Giảm phát, tăng giá

Giảm phát, tăng giá
TP - Như thường lệ, sau khi lạm phát qua đi là nỗi lo giảm phát xuất hiện. Chỉ có điều, nếu phỏng vấn các nhà doanh nghiệp sẽ thấy rõ giảm phát đang là một thực tế chứ không còn là e ngại, khi hàng hóa tồn đọng chứng tỏ sức mua giảm trông thấy.

> Kinh tế Việt Nam ‘có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất’

Trong tình cảnh như thế, điều mà người dân mong đợi là những chính sách uyển chuyển khoan thư sức dân của cơ quan quản lý. Nhưng những gì đang diễn ra, thấy thiếu vắng sự uyển chuyển rất cần thiết ấy.

Sau khi lạm phát tạm thời được đẩy lùi, việc đầu tiên mà Chính phủ thực hiện nhằm vực dậy nền kinh tế chính là giảm lãi suất cơ bản, hòng khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất. Nhưng chuyện hạ lãi suất đầu vào và thả lỏng đầu ra cho đến nay chỉ mang tính “trình diễn”.

Cơn khát vốn của các doanh nghiệp gần như còn nguyên, trong khi nhiều ngân hàng thương mại như múa tay trong bị. Cơ sở cho việc giảm lãi suất đến từ thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng gần đây đã giảm. Cụ thể, tháng 6-2012 giảm 0,26% so với tháng trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, CPI giảm trong bối cảnh nền kinh tế thắt chặt, tín dụng, đầu tư và sức mua đều giảm.

Đáng chú ý nữa là, dù lãi suất cơ bản đầu vào giảm còn 9% nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, mức này vẫn là thực dương, vẫn thỏa mãn người gửi tiền trong bối cảnh làm ăn khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa đủ sức tạo lợi nhuận cạnh tranh với lãi suất ngân hàng.

Trong bối cảnh ấy, thắt cái gì, mở cái gì cho đúng, đảm bảo lạm phát không quay trở lại nhưng đủ để kích thích nền kinh tế phát triển là cực kỳ quan trọng. Ai cũng hiểu doanh nghiệp là hạt nhân của nền kinh tế.

Nhưng trong lúc giảm phát mà nguồn vốn, tuy danh nghĩa là đã mở nhưng thực tế vẫn là cánh cửa hẹp, nguồn nguyên phụ liệu đầu vào quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng như giá điện, giá nước vẫn tăng và còn rục rịch tăng thì sự khó khăn của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện dài kỳ, nói mãi.

Có chuyên gia phát biểu rằng “đừng nhìn vào chỉ số CPI giảm rồi ngành điện bèn tăng giá, đó là sự sai lầm lớn”.

Nhưng cũng cần nói cho rõ, ngành điện, hay Tập đoàn Điện lực (EVN) không sai mà cái sai thuộc về những cơ quan duyệt cho ngành điện tăng giá, bồi thêm cho các doanh nghiệp một cú đánh chí mạng.

CPI giảm, giá các mặt hàng giảm thì vui đấy, nhưng người tiêu dùng cạn túi, doanh nghiệp lay lắt thì cả nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng đông cứng.

Mà nếu cả nền kinh tế chết lâm sàng vì yếu kém, vì sự thiếu hiệu quả của một vài ngành độc quyền thì quả là một cái chết tức tưởi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG