Chuyện làng rau sống thời tiêu chảy cấp!

Chuyện làng rau sống thời tiêu chảy cấp!
TP - Dịch bệnh tiêu chảy cấp làm cho rau sống rẻ như cho mà vẫn ế ẩm, khó bán. 10 người đi chợ, chỉ 1, 2 người mua rau sống. Thói quen của người dân tạm gác lại để phòng dịch bệnh.

Các làng chuyên cung cấp rau sống, rau thơm cho Hà Nội như Tây Tựu, Phúc Lý (Từ Liêm), Đông Dư (Gia Lâm), vùng rau Thanh Trì… bỗng đìu hiu ngay giữa mùa thu hoạch.

Cánh đồng thiếu vắng nụ cười

“500 đồng/kg xà lách mà chẳng ai mua. Lứa này coi như mất trắng” - Ngồi trên ruộng rau quá lứa chờ khách, ông Dung ở thôn Hạ - vùng rau, vùng hoa nổi tiếng Tây Tựu nói.

Chỉ ít bữa trước, có lúc 1kg xà lách bán được tới 15.000 đồng. Nay thì rẻ như cho. Gần tháng nay, từ khi có dịch tiêu chảy cấp, dù Tây Tựu chẳng ai bị dịch phải đi viện nhưng rau vẫn cứ ế chỏng ế chơ. “Rau có thì, có lứa, ế thì vứt đi chứ làm gì. Đã cắt ra, không để được đến hôm sau”- Ông Dung cho biết.

Người có ao thì vứt xuống ao cho cá ăn, người mang về cho lợn, gà ăn còn không thì đắp vào bờ vùng, bờ thửa. Nhiều người tiếc, chở rau ra chợ lại chở về, mất công.

Theo ông Dung, lứa rau vừa rồi hầu như người Tây Tựu làm rau mà chẳng có công, mỗi gia đình bị thiệt hại hàng triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.

Cạnh đó, vợ chồng bác Nguyễn Công Chiến đang thu hoạch lứa húng láng quá thì, than phiền: “Trước 400 đồng/mớ, một buổi bán được mấy trăm mớ, nay 100 đồng cũng chẳng ai mua. Nhưng vẫn phải thu hoạch, để già thì hỏng lứa sau!”.

Gia đình bác Chiến chỉ có một sào rau húng láng, bình thường cho thu hoạch khoảng 2 triệu đồng/ lứa, nay đành cầm cự, đợi qua mùa dịch. Mỗi lứa rau khoảng 15 ngày đến 1 tháng, có dịch người dân mất trắng ngay một lứa.

Nhiều nhà phải bỏ rau thơm, làm cầm chừng, hoặc chuyển sang trồng cải bắp, hành tỏi, các loại rau khác. Nhưng với các loại rau húng sau 1-2 năm mới phải trồng lại, nếu thay thứ rau khác đành bỏ cả ruộng rau mất tiền triệu.

Vùng rau thôn Phúc Lý xen giữa những cánh đồng hoa rực rỡ như một bức tranh đầy sắc màu. Rau xanh tốt, người trồng rau thì buồn tê tái.“Chúng tôi mong chóng hết dịch để còn làm rau thơm, kịp bán dịp tết này”- Chị Thanh vừa làm vừa nói, giọng buồn rười rượi.

Chị Thanh bảo đấy là mong thế chứ rau rẻ lắm, người làm rau dù có được giá cũng chỉ đủ ăn thôi. Nhưng khi rau được giá, đấy là lúc cả làng mất mùa, thất thu như mùa mưa đá năm ngoái cả làng bị thiệt hại ghê gớm.

Thật ra trong mùa dịch, các loại rau thơm vùng chuyên rau Tây Tựu, Minh Khai, Phú Diễn (huyện Từ Liêm), vùng rau Thanh Trì, Đông Dư (Gia Lâm) vẫn bán được. Có điều, số lượng, giá cả thì giảm tới 4-5 phần so với trước đây.

Nhiều nhà phải tự mang rau ra các chợ đầu mối, chợ đêm từ mờ sáng mà chẳng đủ công chở đi. Ra đồng, nhìn rau mà uể oải. Trên cánh đồng rau người nông dân vẫn hàng ngày một nắng hai sương nhưng gương mặt kém tươi tắn hơn mọi ngày.

Thiệt hại tiền tỷ!

Vùng rau bạt ngàn của xã Đông Dư (Gia Lâm) xanh ngút tầm mắt. Nhưng trên những cánh đồng ấy, không thấy tấp nập cảnh thu hoạch rau như hồi tháng trước. Rau ở đây vẫn xanh tốt, được mùa. Có mấy chị mải mê gánh nước tưới cho lứa rau mới lấm chấm xanh.

“Nhà phải bỏ mấy sào rau mùi đấy. Giờ thì phải quay sang trồng lứa mới, không lẽ bỏ phí đất hay sao”- Chị Hà gạt mồ hôi lấm tấm trên trán kể. Lứa này, nhà chị đã thay toàn bộ răm, xà lách và mùi bằng cải chíp vì chưa thấy công bố hết dịch.

Toàn xã Đông Dư có hơn 30 ha rau gia vị, nhiều thứ nổi tiếng như húng, ngổ, răm, mùi tàu, mùi ta, tía tô…nay bỗng thành thứ rau “của nợ”. Loại rau này khó trồng, đòi hỏi nhiều công chăm bón, bù lại mỗi sào cho thu hoạch tới 8-10 triệu đồng/năm, giờ hòa vốn là may.

Rau ế, phải nhổ vứt đi chính là hậu quả của dịch tiêu chảy cấp. Ước tính, tại các làng chuyên rau sống, rau thơm của Hà Nội, hàng trăm tấn rau phải bỏ, hoặc bán rẻ như cho.

Người nông dân thiệt hại tới cả tỷ đồng, dù cho nhiều vùng rau lớn… không có dịch bệnh tiêu chảy. Rau sống ế, đơn giản vì đó là rau sống! “Chưa năm nào như năm nay, rau rẻ quá. Cứ thế này, dân chúng tôi chết đói mất”- Cụ Xuân, người có nhiều năm trồng rau ở Phúc Lý than thở.

Cụ bảo, dân ở đây đã chuyển hết sang làm rau, không làm lúa từ lâu rồi. Dịch bệnh thế này, có khác gì mất mùa. Rồi cụ hỏi chúng tôi mà như nói với cô con gái cụ đang mải nhặt rau gần đó:

“Không biết ông đã xác định được dịch là do mắm tôm hay gì chưa, chứ người dân Phúc Lý vẫn ăn rau sống nhưng có ai bị sao đâu (!?). Chắc cụ Xuân băn khoăn vì rau sống bị vạ lây, khiến dân thiệt thòi! Hiện hàng ngàn hộ dân ở các vùng chuyên canh đã bị mất trắng nhiều ha rau thơm, rau sống vì dịch tiêu chảy!”.

Năm ngoái một trận mưa đá lớn làm các vùng rau hỏng sạch, nhiều nhà lao đao. Sau đợt ấy, xã Tây Tựu có trợ giúp cho mỗi sào rau 60.000 đồng, tính ra cũng chưa đủ mua rau giống (!). Nhiều nơi, mất mùa người nông dân phải tự chịu.

Năm nay, dịch bệnh đã làm cho người dân trồng rau bị thiệt hại lớn, nhưng thành phố vẫn chưa đưa ra chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho họ. Cũng chưa có một thống kê thật đầy đủ thiệt hại của người trồng rau do dịch tiêu chảy gián tiếp gây ra. Mùa dịch chưa hết, người dân vẫn còn lao đao, vất vả.

MỚI - NÓNG