực kẽm v.v. mang về cho chồng.

Mới tập làm, nhiều hôm anh Tư thức trắng đêm để kịp tiến độ giao hàng. Nhiều đêm tỉnh giấc, chị Phương lại thấy chồng mình ngồi giữa đống linh kiện ắc quy ngổn ngang, axit vương vãi khắp nơi. Chị Phương tâm sự: “Hồi đó chỉ biết axit độc, nhưng làm nghề thì không tránh được. Chồng tôi chỉ đeo một chiếc khẩu trang ngồi làm, cũng may chưa từng bị axit đổ vào người lần nào”.

Dần dần, anh Tư mày mò học thêm được cả nghề sửa quạt, sửa máy bơm, máy biến thế cỡ nhỏ v.v. Không những thế, anh còn tổ chức lớp học miễn phí cho các đồng đội trong Trung tâm. Ngoài chuyện lo cơm áo gạo tiền, anh chị quyết tâm để cậu con trai duy nhất đi học đàng hoàng. Tiếp nối nghề cha, con trai của anh chị giờ đã là sinh viên khoa Điện tử - Cơ khí, Cao đẳng Bách Khoa.

Nỗi đau chiến tranh chưa lành

Thương binh Nguyễn Văn Sử bên vợ và con, cháu. Ảnh: Văn Việt
Thương binh Nguyễn Văn Sử bên vợ và con, cháu. Ảnh: Văn Việt.

Ở Trung tâm thương binh Thuận Thành, không phải ai cũng có may mắn như vợ chồng anh Tư, chị Phương. Vết thương chiến tranh còn chưa buông tha gia đình ông Nguyễn Văn Sử, thương binh tại mặt trận miền Đông Nam bộ những năm chống Mỹ.

Người con trai đầu tiên của ông Sử bị di chứng chất độc da cam, năm nay đã 30 tuổi nhưng trí não chỉ như đứa trẻ lên năm. Cô con gái út khoẻ mạnh bình thường, nhưng không được gia đình chồng thừa nhận. Ông Sử ứa nước mắt tâm sự: “Ngày hai đứa lấy nhau, chỉ có gia đình nhà tôi, chứ bên thông gia nhất quyết không tới. Họ sợ đứa con đầu của tôi bị di chứng, thì con gái cũng có vấn đề”.

Bế trên tay đứa cháu trai kháu khỉnh hai tháng tuổi, ông Sử bảo, đến tận khi con gái ông sinh cháu trai bụ bẫm, nhà thông gia vẫn không một lần thăm hỏi!

Tiếp chúng tôi trong cái nóng gay gắt của mùa hè, trên xe lăn của ông Sử vẫn phải gắn thêm chiếc đệm. Ông cho biết, hầu hết các thương binh tại trung tâm đều phải gắn thêm đệm trên xe lăn như thế, bất kể trời nóng lạnh. “Hai chân còn lành lặn nhưng mất khả năng điều khiển, năm tháng qua đi, cơ teo lại nên phải lắp thêm đệm nếu muốn ngồi lâu. Không có đệm, nhức xương không ai chịu nổi”, ông Sử cho hay.

Niềm vui khi có cháu ngoại càng khiến ông bà sốt ruột hơn bởi cậu con trai thứ hai lấy vợ đã hai năm mà chưa có người nối dõi. Vợ ông Sử bảo, hai vợ chồng đã đi khám bệnh nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. “Tôi chỉ sợ, thân thể đầu óc nó lành lặn, khoẻ mạnh nhưng biết đâu di chứng chất độc da cam lại không buông tha nó!”, nói đến đây, hai vợ chồng ông Sử bật khóc. Cậu con cả ngơ ngác nhìn bố mẹ, ú ớ điều gì đó không ai hiểu…

Ông Nguyễn Khắc Dư - Giám đốc Trung tâm thương binh Thuận Thành cho biết, hiện ở trung tâm có hơn 20 nam thương binh và hai nữ thương binh không xây dựng gia đình vì nhiều lý do. Phần đời còn lại của họ phải gắn với trung tâm, bởi bệnh nặng không thể về nhà điều dưỡng. Do di chứng vết thương cột sống, dẫn đến nửa người bên dưới bị teo cơ, mất cảm giác (không tự chủ được sinh hoạt cá nhân). Nhiều thương binh mắc thêm các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận, viêm đường tiết niệu, loét lưng v.v.

MỚI - NÓNG