Chuyện ly kỳ về Thái vương Trịnh Kiểm và ngôi nghè vẹt có một không hai

Ngày 5.4 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hoá lần đầu tiên tổ chức lễ tế trang trọng kỷ niệm 445 năm ngày mất Thái vương Trịnh Kiểm . Lễ kỷ niệm được thực hiện ở Phủ Trịnh . Gần đó là nghè Vẹt - ngôi nghè độc đáo, đặc sắc, lạ lùng hàng đầu trong hàng nghìn đình nghè ở Việt Nam.

Chuyện ly kỳ về Thái vương Trịnh Kiểm và ngôi nghè vẹt có một không hai ảnh 1

Hình ảnh vẹt là linh vật trong nghè Vẹt thờ các đời Chúa Trịnh.

Trịnh Kiểm là người thế nào mà từ trẻ mồ côi, bần cùng nhanh chóng ngồi lên ngôi chúa? Tại sao lại có nghè mà ở đó, vẹt - chứ không phải rồng, phượng - là linh vật được thờ phụng? Không nhiều người biết rõ việc xưa, kể cả không ít cháu con họ Trịnh. LĐ&ĐS vén màn bí mật quanh chuyện này từ nguồn truyền thuyết và gia phả tộc Trịnh.

Phát chúa nhờ thần tiên giúp sức

Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn “Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm”, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dịch phần đầu tập Trịnh gia thế phả. Tuy vẫn nằm trong motif văn hoá dân gian cũng như motif về cách chép sử cũ nhưng những chuyện về Thái vương Trịnh Kiểm rất ly kỳ.

Theo gia phả trên, việc Trịnh Kiểm lập nhà chúa đã được tiên đoán từ 4 đời trước của Trịnh Kiểm là Trịnh Liễu. Trịnh Liễu ở sách Sóc Sơn (hay cũng gọi là Sáo Sơn), huyện Vĩnh Phúc, trước năm 1533 là huyện Vĩnh Ninh, do kỵ huý với vua Lê Trang Tông (huý Ninh) nên đổi là Vĩnh Phúc, đến đời Tây Sơn đổi là Vĩnh Lộc cho đến ngày nay.

Trịnh Liễu lấy vợ họ Hoàng cũng ở sách Sóc Sơn. Gia tư Trịnh Liễu nghèo đói, làm ruộng và bán nước chè kiếm sống nhưng rất ham đọc sách. Một hôm, Trịnh Liễu đi cày ở xứ đồng trong núi, đến chỗ vực tôm, thấy một ông già hơn 90 tuổi, sắc mặt sáng tươi, thần thế thanh tú. Ông già hỏi Trịnh Liễu: “Ông ở đâu? Họ gì? Cày ruộng chăn trâu ở núi mà lại siêng học hành thế nhỉ!”. Trịnh Liễu đáp: “Tôi quán ở Sóc Sơn. Từ nhỏ mồ côi, nghèo đói, vốn thích sách vở”.

Hai người đàm đạo không hay mặt trời đã gác núi. Trịnh Liễu mời ông già về nhà nghỉ lại một đêm. Đến nhà, thấy mấy gian lợp lá và một cái chõng tre. Trịnh Liễu một mực mời lên giường ngồi, kính cẩn mời cơm nhạt. Ông già khen Trịnh Liễu có đức, nói: “Lão đây vốn sành phong thuỷ, thấy trong đất sách này, chỗ Nanh Lợn, có một huyệt có khí quý. Táng đó thì 4 đời sau phát vương”.

Trịnh Liễu theo lời, đem hài cốt cha mẹ nhờ ông già lập hướng mà táng. Táng xong ra về. Đêm ấy, trời đất chuyển động mây mưa, gió thổi đùng đùng. Ông già hỏi Trịnh Liễu: “Ông có dám đi thăm huyệt không?”. Trịnh Liễu đáp có, rồi cắp dao đi thẳng đến huyệt mộ mới táng ban ngày. 

Trịnh Liễu hết sức ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy bốn bề đen tối, mưa gió ầm ầm nhưng trong mộ sáng như có ánh trăng. Xa trông thấy con rồng đen nằm ấp lên trên. Trịnh Liễu sợ chạy một mạch về. Ông già nói: “Rồng vàng là đế, rồng đen là vương. Nhà ông tích lại âm công. Trời giáng phúc cho đó”. Ngày hôm sau, Trịnh Liễu cùng người nhà ra thăm mộ vẫn còn thấy dấu rồng nằm, cây cỏ chung quanh gẫy rạp đến một mẫu.

