Đánh bóng

Đánh bóng
TP -Trong khi thế giới chẳng có nơi đâu gắn "sao" được Tổng cục du lịch và Bộ y tế gắn ít nhất cho 3 bệnh viện ở khu vực phía Nam. Gắn sao cho bệnh viện trở thành "bệnh phô trương" của những người làm y tế tư nhân hơn là thể hiện chuyên môn thực sư.

> Loạn bệnh viện gắn “sao”

Cách đây 6 năm, Bộ Y tế thực hiện thí điểm xếp hạng chất lượng cho các bệnh viện. Và sau đó, bệnh nhân ngỡ ngàng vì họ biết được bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn tại TPHCM được gắn “4 sao”.

Nếu như không nhìn tấm bảng to tướng ghi tên bệnh viện, rất có thể nhiều người ngầm hiểu bệnh viện này là “khách sạn ”. Việc gắn “sao” gây ra nhiều tranh cãi lúc đó.

Theo Bộ Y tế là bệnh viện đảm bảo tốt 2 tiêu chuẩn cơ bản về cung cấp dịch vụ y tế và cung cấp một số dịch vụ khác, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiêu chuẩn buồng bệnh, tinh thần và thái độ phục vụ của nhân viên cùng chế độ ăn uống theo bệnh lý.

Vậy nhưng, không lâu sau đó là hàng loạt đơn thư khiếu nại của bệnh nhân về những tắc trách chuyên môn tại đây lại bùng lên khiến nhiều người đặt câu hỏi: Chất lượng có lóe sáng như “sao”.

Ít lâu sau, người ta lại thấy thêm một khách sạn bệnh viện “5 sao” khác mọc lên ở TPHCM. Khác ở chỗ, bệnh viện này lại được Tổng cục du lịch gắn sao chứ không phải Bộ Y tế.

Giải thích từ ngành du lịch, cho thấy họ gắn sao cho bệnh viện theo tiêu chí của một khách sạn “5 sao” chứ không liên quan đến việc khám chữa bệnh. Vậy là cái mác “sao” này cũng để chỉ dấu rằng nơi đây có dịch vụ ăn ở, ngủ nghỉ… như khách sạn chứ không phải “sao” cho điều trị?!.

Mỗi lần nhắc đến chuyện gắn “sao” cho bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng- Tổng thư ký Hội hành nghề y dược tư nhân TPHCM nói rằng, hai khái niệm khách sạn và bệnh viện hoàn toàn khác nhau.

Và vì vậy, bệnh viện là bệnh viện- nơi điều trị, còn khách sạn thì phải là khách sạn, nơi để ăn nghỉ, không nên đánh đồng gây ngộ nhận cho người bệnh.

Mà sự thật đã có không ít ngộ nhận, nhầm lẫn vì khách sạn bệnh viện sao này. Theo ông ở bệnh viện chất lượng điều trị phải đặt lên hàng đầu.

Không chỉ gắn “sao” rình rang, hàng loạt bệnh viện tự đánh bóng bằng nhãn mác “bệnh viện đẳng cấp quốc tế” hay “tiêu chuẩn quốc tế”. Và vì đẳng cấp và tiêu chuẩn quốc tế hay bệnh viện “5 sao” nên người bệnh vào đây đều là những “thượng đế” lắm tiền.

Một ngày nằm giường thường ở các bệnh viện này, ít nhất cũng đốt từ 1,2-3 triệu đồng/người. Đẳng cấp là vậy, nhưng không phải chuyên môn của bệnh viện này tương xướng với nó.

Chỉ trong một tháng trở lại đây, đã có 5 gia đình bệnh nhân tử vong ở BV Pháp- Việt, TPHCM gửi đơn khiếu kiện tới cơ quan chức năng vì những tắc trách của bác sĩ gây ra.

Không ít thân nhân trong số này, thừa nhận cay đắng rằng, họ đã “quá tin vào nhãn mác của bệnh viện”. Loạn sao, loạn nhãn mác tự phong và loạn luôn thật giả y thuật, y đức. Những người quản lý ở đâu lúc này?

Trong khi thế giới chẳng có nơi đâu gắn “sao” cho bệnh viện thì ở Việt Nam “sao” được Tổng cục du lịch và Bộ Y tế gắn ít nhất cho 3 bệnh viện ở khu vực phía Nam. Gắn sao cho bệnh viện trở thành “bệnh phô trương” của những người làm y tế tư nhân hơn là thể hiện chuyên môn thực sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG