Chuyện ở một bệnh viện đa khoa tỉnh

Khoa Hồi sức tích cực cấp cứu một ca bệnh hiểm nghèo.
Khoa Hồi sức tích cực cấp cứu một ca bệnh hiểm nghèo.
TP - Ba năm trở lại đây, với tấm lòng “tất cả vì người bệnh”, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống hàng trăm nạn nhân và bệnh nhân mà tính mạng ở vào tình trạng hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.

Hơn hai năm, cứu sống sáu người nhẩy cầu tự tử

Cầu Bãi Cháy một mặt phẳng dây văng là công trình kỳ vĩ, có chiều dài gần một cây số, vắt qua Vịnh Cửa Lục. Từ trên cầu nhìn thẳng xuống, mặt nước biển sâu thăm thẳm (gần 50 mét).

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày khai thông cây cầu đến nay, đã có chừng hai mươi người nhảy cầu tự tử. Người ta truyền miệng rằng hồi xây dựng cầu, khi đổ bê tông trụ cầu số hai cao gần 100 mét bằng máy phun áp lực cao, mỗi mẻ hàng chục mét khối bê tông, một lần một công nhân kỹ thuật sơ ý, bị cuốn vào khối bê tông, không cứu ra được (?) vì độ sâu trong lòng trụ quá lớn, thời gian đông kết loại bê tông này lại chỉ có 120 phút. Nay có nhiều người nhảy cầu tự tử nên người ta đồn thổi liên tưởng đến chuyện kia.

Hơn hai năm về trước, những người nhảy cầu tự tử, có người chết, được vớt lên ngay, có người vài ngày sau mới tìm thấy xác. Cũng có người vớt lên, còn thoi thóp, được đưa vào BV cấp cứu, nhưng không qua khỏi, vì các chấn thương ngoại và nội tạng rất nặng (vì rơi từ độ cao 50 mét, sự va đập với mặt nước là rất mạnh). Vậy mà hơn hai năm qua, có sáu người nhảy cầu, khi vớt lên, dù đã bị chấn thương rất nặng, nhưng còn một chút dấu hiệu của sự sống, vẫn được khoa Hồi sức tích cực của BVĐK  Quảng Ninh cấp cứu và qua khỏi.

Anh Ngô Thế X (xin không viết tên thật), 43 tuổi, nhảy cầu hồi 6 giờ sáng ngày 29/6/2015, ở tư thế úp bụng xuống mặt nước, bị dập phổi, máu đọng trong phổi nhiều, gan phù nề nặng, tim chấn thương, huyết áp không đo được...  Sau hai ngày được hồi sức tích cực, truyền dịch, thở ôxy nguyên chất, nhiều lần sốc tim..., nạn nhân dần dần có dấu hiệu khả quan. Sau mười ngày điều trị tiếp, Ngô Thế X bình phục, ra viện.

Phùng Tuấn B, 24 tuổi, nhảy cầu ngày 12/4/2016, được dân vớt lên rồi cùng công an đưa vào BV cấp cứu. Nạn nhân B không có địa chỉ, bị thương rất nặng cả tim, phổi, chùn xương sống cổ, não cũng có dấu hiệu chấn thương. Có thể lúc nhảy cầu, B đã lao đầu xuống trước. Khoa Hồi sức tích cực vừa cấp cứu, vừa lên mạng thông báo, tìm người nhà của B. Hai ngày sau, người nhà của B mới từ Hải Phòng ra nhận mặt thân nhân. Qua mười ngày được hồi sức tích cực, B hồi phục hoàn toàn.

Cháu Nguyễn Huy H, 13 tuổi, bỏ học đi đánh điện tử, bị gia đình trách mắng. Tủi thân, H nhảy cầu. Cháu bị vỡ gan, vỡ lách... Nhưng khoa Hồi sức tích cực đã cứu sống cháu.  Sau khi ra viện, cháu H đã đi học lại bình thường.

Chuyện ở một bệnh viện đa khoa tỉnh ảnh 1

Bác sĩ Diện thăm bệnh cho cháu Tằng Dảu Thành.

Thầy mo khiếp vía, bác sĩ tìm vào

Do gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc, BVĐK Quảng Ninh thành lập một đơn vị, gồm nhiều ê kíp thầy thuốc, luân phiên nhau, đến các vùng sâu, vùng xa và biên giới, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc ít người, phát hiện, giúp đỡ những người mắc căn bệnh hiểm, nhưng do nghèo, lại ở xa các trung tâm y tế tuyến trên nên không có điều kiện điều trị.

Một lần về công tác tại xã Quảng Lâm, thuộc huyện Đầm Hà, ê kíp thầy thuốc do bác sĩ Nguyễn Trọng Diện - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh - dẫn đầu, được trạm y tế xã báo cáo: Có gia đình người Dao sinh một cháu bé có hai đầu, đặt tên là Tằng Dảu Thành. Lúc mới lọt lòng, cháu cũng bình thường như các trẻ sơ sinh khác, nhưng từ ngày thứ ba trở đi, sau cổ cháu nổi một cái u, phát triển rất nhanh. Ba tuần sau, cái u đã lớn bằng sọ quả dừa lửa, mọng căng, như cái đầu thứ 2, bóng nhẫy. Gia đình cháu Thành rất hoảng sợ. Dân quanh nhà cho biết: Bố mẹ Thành đã mời thầy mo đến cúng. Thầy mo đến nơi, thấy cháu bé “hai đầu”, hoảng quá bảo: “Con ma hai đầu này, to lắm, cúng không được đâu!”  rồi bỏ chạy.

BS Nguyễn Trọng Diện cùng cả ê kíp thầy thuốc liền tìm đến nhà thăm, khám chữa bệnh cho cháu Thành rồi kết luận: Cháu bị úng thủy não bẩm sinh. Cái “đầu thứ hai” chính là dịch từ não của cháu tiết ra, nhưng không có lối thoát, ứ lại thành khối u lớn. Do não bị chèn ép, da cháu tím tái, cháu khóc nhiều, biếng ăn. Nếu không xử lý ngay, cháu sẽ khó qua khỏi.

Ngay lập tức, cháu Thành được đưa lên xe của ê kíp thầy thuốc, vượt qua gần hai trăm cây số - từ xã Quảng Lâm về BVĐK Quảng Ninh, thành phố Hạ Long và được khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận.

Qua hai ca mổ, ca thứ nhất bóc tách và cắt bỏ khối dịch, bịt lỗ thoát vị, ca thứ hai đặt ống dẫn lưu từ não thất xuống ổ bụng qua da của cháu. Hai tuần sau ca mổ và được chăm sóc tích cực, cháu ra viện, về nhà an toàn.

Hiện giờ, cháu đã gần ba tuổi, mạnh khỏe, kháu khỉnh, rất hiếu động.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.