Trịnh Liễu cảm kích, bán hết ruộng vườn được 73 quan cổ tiền biếu ông già. Ông già còn chỉ cho đất làm nhà tốt ở Biện Thượng, nói xong bèn lên đường. Trịnh Liễu cùng người nhà đưa chân ông già đến chỗ Cổ Dải, thuộc huyện Tống Sơn (huyện Hà Trung ngày nay) thì thình lình mưa gió ào tới, sương mù xuống ào ạt mờ mịt cả một vùng. 

Chỉ một lúc sau, trời quang mây tạnh, ông già biến mất theo đám sương khói. Gánh tiền vẫn còn nguyên vẹn. Lúc ấy, Trịnh Liễu mới biết ông già chính là thần tiên hiện ra, đặc biệt đến dâng phúc. Bởi thế, về sau, nơi này, Chúa Trịnh cho lập đền thờ, truy phong tôn hiệu là Tống Thiên Vương.

Trịnh Liễu cùng anh em lại gánh tiền đã biếu thần tiên về dựng nhà ở Biện Thượng (hay Bồng Thượng, nay thuộc xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Thanh Hoá). Sau đó, Trịnh Liễu đi thi đỗ tam trường (tương đương tú tài). Con trai Trịnh Liễu là Trịnh Lan cũng lấy vợ họ Hoàng, người xã Biện Thượng. 

Con thứ của Trịnh Lan là Trịnh Lân cũng lại lấy vợ họ Hoàng là bà Hoàng Thị Dốc ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định. Bà Hoàng Thị Dốc chính là người sinh hạ Thái tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm nhằm ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi, tức năm 1503 - niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 đời vua Lê Thánh Tông.

Như vậy, từ Trịnh Liễu đến Trịnh Kiểm đúng 4 đời y như tiên đoán của vị thần tiên năm nào.

Chuyện ly kỳ về Thái vương Trịnh Kiểm và ngôi nghè vẹt có một không hai ảnh 2
Nghè vẹt ở xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.

Ly kỳ chuyện đàn vẹt che xác mẫu thân, lý giải nghè thờ vẹt

Hiện nay, trong quần thể di tích Phủ Trịnh nổi bật là nghè Vẹt. Di tích Nghè Vẹt được xây dựng trên diện tích khoảng 200m2. Trước sân nghè hiện còn chiếc khánh đá treo trên giá đỡ. Ngôi tiền đường gồm 11 gian kiến trúc theo kiểu đăng đối. 

Tại đây có ban thờ và bài vị cùng mười hai pho tượng gỗ thờ mười hai chúa Trịnh (Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Khải và Trịnh Bồng). Chính giữa hậu cung đặt bài vị đại vương Trịnh La (ông tổ dòng họ Trịnh. Đặc biệt, trong nghè còn lại 4 con ngựa thờ bằng gỗ và nổi bật là hai con vẹt lớn được coi là linh vật đồng thời là biểu tượng của nhà Trịnh.

Vẹt có chiều cao hơn 2m, dáng thon và cao tựa chim hạc nhưng lại có mỏ dài và cong đặc trưng của chim vẹt. Vẹt được sơn son, thếp vàng, chạm trổ công phu với những hoạ tiết lạ mắt và sống động. Thời trước, loại hình điêu khắc chim vẹt vốn xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là dưới thời các chúa Trịnh. Trong các đền thờ họ Trịnh thường dùng hình tượng chim vẹt làm vật thờ. Các đòn khiêng kiệu của chúa Trịnh cũng thấy khắc hình chim vẹt.

Việc nhà Trịnh lấy chim vẹt làm linh vật bắt nguồn từ một truyền thuyết không kém phần ly kỳ. Theo gia phả tộc Trịnh, Trịnh Kiểm đến năm 17 tuổi thì hùng dũng hơn người, trí lực khác thường. Lúc bấy giờ, trong khoảng niên hiệu Thống Nguyên, vào năm Đinh Hợi, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi vua Lê. Bề tôi nhà Lê là Nguyễn Kim ở huyện Tống Sơn, trang Gia Miêu Ngoại (Hà Trung hiện nay) ngầm rút về Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ để đánh Mạc. 

