Chuyện những cột mốc chủ quyền trên biển - Kỳ 4: Sự hy sinh bất tử

Viếng các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa. Ảnh: TC
Viếng các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa. Ảnh: TC
TP - Hai lần nhà giàn đổ do bão tố đánh sập, một lần tàu chìm sau trận cuồng phong đã cuốn xuống biển sâu 9 cán bộ chiến sĩ. Phía sau hy sinh của mỗi liệt sĩ, gắn liền với những câu chuyện đời, chuyện tình người lính xúc động. Các anh đã ngã xuống giữa lòng biển mẹ, để nhà giàn mãi mãi trường tồn. 

Những người đầu tiên ngã xuống

Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập DK1, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chúng tôi vượt sóng đến các nhà giàn để làm cầu truyền hình trực tiếp “Hát cùng DK1 thân yêu” và thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Cuộc hải trình bắt đầu từ Vũng Tàu đến bãi cạn Tư Chính, nơi mà 23 năm trước đây, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã nằm lại nơi này.

Câu chuyện tàu HQ-666 bị nhấn chìm trong cơn lốc nửa đêm tháng 1/1991 được Trung tá Nguyễn Tiến Cường kể lại tường tận. Anh Cường bảo: “Cuộc đời người lính thời bình cũng nhiều gian nan khó nhọc. Cái ngày tôi chỉ huy con tàu HQ-666 đi trực ở nhà giàn 1B bãi cạn Tư Chính không thể quên được. Cơn bão ngày ấy cướp đi 2 đồng đội, đó là thuyền phó quân sự Phạm Tảo và trung úy chuyên nghiệp máy trưởng Lê Tiến Cường”.

Tháng chạp năm 1991, Đại úy Hoàng Văn Tuyên nhận mệnh lệnh cấp trên cho tàu đi trực nhà giàn 1B ở khu vực bãi cạn Tư Chính. Sau hơn 2 ngày đêm hải trình, tàu HQ-666 thả neo bên cạnh nhà giàn. Những ngày giáp Tết, gió mùa đông bắc thổi về liên tục, biển mịt mù trắng xóa, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên, ngụp xuống trong sóng dữ. Đêm 23 tháng chạp, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-666 mổ lợn đón Tết sớm.

Chiếc đầu lợn đặt giữa khoang lái, anh em tập trung khấn vái thần linh theo phong tục của người đi biển. Lúc 22g30, trong khi mọi người bê đồ cúng ông Táo xuống, chiến sĩ quan sát báo cáo, gió thổi mạnh, thời tiết bất thường. Tất cả mọi người đổ ào ra lan can nhìn về phía Bắc. Trời tối đen như mực, sóng gió bất ngờ nổi lên ầm ầm, biển động dữ dội, tàu chao đảo. Những cơn sóng từ lòng biển cuộn lên mỗi lúc một lớn. 

Thuyền trưởng Tuyên lệnh báo động khẩn cấp, tàu cơ động chống sóng, sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Con tàu quá bé nhỏ so với những cột sóng cao hàng chục mét cứ lừng lững liên tiếp đổ ập xuống khoang tàu. Sức mạnh khủng khiếp của sóng đã đánh tan hệ thống tay vịn lan can của tàu quăng xuống biển.

Sau hơn 3 giờ chống chọi, tàu HQ-666 nghiêng lệch một bên, nước bắt đầu tràn vào các khoang giữa. Tình huống vô cùng bất lợi. Thuyền trưởng Tuyên trực tiếp liên lạc với nhà giàn 1B yêu cầu thả dây mồi, lệnh thả phao bè và rời tàu. Sau khi xuống phao bè, bằng mọi cách bơi về phía nhà giàn 1B, chờ tàu đến cứu.

Chuyện những cột mốc chủ quyền trên biển - Kỳ 4: Sự hy sinh bất tử ảnh 1

Cầu mong linh hồn các liệt sĩ an nghỉ

Trong sóng to gió lớn, các chiến sĩ lao xuống biển, bám vào phao bè, dùng tay làm mái chèo bơi vào hướng nhà giàn 1B, nhưng sóng lớn, nước chảy xiết, chiếc phao bè nhỏ bé trôi xa dần. Tình huống nguy kịch. Phải nhanh chóng bằng mọi cách vớt được đầu dây mồi thả xuống từ nhà giàn 1B. Nghĩ vậy, thuyền phó quân sự Phạm Tảo đã lao xuống biển bơi nhanh về hướng đầu dây mồi.

Để tiếp sức cho đồng đội, máy trưởng Lê Tiến Cường lao theo với ý định sẽ cùng anh Tảo tìm đầu dây mồi. Khi Tảo và Cường bơi gần đến đầu dây, một con sóng như quả núi đổ ập xuống, nhấn chìm Tảo và Cường xuống biển sâu trong đêm đen.

Ngay sau khi tàu HQ-666 bị nạn, chiến sĩ báo vụ 1 của nhà giàn 1B đã điện trực tiếp báo cáo sở chỉ huy đất liền. Lệnh từ Quân chủng Hải quân, tàu HQ-713 đang làm nhiệm vụ tuần tiễu trên biển nhanh chóng cơ động về nhà giàn Tư Chính 1B cứu nạn.

Sau hơn 2 ngày quần đảo tìm kiếm, xác anh Tảo vẫn bặt vô âm tín. Chiều tối ngày 25 tháng chạp năm 1991, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-713 chuẩn bị neo đậu ăn cơm để tiếp tục cuộc tìm kiếm, bỗng chiến sĩ quan sát hô lên có một chớp sáng lóe lên từ phía trước, có thể đó là anh Tảo.

 Tàu HQ-713 tăng tốc, cách vật nổi chừng 30m. Thương ôi, anh Tảo giang 2 tay, mặt úp xuống đại dương, lập lờ trong sóng. Chớp lóe từ mặt nước ấy, là ánh sáng của mặt đồng hồ sen-cô 5, hắt ra nhờ ánh hoàng hôn cuối chiều. Mọi người vớt anh lên đưa vào khoang số 1.

Cán bộ chiến sĩ tàu HQ-713 không ai cầm được nước mắt. Gần 3 tháng trước, anh Tảo đã ở trên con tàu thân thương này, anh là người chỉ huy rắn rỏi cương nghị. Và hôm đó, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-713 đón anh về.

Có cái chết hóa thành bất tử

Tôi xúc động khi đọc bài thơ “Sóng Trường Sa” của tác giả Phan Đăng (Hà Nội) trong bài viết dự thi “Cảm xúc Trường Sa” trên báo Tuổi trẻ ngày 1/11/2011. “Sóng nhắc chúng tôi về một người anh hùng có thật/ người đã nhường chiếc áo phao duy nhất/ cứu anh em mà quên cả thân mình/ giữa biển bao la cột sóng dựng thành hình”. Bài thơ ngợi ca người chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng hy sinh quên mình để cứu đồng đội giữa sóng cuồng bão giật cách đây 24 năm. Đó là sự kiện nhà giàn Phúc Tần bị bão tố đánh sập lúc 3 giờ sáng ngày 5/12/1990.

Chuyện những cột mốc chủ quyền trên biển - Kỳ 4: Sự hy sinh bất tử ảnh 2

Nhà giàn DK1 vững vàng trong sóng gió qua ô cửa tàu.  Ảnh: TC

Thiếu tá Bùi Xuân Bổng nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần kể lại: Chiều 4/12/1990, cơn lốc bất ngờ ập tới. Lúc đó trên nhà giàn có 9 cán bộ chiến sĩ. Trước sức tàn phá của lốc tố, anh em đã bình tĩnh lấy những miếng gỗ bung lên từ mặt sàn công tác, kết lại thành chiếc bè và rời nhà giàn.

Lúc 3 giờ sáng ngày 5/12/1990, một con sóng như quả núi ập tới đánh sập hoàn toàn nhà giàn Phúc Tần cuốn theo 9 cán bộ chiến sĩ xuống biển đêm. Phó trạm trưởng chính trị, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi. Y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó.

8 năm sau, cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes đã nhấn chìm nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Trong trận bão lịch sử này, 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Đó là Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng trước lúc ngã vào lòng biển.

Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30, chưa có người yêu, để lại cho gia đình và đồng đội bao tiếc thương, cảm phục, thì liệt sĩ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ tận Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Liệt sĩ Lê Đức Hồng chưa một lần mặc áo chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp. Còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới.

Tượng đài trên biển

Đến bãi cạn Phúc Nguyên, từ cabin của tàu, giọng thuyền trưởng truyền đi trên loa nội bộ “toàn tàu thả neo, làm công tác chuẩn bị viếng các liệt sĩ”. Tôi nhoài người qua ô cửa tàu nhìn nhà giàn Phúc Nguyên 2B mà trào nước mắt. Cách đây 16 năm, tại vùng biển này, Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thiếu úy Nguyễn Văn An đã ra đi mãi mãi. 

Các anh mãi mãi là biểu tượng cao đẹp về đức hy sinh và lòng dũng cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Đó là cội nguồn của đức hy sinh, là bản chất của người chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng.

Trong gió biển và mùi hương trầm ngan ngát, giọng trưởng đoàn công tác chùng xuống: “Các đồng chí đã gác lại bao khó khăn của gia đình, gác lại những tình cảm riêng tư và biết bao nhiêu hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong sóng dữ cuồng phong, giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trước khi cuốn vào lòng biển, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng, Nguyễn Văn An vẫn hy vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt, còn Nguyễn Hữu Quảng mang theo hình bóng và lời hẹn ước của người vợ chưa cưới xuống đáy biển sâu.

Máu đào các anh đã hòa vào lòng biển. Xương cốt các anh hóa đá san hô. Tên các anh khắc vào biển, thành bản tình ca theo sóng biển Đông. Các anh mãi mãi là biểu tượng cao đẹp về đức hy sinh và lòng dũng cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Đó là cội nguồn của đức hy sinh, là bản chất của người chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng.

Hôm nay, đứng nơi biển trời Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân xin kính cẩn nghiêng mình viếng hương hồn các anh. Tràng hoa trước biển hôm nay cuộn gói trong đó bao ân tình, là nghĩa cử tri ân và lòng ghi ơn tạc dạ của thế hệ cán bộ chiến sĩ chúng tôi đối với các liệt sĩ. Xin cầu mong linh hồn các anh bình yên vĩnh hằng trong lòng biển”.

Cả đoàn chúng tôi bật khóc. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Và tôi, người đã từng công tác nhiều năm ở DK1 càng nghẹn ngào khi biết thêm những câu chuyện kể về các anh, về những con người bất tử. 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.