Chuyên nghiệp bảo vệ trẻ em

Chuyên nghiệp bảo vệ trẻ em
TP - Dư luận xã hội lại bất bình về việc chú bé 14 tuổi bị chủ trại tôm giống hành hạ man rợ ở xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau).

Cũng như rất nhiều vụ trẻ em bị hành hạ khác được phát hiện trong mấy năm gần đây, dư luận xã hội kịp thời chia sẻ xoa dịu nỗi đau và nhen lên những niềm hy vọng nhân ái, thì hầu như còn nguyên vẹn đó sự day dứt về năng lực của bộ máy chính quyền cơ sở.

Tất cả các vụ trẻ em bị hành hạ, từ nông thôn đến thành thị, cả ở thủ đô Hà Nội, được phát hiện bởi người dân chứ không phải bởi hệ thống nhiều cơ quan, đoàn thể hùng hậu.

Một hệ thống chính trị, theo báo cáo là đã tập hợp được mọi (hoặc hầu hết) thành viên xã hội vào tổ chức để chăm lo, và những người đứng đầu các tổ chức ấy từ ấp, khu phố trở lên hàng tháng nhận lương (hoặc định suất, phụ cấp) của dân. Thực tế, họ không phát hiện và bảo vệ được dù một đứa trẻ bị hành hạ tàn nhẫn suốt nhiều năm.

Vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn, lực lượng bảo vệ trị an cũng dường như bất lực trước tình trạng trẻ em bị hành hạ.

Vụ chú bé 14 tuổi bị hành hạ ở xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), ngày 27-4-2010, nhận được tin báo của dân, ông Lữ Minh Trí, Phó công an xã cùng mấy cán bộ đến trại tôm giống nhưng “đành quay về, báo cáo với lãnh đạo vì chủ trại tôm giống không hợp tác”.

Sáng hôm sau, đích thân Trưởng công an xã Nguyễn Thanh Bình cùng cán bộ ấp đến trại tôm giống và phải “thuyết phục đến trưa mới làm việc được”.

Nhớ lại vụ bà “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa ở phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) giữ trẻ và hành hạ trẻ suốt 3 năm, người dân nhiều lần báo với chính quyền nhưng không được can thiệp, cho đến khi báo chí lên tiếng cuối năm 2007.

Một cán bộ công an phường Quyết Thắng hồn nhiên nói, phường có nhận được tin báo nhưng gần đây nhiều người bị bà Hoa đe dọa nên không báo nữa...

Tổ chức nào cũng không thể có được tai mắt khắp nơi, nhưng trước tin báo khẩn cấp mà chậm trễ hoặc chần chừ hành động thì chỉ có thể biện minh: Thiếu tính chuyên nghiệp.

Phải chăng, hệ thống chính trị ở cơ sở quen hô hào phong trào chung chung nên đang rất lúng túng trước những vấn đề đặc thù, chuyên biệt, mới nảy sinh?

Khi bộ máy chính quyền cơ sở lạc hậu, chậm chạp trước cuộc sống thì không được người dân tin cậy. Điều này giải thích vì sao, trong hầu hết các vụ hành hạ trẻ em, người dân chần chừ tố cáo với chính quyền, nhiều người nói thẳng “không dám tố cáo vì sợ xã hội đen”.

Rõ ràng đang có lỗ hổng lớn trong thiết chế bảo vệ trẻ em, dù Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đã có hiệu lực từ năm 2005 và Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định nhiều hình phạt nghiêm khắc dành cho những hành vi xâm phạm trẻ em.

Sự chậm chạp của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở địa phương, trong điều kiện luật pháp đã đầy đủ, lại cho thấy có sự trơ mòn cảm xúc lương tri.

Một nhà văn hóa nói: Không biết làm thế nào để bế trẻ con lên là biểu hiện của suy đồi. Chậm chạp trong bảo vệ trẻ em cũng thuộc chiều hướng ấy.

MỚI - NÓNG