Tướng quân nhà Mạc là Ninh Bang hầu quán xã Biện Thượng , tiến phát quân về đóng ở huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay). Mẹ Trịnh Kiểm là bà Hoàng Thị Dốc đã đem con đến xin Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm làm gia thần. 

Ninh Bang hầu mừng vui thu nhận. Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm trông coi trại ruộng ở sách Thọ Liêu. Trịnh Kiểm nuôi trâu ngựa. Hằng ngày, ông được người bạn gốc Chàm là Vũ Thì An dạy cho cách huấn luyện ngựa, có thể biết được ngựa hay.

Một thời gian sau, Trịnh Kiểm ăn cắp con ngựa tốt nhất chạy sang sách Cổ Lũng, Cẩm Thuỷ theo anh họ là Trịnh Quang, lúc đó đã theo Nguyễn Kim, và đón mẹ Trịnh Kiểm sang ở. Ninh Bang hầu biết tin Trịnh Kiểm ăn cắp ngựa của mình, bỏ đi nhiều ngày không về, nên rất tức giận, bèn sai quân lính, dân các xã Sóc Sơn, Biện Thượng lùng bắt mẹ con Trịnh Kiểm.

 Xã trưởng Biện Thượng tìm thấy mẹ con Trịnh Kiểm đang nấp sau nhà không những không bắt mà còn ra hiệu bằng cách ném đất và nháy mắt cho Trịnh Kiểm chui qua mấy tầng rào chạy trốn đến nhà người tên Nữu ở Yên Định. 

Người này đã bới đống thóc trong bồ lớn, cho Trịnh Kiểm chui vào đó rồi lấp lúa lại. Ninh Bang hầu tìm không thấy tung tích của Trịnh Kiểm nên tức tối bắt mẹ ông là bà Hoàng Thị Dốc giam lại. Ba ngày sau, Ninh Bang hầu bắt xã Sóc Sơn đem lồng tre nhốt mẹ Trịnh Kiểm, kèm tảng đá lớn bỏ vào trong rồi ném xuống sông.

Bạn thân Trịnh Kiểm là Vũ Thì An sai con là Vũ Đình Tùng chạy đến xã Cổ Lũng mật báo cho Trịnh Kiểm biết. Nghe xong câu chuyện, Trịnh khóc sướt mướt mà than: “Người làng ta sao mà nhẫn tâm phụ bạc với ta như vậy. Ngày sau, nếu ta sáng nghiệp lớn, thề không về làng cũ nữa”. Quả vậy, sau này thành Chúa, Trịnh Kiểm chỉ xây dựng cung điện, miếu thờ ở Biện Thượng và quê mẹ bên kia sông chứ không làm ở Sóc Sơn.

Lại nói, dù rọ đã bỏ đá vào trong nhưng xác thân mẫu Trịnh Kiểm không chìm mà cứ nổi lên. Xác trôi dọc sông, bên trên, đàn vẹt đến hàng trăm con tập hợp lại như đám mây lượn quanh, bảo vệ, che chở cho thân xác bà. Xác trôi đến xứ Quai Vạc, có người chài lưới ở làng Đông Biện tên là An Dũng sáng sớm thấy thây nổi gần bờ mới về báo cho người làng đem cuốc xẻng ra an táng. Dân làng khi ra đến chỗ ấy thì vừa đúng giờ Ngọ, thình lình thấy mối đùn ra tận dòng sông, lấp kín thân xác thành ngôi mộ lớn.

Theo truyền thuyết dân làng nơi đây, đêm đến, Trịnh Kiểm cùng bạn đến định đem xác mẹ đi chôn nhưng thấy mộ bỗng dưng to lớn nên để yên vị, cùng bạn khóc bái trước mộ rồi ra về. Tuy nhiên, theo gia phả họ Trịnh, sau đó, Trịnh Kiểm nhờ cha con Thì An đang đêm bí mật đào lấy xác mẹ mang táng nơi khác vì sợ bọn Ninh Bang hầu biết mà phá. Cha con Thì An đem xác đến nửa chừng gặp hổ giữa đường mới sợ run, vác xác thân mẫu Trịnh Kiểm chạy qua ruộng khô đến đầu thôn Yên Việt thì bất ngờ nghe ầm như có tiếng súng nổ. Thấy có bóng sáng như có bóng trăng mờ, biết đó là đất tốt nên lấy chỗ đó mà táng.

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG