Chuyện nhà quan

Chuyện nhà quan
TP - Người ta kể rằng tổng thống thứ 40 của Mỹ là Ronald Reagan trước khi nghỉ hưu vào năm 1989 đã phải đi tìm nhà ở cho mình. Trước đó ông sống trong dinh thống đốc bang California khi giữ cương vị này trong nhiều năm. 

Còn người tiền nhiệm, tổng thống thứ 39 Jimmy Carter, khi mãn nhiệm đã chuyển về sống tại ngôi nhà mà ông mua trả góp từ năm 1960 khi còn làm cố vấn luật tại hãng chuyên kinh doanh đậu phộng của gia đình và cuối cùng trở thành chủ nhân thực sự của căn nhà. 

Tổng thống thứ 42 Bill Clinton danh tiếng lừng lẫy nhưng, cho đến lúc sắp về hưu không có nhà riêng và hai vợ chồng phải “thắt lưng buộc bụng” để gom đủ 1,7 triệu USD, tính ra tiền Việt thời điểm này là khoảng 34 tỷ đồng, để mua một ngôi nhà tại thành phố nhỏ Chappaqua, bang New York.

  

Đó là ở Mỹ. Còn ở Anh, cứ ông nào lên làm thủ tướng thì dời về số 10 phố Downing ở thủ đô London. Hết nhiệm kỳ hoặc mất chức lập tức phải dọn đi. Có lần, thủ tướng mới dọn đồ về ở trong khi người tiền nhiệm còn đang tất bật chằng buộc chăn đệm, vali chuẩn bị rời đi. 

Trên đây chỉ là vài ví dụ về chuyện minh bạch tài sản công ở một số nước. Minh bạch tối đa, cho dù người đó có là tổng thống. Còn chuyện quan chức Việt Nam, về hưu rồi vẫn không trả lại nhà công, thậm chí còn tìm cách để được nhận thêm, được “chuyển hóa” thành của riêng cho dù không thiếu nhà, xét cho cùng vẫn nằm ở cơ chế mà ở đây là một số cơ chế dành những đặc quyền, đặc lợi cho quan chức. 

Chuyện nhà cửa của cựu chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên hay cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, như suy nghĩ của nhiều người, chỉ là phần nổi của tảng băng, là những trường hợp “sờ sờ ra đấy”. Còn biết bao ông Nghiên, ông Truyền khác? Nếu muốn biết chắc cũng không phải là quá khó.

Và nói cho sòng phẳng, lâu nay chúng ta vẫn cứ “đánh tráo khái niệm” rằng quan chức hay cán bộ thì không nên “thích” ở nhà to, bởi cán bộ là đày tớ của dân. Xét cho cùng, việc ông Hoàng Văn Nghiên thích ở biệt thự Ciputra thay cho chung cư bình thường, ông Trần Văn Truyền thích ở “cung điện” là quyền của các vị ấy, nếu như họ có tiền (chính đáng) để mua. 

Nhưng vấn đề ở đây là vẫn còn đó những đặc quyền, đặc lợi giành cho “các công bộc” thì như một lẽ tự nhiên, trong thời gian đương quyền, sẽ có nhiều người tận dụng. Thậm chí khi về hưu rồi, vẫn còn đó những “nhóm lợi ích, những kẻ chịu ơn, những dây mơ rễ má… giúp một số “cựu đầy tớ” hưởng lợi.

Những chuyện ông Nghiên, ông Truyền sẽ chấm dứt chỉ khi xóa bỏ đặc quyền đặc lợi, nhìn nhận quan chức cũng là một nghề như bao nghề khác chứ không thể tiếp tục “đánh tráo khái niệm” bằng những từ “cống hiến”, hay “đày tớ của dân” để hợp thức hóa những đặc quyền đặc lợi cho họ. Và những ưu đãi (nếu cần thiết) cũng phải được luật hóa chứ không thể tùy tiện do một vài cá nhân có chức có quyền quyết định để tạo tiền lệ cho chính mình.


MỚI - NÓNG