Chuyện Hồ Gươm

Chuyện Hồ Gươm
1. Người Việt mình, nhất là những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước, nhưng mỗi khi nhớ về Hà Nội là lại nhắc đến Hồ Gươm với nỗi niềm tha thiết…

>> Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm sẽ bị xếp vào ngăn kéo?

Do nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô, đất ở đây được tính bằng nhiều cây vàng một mét vuông, nên vì lợi ích kinh tế, lại được chính quyền khuyến khích theo chủ trương kêu gọi đầu tư trong giai đoạn đầu bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã xây nhiều công trình trụ sở văn phòng, ngân hàng có khối tích lớn thậm chí cao lừng lững mười mấy tầng, mặt ngoài ốp kính màu trông như bức tường thành bao bọc lấy Hồ Gươm, biến hồ như một cái ao!

Đã có nhiều chủ trương, phương án cải tạo kiến trúc khu vực Hồ Gươm để bảo vệ giữ gìn cảnh quan kiến trúc văn hóa di sản hồ, nhưng xem ra kết quả vẫn còn xa vời lắm.

Hồ Gươm có tự bao giờ, không thấy tài liệu nào nói chính xác. Chỉ biết, cách đây chừng 6 thế kỷ, vào năm 1490, theo bản đồ thời Hồng Đức có tên là “Trung Đô đồ” thì chung quanh kinh thành khi ấy vẫn mênh mang nước. Hồ Gươm là một phân lưu của sông Hồng có hình loe thắt không đều nhau chạy dài từ phố Hàng Đào, qua phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, tới Hàng Chuối rồi lại thông ra sông Hồng. Nơi loe nhất gọi là hồ, rộng gấp nhiều lần sông Tô, nước quanh năm xanh biếc. Hồ xưa có nhiều tên gọi như: Hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân.

Nhưng cái tên Hồ Gươm, còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 (khoảng năm 1428), gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa thần, sau khi đánh đuổi giặc nhà Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, được nhắc đến nhiều nhất, trở nên gần gũi, thân thương trong lòng người Hà Nội. Trải qua nhiều biến đổi của thời gian, sự bồi đắp vơi đầy của lịch sử, cái nơi loe ra, rộng nhất có màu xanh lục huyền ảo với truyền thuyết hào hùng và lãng mạn ấy, giờ đã trở thành di sản kiến trúc văn hóa, viên ngọc quý long lanh giữa lòng Hà Nội ngàn năm tuổi.

Hà Nội vốn là vùng đất của cây xanh, mặt nước. Qua hơn 130 năm đô thị hóa, nếu tính từ năm 1875, khi người Pháp bắt đầu thực hiện chính sách cai trị và khai thác thuộc địa ở nước ta cho đến sau khi miền Bắc được giải phóng 1954, rồi tiếp tục đến năm 1985 và đặc biệt từ những năm đổi mới đến nay, rất nhiều sông hồ Hà Nội bị biến mất, bởi công cuộc xây dựng, cải tạo và mở rộng Thủ đô.

Nhưng may thay, trong cái cuộc xoay vần thế sự và xây dựng ào ạt bằng mọi giá của con người thì Hồ Gươm, cái hồ nhỏ bé, xinh xắn và huyền thoại, rộng hơn 11 ha, nằm ở trung tâm Hà Nội, giáp khu phố cổ 36 phố phường với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên… và cụ Rùa hàng trăm tuổi kia, hầu như không mấy bị ảnh hưởng.

Hồ vẫn quanh năm xanh mướt màu lục thủy. Chung quanh hồ vẫn thướt tha hàng liễu rủ. Những cây lộc vừng cổ thụ vẫn lặng lẽ thả từng chùm dây hoa đỏ như muôn ngàn chiếc đèn lồng nhỏ tí xíu, lung linh trên mặt hồ vào cuối xuân… đủ làm ta ngẩn ngơ, rung động. Hơn 10 năm trở lại đây, Hồ Gươm luôn được chính quyền thành phố quan tâm, chăm sóc, từ trồng thêm cây, trồng hoa, thảm cỏ, lát đá, gạch màu, lắp đèn chiếu sáng trên con đường dạo quanh hồ đến chỉnh trang các công trình kiến trúc làm cho Hồ Gươm càng thêm đẹp, thêm hấp dẫn.

2. Hồ Gươm không lớn, không mênh mông như Hồ Tây rộng tới hơn 500 ha, cũng là một danh thắng của Hà Nội. Chỉ nhỏ bé, xinh xắn như một lẵng hoa thôi, nhưng Hồ Gươm lại có vị trí thật đặc biệt, thật thiêng liêng mà không một nơi nào trong thành phố này có được. Nằm ở vị trí trung tâm, hồ là nơi kết nối giữa khu phố cổ với khu phố Tây theo phong cách kiến trúc quy hoạch châu Âu mà người Pháp thực hiện cách đây hơn thế kỷ.

Hồ như lòng bàn tay và các ngón tay là những con đường thân quen của Hà Nội, từ các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… của khu phố cổ đến phố cũ Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu… Tất cả như những “dòng sông phố” chảy về Hồ Hoàn Kiếm.

Ngày cũng như đêm, nhịp sống ở quanh khu vực hồ luôn sôi động và náo nhiệt. Nữ văn sỹ người Anh C. Hawland, khi đến Hà Nội đã thật tinh tế nhận xét, Hồ Gươm như một cái đèn kéo quân khổng lồ, kéo nhịp sống nơi đây quay mãi, quay mãi… theo dòng thời gian vô cùng tận.

Tôi còn nhớ, vào những năm cuối thập niên 50 và 60, dân cư Hà Nội còn chưa đông đúc như bây giờ. Giao thông trong thành phố chủ yếu bằng xe đạp. Xe máy ít lắm, chỉ nhà khá giả mới có. Ô tô con càng hiếm, chủ yếu là xe com măng ca, thi thoảng mới gặp chiếc xe Pôpêđa do Liên Xô sản xuất dành cho cán bộ cao cấp chạy quanh bờ hồ. Đi lại công cộng chỉ có tầu điện, chưa có xe buýt.

Bên bờ hồ, phía nhà Ủy ban Hành chính thành phố có đường tầu điện chạy từ chợ Mơ qua phố Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài lên bờ hồ đến chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu, Quán Thánh rồi Thụy Khuê đến Bưởi. Bến tầu điện Bờ Hồ ở chỗ nay là tòa nhà thương mại một thời có tên là “hàm cá mập”. Thời ấy, người Hà Nội không ai là không đi tầu điện, bởi cái sự thuận tiện của nó mà giá lại rẻ, chỉ mất 5 xu là có thể đi từ bờ hồ vào đến tận ga cuối mãi tít Hà Đông.

Những ngày nghỉ học, tôi và mấy đứa bạn cùng phố thường rủ nhau ra bờ hồ nhảy tầu lên chơi Bách Thảo, Thụy Khuê. Chao ôi! Cái tiếng tầu điện leng keng! leng keng… đều đặn từ sáng sớm tinh mơ cho đến giữa đêm khuya bất kể mưa nắng, thời gian… dẫu đã mấy chục năm rồi, vẫn cứ còn leng keng đâu đây trong ký ức của một thời thơ trẻ! Ngày xưa ấy, cụm từ “đi chơi Bờ Hồ” rất quen thuộc không chỉ với lũ trẻ con chúng tôi, mà trong nhà, khi nào khen con trẻ ngoan, chăm học, người lớn thường hay bảo: “Cho đi chơi ăn kem Bờ Hồ!”. Những ngày hè oi ả, nóng nực, được ra Bờ Hồ chạy nhảy, hóng những cơn gió mát lành từ hồ, rồi được ăn một que kem Thủy Tạ, Bốn Mùa thì khoái biết chừng nào!

Hàng trăm năm trôi qua, biết bao đời người, phận người đã đến và đi qua bờ Hồ Hoàn Kiếm. Cảnh vật, kiến trúc chung quanh hồ cũng đã nhiều thay đổi. Trước đây, kiến trúc khu vực này chủ yếu là nhà hai ba tầng, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ, kể cả trụ sở công quyền như Tòa Thị chính thành phố, rất hài hòa với cảnh quan Hồ Gươm với những kiến trúc nhỏ, giản dị như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Sau này, nhất là hai chục năm trở lại đây, kiến trúc quanh hồ và khu vực hồ đã có nhiều biến đổi theo hướng tiêu cực.

Do nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô, đất ở đây được tính bằng nhiều cây vàng một mét vuông, nên vì lợi ích kinh tế, lại được chính quyền khuyến khích theo chủ trương kêu gọi đầu tư trong giai đoạn đầu bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã xây nhiều công trình trụ sở văn phòng, ngân hàng có khối tích lớn thậm chí cao lừng lững mười mấy tầng, mặt ngoài ốp kính màu trông như bức tường thành bao bọc lấy Hồ Gươm, biến hồ như một cái ao! Đã có nhiều chủ trương, phương án cải tạo kiến trúc khu vực Hồ Gươm để bảo vệ giữ gìn cảnh quan kiến trúc văn hóa di sản hồ, nhưng xem ra kết quả vẫn còn xa vời lắm.

Mới gần đây, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã tổ chức một cuộc thi lớn với giá trị tiền thưởng lên tới hơn trăm ngàn đô la có tên “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận” thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cũng có giải, trao giải nhưng không có kết luận là tiếp tục để triển khai thực hiện hay không. Nhiều nhóm tác giả đã đưa ra phương án khá táo bạo, phá đi cả đoạn phố trên đường Đinh Tiên Hoàng, cải tạo Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, làm không gian ngầm dưới mặt đất để làm nơi để xe, trung tâm thương mại.v.v... Có phương án quyết liệt hơn là phá bỏ tòa nhà UBND TP hiện nay, kiến trúc thô kệch...

Dù cách này hay cách khác, thì cuộc thi cũng hướng đến mục đích rất tốt đẹp, là “xây dựng nơi đây thành trung tâm văn hóa, giao lưu cho người dân Hà Nội, tạo sự hài hòa giữa nhộn nhịp và sự thanh lịch” (Nikken Sekkei Civil Engineering LTD - Nhật Bản). Hay coi Hồ Gươm “như một viên ngọc quý đầy bụi bẩn, tạp chất, cần phải được làm sạch một cách kiên quyết” của nhóm tác giả 1+1>2 Group – Academia. Còn nói như KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thì: “Hồ Gươm và khu vực phụ cận là tài sản không của riêng ai. Vì vậy, đừng ai biến tài sản đó thành của riêng mà hãy góp sức làm đẹp thêm cho cộng đồng”. Tôi thấm thía lời khuyến cáo ấy của ông!

Chuyện Hồ Gươm ảnh 1
Cây lộc vừng bên Hồ Gươm thay áo đón Xuân Canh Dần. Ảnh : Công Khanh

3. Chuyện về Hồ Gươm thì nhiều lắm. Buồn vui, hỉ nộ ái ố đều có cả. Nhưng, nghĩ cho cùng thì cũng chỉ vì yêu quá mảnh đất thiêng, hồ thiêng của đất kinh kỳ ngàn năm tuổi mà nghĩ suy dông dài như thế! Những ngày cuối năm, bên Hồ Gươm, một lễ hội hoa vừa diễn ra. Tôi đã cùng vợ, người con gái dịu hiền của Hà Nội, hòa vào dòng người đông bất tận để mà thưởng thức, để mà cảm thụ một lễ hội hoa theo đúng nghĩa của nó - rất Hà Nội!

Vợ chồng tôi thực xúc động khi gặp lại hình dáng cái tầu điện cũ kỹ thủa nào, rồi cầu Long Biên, làng lúa làng hoa với thấp thoáng bóng cò trắng muốt… Chao ôi! nhìn những nụ cười hồn nhiên, tươi trẻ của các trai thanh gái lịch đất Hà thành trong lễ hội hoa, tôi như thấy mình trẻ lại, thanh thản hơn, trong sáng hơn.

Hà Nội của tôi, Hồ Gươm của tôi cứ bình dị và thân thương như thế.

KTS Phạm Thanh Tùng
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG