Xe vẫn cháy, vì đâu?

Xe vẫn cháy, vì đâu?
TP - Hình ảnh những chiếc xe đột nhiên bốc cháy rừng rực giữa phố phường, đã trở nên quen mắt. Chuyện lạ thành quen bởi hầu như ngày nào cũng có xe cháy suốt cả nửa năm nay, ô tô, xe máy đủ loại.

> Nguyên nhân cháy, nổ xe: Vẫn tranh cãi

Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc truy tìm nguyên nhân, song "thủ phạm" vẫn dường như bặt vô âm tín.

Nhiều nhà khoa học vào cuộc, nhiều cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức, nhưng hầu hết các lý giải đưa ra đều chưa thực sự thuyết phục, thậm chí là trái chiều nhau.

Tại hội thảo "Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ" diễn ra tại Hà Nội sáng qua, một số nhà khoa học cho rằng, xăng dầu dởm pha nhiều tạp chất là nguyên nhân gây cháy xe. Tuy nhiên luồng ý kiến buộc tội cho động cơ xe máy, ô tô cũng mạnh mẽ không kém.

Các công ty xăng dầu thì đương nhiên bác bỏ thẳng thừng quan điểm đổ tội cho xăng dầu của họ. Vị lãnh đạo Petrolimex lập luận: Nhà nước có quy chế kiểm tra chất lượng xăng dầu nghiêm túc, gồm 15 chỉ tiêu rất khắt khe, hơn cả kiểm tra chất lượng dược phẩm và sữa (?).

Cuối cùng, vị Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Trần Quốc Tuấn kết luận: "Cho đến giờ phút này chưa có cơ sở khoa học nào để kết luận rằng nguyên nhân gây cháy nổ động cơ ô tô, xe máy là do xăng, dầu".

Ngoại trừ có kẻ châm lửa đốt xe, chắc chắn chỉ có hai "nghi phạm", không xăng thì động cơ hoặc ngược lại. Nếu tại động cơ, không lẽ hàng loạt động cơ đủ chủng loại từ ô tô đến xe máy, từ xe Tàu, xe Nhật, xe Hàn đến Đức, Mỹ... bỗng dưng "rủ nhau" cùng cháy, bởi bao năm nay chúng đâu có cháy rộ đến mức báo động như hiện nay.

Trong hai "nghi phạm", cái ít biến đổi hơn chính là động cơ, cái thường xuyên thay đổi, vơi lại đầy chính là xăng dầu. Do vậy, luồng ý kiến nghi cho xăng dởm, nhất là sau hàng loạt vụ cây xăng pha tạp chất bị phát hiện, cũng không phải là không có cơ sở.

Con đường đi của xăng dầu từ bồn chứa của các đầu mối nhập khẩu tới cây xăng bán lẻ bên đường ra sao, ai kiểm soát, liệu có bị rút ruột rồi pha tạp chất? Sau phóng sự điều tra của báo Thanh Niên hồi đầu năm, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, có quyền nghi ngờ về con đường "mất kiểm soát" này.

Bất chấp những luồng ý kiến, những tranh luận sôi nổi bên trong các phòng họp, ngoài đường xe vẫn tiếp tục cháy. Chỉ mỗi khổ chủ là giật mình ngơ ngác, bất lực đứng nhìn tài sản của mình trong phút chốc biến thành đống sắt vụn nghi ngút khói.

Hình ảnh cận cảnh chiếc xe máy Attila cháy rừng rực đến trơ xương trên xa lộ Hà Nội (phường Phước Long A, quận 9, TPHCM) hôm 23-4 trên bản tin thời sự VTV1, hình ảnh người phụ nữ bịt khẩu trang đau xót đứng nhìn "của đi thay người" mà thấy xót xa. Lẽ nào không ai phải chịu trách nhiệm, không có bên nào phải bồi thường cho người dân sao ?

Nghe nói, hôm nay hai Bộ Công an và Khoa học & Công nghệ sẽ họp báo công bố kết quả phân tích các vụ cháy xe vừa qua. Hy vọng mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ để dân nhờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG