Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Chuyển hướng chăn nuôi theo quy mô sản xuất lớn

Chuyển hướng chăn nuôi theo quy mô sản xuất lớn
TP – Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại nước ta sẽ hiệu quả hơn nếu như xóa bỏ được việc chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún.

Nhiều vấn đề bức xúc, những khó khăn trong công tác phòng chống dịch tại địa phương đã được các đại diện Sở NN&PTNT của nhiều địa phương nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm năm 2006 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 12/3 tại Hà Nội.

Theo đại diện của tỉnh Bạc Liêu, một trong những vấn đề cần được đặc biệt lưu ý, đó là phải xã hội hóa công tác phòng chống dịch. “Có những hộ dân ấp nở thủy cầm trái phép rồi đem giấu ở giữa đồng không khai báo với chính quyền địa phương, không tiêm phòng. Khi phát dịch chính quyền mới biết. Ý thức người dân chưa được nâng cao thì làm sao tránh được chuyện dịch không tái phát”- Ông nói.

Mạng lưới thú y cơ sở yếu và thiếu, chế độ chính sách cho cán bộ thú y cấp xã, thôn; lương chuyên trách cho cán bộ, trạm trưởng thú y các vùng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau hiện nay, tỉnh này không có mạng lưới thú y cơ sở nên việc phát hiện dịch rất chậm, kiểm soát dịch vô cùng khó khăn. Trong khi đó, thuỷ cầm nuôi phân tán, nhỏ lẻ, không triển khai tiêm phòng được nên "điều tất yếu là dịch xảy ra".

Cùng chia sẻ vấn đề này, đại diện lãnh đạo các Sở NN-PTNT Vĩnh Long, Cần Thơ, Hương Dương cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho công tác kiểm soát phòng chống dịch tại các địa phương gặp khó khăn là do thù lao dành cho cán bộ thú y ở cơ sở quá thấp.

“Hải Dương chúng tôi phải đấu tranh suốt 3- 4 năm nay mới giải quyết được việc cấp kinh phí với mức 150.000 đồng/tháng cho cán bộ thú y cấp cơ sở. Với mức kinh phí hỗ trợ quá ít như vậy nên cũng phần nào khiến cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch ở địa phương kém. Đề nghị Chính phủ có mức quy định cụ thể như: Ban thú y xã  hàng tháng được bao nhiêu, trưởng thôn được bao nhiêu khi tham gia công tác chống dịch thì tôi tin rằng việc phòng chống dịch sẽ hiệu quả hơn”- Ông Hoàng Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị cần có chính sách quan tâm hơn đối với lực lượng cán bộ thú y cấp thôn, xã. “Chúng tôi cũng phải mất một thời gian khá lâu mới làm được việc là tăng lương cho trạm trưởng thú y từ 290.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng.

Địa phương chủ quan đến mức lơi lỏng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát, tại nhiều địa phương , chính quyền và nhân dân còn tư tưởng chủ quan cho rằng chúng ta đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm nên lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch theo quy định.

Ý thức của các hộ chăn nuôi, kinh doanh chưa cao nên vẫn còn hiện tượng không hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

“Công tác tiêm phòng vaccine trong đợt 2/2006 không được thực hiện nghiêm túc, thực tế còn nhiều đàn gia cầm, chủ yếu là vịt ấp nở trái phép chưa được tiêm phòng. Chỉ riêng trong đợt dịch vừa qua tại ĐBSCL, các địa phương đã phải sử dụng gần 30 triệu liều vaccine để tiêm bổ sung cho đàn gia cầm, thủy cầm chưa tiêm phòng. Điều này cho thấy việc kiểm soát việc ấp nở mới đàn gia cầm dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

"Tôi đi kiểm tra ở các địa phương vẫn gặp phải tình trạng gà ngủ trên cây, trâu bò thả rông trong rừng. Trâu bò nuôi ngay cạnh nhà, thậm chí người một phòng, trâu bò một phòng. Mạng lưới thú y mỏng và nhiều nơi không có. Có địa phương, huy động 70 người mới bắt được 30 con gà trong một ngày để tiêm phòng thì làm sao công tác chống dịch tốt được?"- Bộ trưởng Cao Đức Phát băn khoăn.

Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương vẫn không coi trọng công tác tiêm phòng vaccine cho gia cầm trong khi hiệu lực bảo hộ của vaccine cũng đã giảm nhiều.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra ví dụ, năm ngoái, tỷ lệ bảo hộ trong đàn gia cầm được tiêm là 67% (tức 100 con thì 33 con có khả năng nhiễm virus H5N1), thì đến dịp Tết Nguyên đán 2007 vừa qua, hiệu quả bảo hộ chỉ còn 60%. Đáng báo động hơn là có địa phương, tỷ lệ bảo hộ của vaccine đối với đàn gia cầm được tiêm phòng chỉ đạt 35%.

Chỉ chống dịch hiệu quả khi hết cảnh chăn nuôi manh mún

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định thời gian qua các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc khống chế dịch. Tuy nhiên, các ngành, địa phương cần nhận biết rằng, chống cúm gia cầm, cũng như nhiều dịch bệnh khác, là cuộc chiến lâu dài, đe dọa không chỉ ở Việt Nam.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, chúng ta cần phải làm sao để chăn nuôi được quy hoạch và phát triển theo hướng sản xuất lớn thay vì manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

"Điều quan trọng là chúng ta phải làm cho toàn dân thấy được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch cúm gia cầm, từ người chăn nuôi, kinh doanh đến người tiêu dùng đều ý thức được việc này. Chỉ khi nào nhận thức của người dân chuyển biến thì công tác này mới thành công, vì phòng chống dịch không chỉ mình Nhà nước, chính quyền làm. Cần phải có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị,trong đó, các Ban chỉ đạo, các cấp uỷ, chính quyền địa phương có trách nhiệm lớn"- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

8 điểm mới trong phòng chống dịch cúm gia cầm ở Việt Nam

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, dịch cúm ở Việt Nam trong năm 2007 có 8 điểm mới so với năm 2006:

Dịch cúm gia cầm ngày càng nguy hiểm hơn, lây lan sâu rộng hơn. Các bộ ngành, địa phương phải xác định đây là cuộc chiến lâu dài liên tục, các địa phương không chỉ làm theo chiến dịch như năm 2006 mà phải làm quyết liệt với những chiến dịch lớn;

Phải chuyển đổi từ hình thức chống dịch ngắn hạn (dịch phát ra ở đâu thì bao vây dập dịch ở đấy và phòng ngừa) thay bằng xây dựng các kế hoạch chống dịch trung hạn và dài hạn;

Tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống dịch theo hệ thống sao cho tất cả các hộ chăn nuôi dù là nhỏ nhất cũng nhận thức được những nguy cơ do dịch cúm gia cầm mang lại những như những biện pháp phòng ngừa cần thiết;

Việc tiêm phòng cần được tiến hành liên tục và không nhất thiết cứ khi nào đến đợt mới tiến hành tiêm phòng...

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".