Chuyên gia bày cách thoát khỏi đám cháy và sơ cứu khi bị bỏng

Chuyên gia bày cách thoát khỏi đám cháy và sơ cứu khi bị bỏng
TP - Trao đổi với Tiền Phong PGS.TS Nguyễn Như Lâm, Phó giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết để thoát khỏi đám cháy phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Thậm chí bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi men theo bờ tường thoát ra ngoài. 

Ngay khi có cháy nên tìm khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có). Trường hợp muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, màn nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục. 

Cố gắng di chuyển nhanh đến lối thoát nạn an toàn không bị khói, bụi, đám cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy uy hiếp tới tính mạng. Nếu thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang hãy gây chú ý với nhân viên cứu hỏa bằng cách vẫy tay, la hét.

Theo TS Lâm, nếu bị lửa làm cháy quần áo, không nên di chuyển nữa, lập tức che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Đặc biệt khi bị bắt lửa vào quần áo không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động. 

Nếu sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, khi có đám cháy, tuyệt đối không di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy vì tình trạng hỗn loạn khi có sự cố, dễ bị mắc kẹt trong thang máy do bị mất điện. Trên đường thoát ra ngoài nếu phải vượt qua một hành lang đầy khói, hãy nằm xuống và bò. Vì càng ở dưới thấp và gần cửa thì không khí thoáng hơn.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Như Lâm, sau khi thoát khỏi đám cháy nạn nhân cần được kiểm tra chức năng sống, hô hấp, tim mạch. Nếu có rối loạn chức năng sống phải cấp cứu ngay. Nếu chức năng sống không bị ảnh hưởng nghiêm trọng lập tức dùng nước mát trắng sạch làm nguội vùng da thịt bị bỏng.

“Nước mát trắng sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng đá lạnh hoặc các chất khác như kem đánh răng, nước mắm, rượu ngâm thuốc bôi vết bỏng. Tiếp đó ủ ấm cho nạn nhân và bù điện giải bằng cách pha oresol cho nạn nhân uống từng ngụm nhỏ trong lúc chờ nhân viên y tế đến chăm sóc”, bác sĩ Lâm nói.

Bác sĩ Lâm cũng lưu ý, trong các vụ cháy nguy cơ bị chấn thương do chạy thoát có thể gặp như chấn thương cột sống, sọ não, gãy xương, sai khớp, vết thương phần mềm chảy máu. Những tổn thương này dễ bị bỏ qua nên khi sơ cứu phải lưu ý để xử lý kịp thời.

Cầm máu, cố định xương, nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ lưu ý không bế bệnh nhân dậy vì dễ gây tổn thương tủy sống dẫn tới liệt. Tốt nhất là sơ cứu tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

Theo PGS.TS Nguyễn Như Lâm, do mất nước qua vết bỏng, rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông) nên bệnh nhân bỏng rất dễ bị sốc nặng. Để phòng sốc, bù dịch càng nhanh càng tốt, đơn giản nhất là cho uống nước, đặc biệt những nước khoáng, muối… Cấp cứu bỏng tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải khẩn trương, linh hoạt. Người cấp cứu thành thạo có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm cho nạn nhân. 70% số nạn nhân bỏng nếu được giữ sạch, sẽ lành tự nhiên.

MỚI - NÓNG