Chuyện khó tin ở Hà Tĩnh- Kỳ 2

Chuyện khó tin ở Hà Tĩnh- Kỳ 2
TP - Hai lần đò, chị Lịch vẫn chưa hết gian truân. Lần đầu, chị sinh được ba con nhưng hai đứa con chết; chị sợ quá đem đứa còn lại về quê. Đi bước nữa, có thêm năm con nhưng tai họa lại ập đến khi chị bị người dưng đánh bị liệt nửa người.

>> Kỳ 1: Ép vợ liệt sỹ đến đường cùng

Từ đó, từng đứa con lần lượt nghỉ học, đi làm Osin lấy tiền nuôi mẹ...

Chuyện khó tin ở Hà Tĩnh- Kỳ 2 ảnh 1
Tật nguyền, chị Lịch phải nhờ con giúp cả những việc nhỏ nhất - Ảnh: Bảo Khánh

Số phận nghiệt ngã

Căn nhà nhỏ nằm chênh vênh bên sườn đồi. Chị Nguyễn Thị Lịch (53 tuổi) chống gậy bước ra chào khách. Từ ngày chị bị liệt nửa người, ở thôn Minh Tiến (xã Kỳ Tiến, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ai cũng xót cho chị.

Khách hỏi đường đến nhà chị, ai cũng tưởng đến thuê Osin. Chuyện về những đứa con hiếu thảo phải bỏ học giữa chừng đi làm Osin từ khi còn bé lấy tiền thuốc thang nuôi mẹ, cả xã ai cũng thấu.

Chuyện đời chị dài và nhiều đớn đau. 22 tuổi theo chồng vào Tây Nguyên lập nghiệp, chị Lịch sinh được ba đứa con. Ở nơi rừng thiêng, nước độc; hai đứa con đầu lăn đùng ra chết cách nhau có vài ngày. Sợ quá, chị cắp đứa còn lại một mạch về quê để trốn định mệnh khắc nghiệt.

32 tuổi, Lịch đi bước nữa với người chồng hiện tại hơn mình 20 tuổi ở quê. Chồng cũ ở Tây Nguyên cũng lấy vợ. Người phụ nữ hay lam, hay làm dần quên đi nỗi đau mất con khi lần lượt sinh thêm năm đứa nữa với người chồng mới.

Họ xây một mái nhà nhỏ với bao dự định lớn lao. Thế nhưng, số phận không buông tha Lịch. Hôm đó, ngày 10/4/2003, đứa con đầu chị đánh nhau với con một người trong làng. Thấy thế, Lịch vào can tụi nhỏ. Bỗng nhiên từ đâu, bố đứa trẻ kia xông vào đánh túi bụi vào đầu chị.

Lịch ngất lịm và được người làng đưa vào Bệnh viện huyện Kỳ Anh cấp cứu. Bệnh trạng nặng nên người nhà chuyển tiếp lên bệnh viện tỉnh, rồi ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Mẹ nằm viện, từng bồ thóc, con nghé cũng phải bán đi chữa chạy. Lần lượt Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Thị Ngần, Nguyễn Thị Ngân phải nghỉ học giữa chừng đi làm Osin. Đi xa nhất là bé Ngân (lúc đó mới 13 tuổi), vào tận Vũng Tàu bế con cho người ta.

Từ khi bị đánh, chị Lịch liệt nửa người. Chạy chữa khắp nơi nhưng liệt vẫn hoàn liệt. Các con chị đi ở đợ những tưởng chờ mẹ khỏe mạnh rồi sẽ về tiếp tục đi học nhưng mẹ vẫn ốm, lại thêm bố yếu nên việc học vẫn đành tạm gác.

Nhà vẫn còn hai em nhỏ là Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Thị Bích. Khó khăn quá, Đạt cũng nghỉ học nốt. Năm đứa thì bốn đứa thất học, chị Lịch đau về thể xác một thì lương tâm cắn rứt mười.

Có những hôm, bé Ngân viết thư về từ Vũng Tàu: “Con thương và nhớ mẹ lắm nhưng không về được. Cô chú chủ nhà không mắng con đâu nhưng dù có bị mắng con cũng cố chịu để kiếm tiền về nuôi mẹ”. Lúc đó, bàn tay co quắp của chị Lịch run lẩy bẩy.

Đã bảy năm trôi qua, chị Lịch từ một nông dân khỏe mạnh, tháo vát nay gần như bị tàn phế. Chồng chị nay 73 tuổi, khỏe yếu cũng suốt ngày nằm rên trong góc nhà. Ngần và Ngân vẫn đi làm Osin khắp nơi.

Chị Lịch cho biết, Ngân (18 tuổi) giờ lại chuyển ra Hà Nội làm Osin nhưng không biết nơi nào. Ngần (19 tuổi) làm Osin ở thành phố Hà Tĩnh, mỗi tháng ngoài tiền công được trả còn đi nhặt ống bia lon để gửi thêm mỗi tháng 10 nghìn đồng cho bố mẹ ăn mì tôm.

Đạt năm nay 15 tuổi nghỉ học ở nhà chăn trâu. Duy có bé Bích nhờ có tiền các chị gửi về nên đang học lớp năm. “Ở quê, tuổi các cháu đáng lẽ đã về nhà chồng nhưng đứa nào cũng bảo cố đi ở thêm vài năm lấy tiền nuôi mẹ, chồng con tính sau. May có tiền các cháu gửi về để trả tiền lãi khoản vay 15 triệu đồng hồi nằm viện” - Chị Lịch kể.

Không bênh cái sai dù đó là em trai

PV Tiền Phong sẽ đề cập tới những bản giám định pháp y kết luận chị Lịch bị tai biến “không nghĩ đến do chấn thương” hay sự việc sau đó không có đủ căn cứ khởi tố, xét xử vào một dịp khác. Chị Lịch giờ dường như đã thấm sự nghiệt ngã của số phận và cam chịu tật nguyền.

“Trước khi bị đánh, tôi có làm sao đâu, vẫn gánh lúa phăng phăng. Bố mẹ tôi nay đều trên 80 tuổi vẫn khỏe mạnh, anh chị em trong gia đình ai cũng cao to, khỏe mạnh” - Chị Lịch nói.

Kỳ lạ nhất là, anh trai của người đánh chị Lịch lúc đó là công an thôn cũng rất ủng hộ chị. Làm việc với PV Tiền Phong, cựu công an thôn Minh Tiến Ngô Hải Thành nhớ lại: “Lúc đó tôi đã hỏi nhiều nhân chứng và ghi lại trung thực những gì họ kể, rồi chuyển hồ sơ cho cấp trên. Tôi chỉ làm đúng, không vì người đánh chị Lịch là em trai mà bênh vực cái sai. Tôi muốn pháp luật răn đe để em tôi không ngang ngược nữa, dù sau vụ này tình anh em đã sứt mẻ”.

Thấy vụ việc của chị Lịch không được giải quyết tới nơi tới chốn, ông Thành xin thôi công an viên. Ông Thành tâm sự: “Vụ việc rõ ràng như thế mà người gây hại không hề hấn gì thì tôi có làm cũng bằng thừa. Vậy nên tôi xin nghỉ!”.

Dường như chị Lịch đã chai lì với khổ đau và không biết buồn nữa. Chị khoe với chúng tôi, con nghé mua dạo nào giờ đã đẻ hai lứa. Nợ ngân hàng vẫn còn nhưng sẽ gắng trả hết.

--------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG