Đằng sau sự lãng phí

Đằng sau sự lãng phí
TP - Nhiều tháng nay người dân thủ đô đi lại trên tuyến đường Lê Văn Lương đều băn khoăn tự hỏi: Không hiểu vì sao một phần đường nhựa gần như còn mới tinh lại bị xới tung đem đổ đi?

> Đào đường nhựa, phủ bê tông
> Nhếch nhác đầu đường Lê Văn Lương

Phóng viên Tiền Phong tìm hiểu thì được biết, dự kiến sẽ có khoảng 12 km đường nhựa, trong đó có nhiều đoạn mới khánh thành dịp đại lễ 1.000 năm, bị bóc để làm đường mới cho xe buýt nhanh (BRT) với tổng mức đầu tư 49 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới. Khó hiểu hơn, theo các chuyên gia Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội trong đó có BRT đã được Hà Nội triển khai từ năm 2006, còn tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài sau này mới được xây dựng.

Tính sơ mỗi mét vuông đường nhựa như tại tuyến đường Lê Văn Lương trị giá 600.000 đồng, nếu bóc hết cả 12 km thì hàng triệu USD sẽ không cánh mà bay. Một sự lãng phí ghê gớm, cái giá phải trả cho một quy hoạch giao thông manh mún. Rất may, không hiểu do áp lực dư luận hay chính những người trong cuộc thấy cần phải tiết kiệm, chống lãng phí mà việc bóc đường đã bị dừng lại. Với khoảng 3 km mặt đường nhựa tuyến Lê Văn Lương (mới khánh thành được vài năm) vừa bị bóc dỡ, tổng giá trị “thiệt hại” cũng đã lên tới 12 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2011, Hà Nội có 7.365 km đường giao thông. Chưa ai tính ra những con số lãng phí hoặc lẽ ra có thể tiết kiệm trong việc xây dựng, nâng cấp, bảo trì hơn bảy ngàn km đường kia? Chưa ai tính toán điệp khúc “đào lên, lấp xuống” liên tục tái diễn trên khắp các tuyến đường nội đô tốn kém ra sao, ai là người chịu trách nhiệm? Song các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch giao thông thiếu tầm nhìn, manh mún chính là thủ phạm cho những bất cập, lãng phí đang diễn ra hiện nay.

Đổ lỗi cho công tác quy hoạch, cho chuyên môn nghiệp vụ không hề sai, nhưng chưa đủ. Bởi phía sau những bản quy hoạch, phía sau những quyết định bóc dỡ hàng km đường vừa mới khánh thành chưa lâu, chính là những con người.

Lãng phí thường là cặp bài trùng với tham nhũng. Có ĐBQH còn gọi đích danh đó là tội lãng phí, còn trăn trở rằng tội tham ô thì xử được nhiều song tội lãng phí cũng khủng khiếp không kém (thậm chí hơn) thì chưa xử được ai.

Đằng sau sự lãng phí chính là trách nhiệm, đạo đức của những người thực thi công vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG